Những ngành nghề được đưa lao động sang châu Phi

Xây dựng, thợ hàn, thợ điện, đốc công, thuyền viên là các nghề được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại châu Phi.

Ngày 21/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, công bố thông tin trên trước tình trạng người lao động bị lôi kéo đi làm việc ở nước ngoài, gồm châu Phi. Hai năm qua, cơ quan này đã chấp thuận cho 8 công ty đưa lao động đi làm việc tại bốn nước, gồm Algeria, Cameroon, Cộng hòa Djibouti và Cộng hòa Seychells. Danh sách doanh nghiệp hợp pháp được công khai trên website của Cục.

Lao động Việt Nam làm công nhân xây dựng tại châu Phi. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Lao động Việt Nam làm công nhân xây dựng tại châu Phi. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị người lao động nếu gặp tổ chức, cá nhân tuyển lao động đi làm việc tại châu Phi ngoài những thị trường và doanh nghiệp nằm ngoài danh sách, thì thông tin về Cục để có biện pháp xử lý.

Người lao động đi xuất khẩu thông qua công ty dịch vụ cần liên hệ trực tiếp với họ để nắm rõ thông tin về tay nghề, ngoại ngữ chi phí đi từng nước, ngành, nghề và công việc cụ thể. Người lao động đi theo dạng ký hợp đồng trực tiếp với chủ ở nước ngoài cần làm thủ tục đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại nơi cư trú, tránh lừa đảo.

Bộ Ngoại giao một ngày trước cũng cảnh báo về tình trạng lôi kéo lao động đi làm việc tại châu Phi. Khi có vấn đề phát sinh, công dân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân.

Cả nước có hơn 600.000 lao động làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam. Lao động xuất khẩu chiếm 7-9% tổng số người được giải quyết việc làm mỗi năm, giúp giảm sức ép tạo việc làm cho lao động trong nước

Hồng Chiêu