Sáng nay 26.5, Diễn đàn kết nối trường ĐH và doanh nghiệp do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Úc giai đoạn 2021-2025, thu hút lãnh đạo nhiều trường ĐH tham dự.
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phát biểu trong diễn đàn sáng nay
Các lĩnh vực trên 90% sinh viên ra trường có việc làm
Trong hội thảo, tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), đã chia sẻ về tình hình việc làm sinh viên sau tốt nghiệp giai đoạn 2017-2021 và đề xuất giải pháp giai đoạn 2023-2026.
Theo kết quả thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp những năm gần đây như sau: Năm 2018 đạt 90,13%; năm 2019 là 86,68%; năm 2020 đến 90,69% và năm 2021 ở mức 90,52%.
Trong năm 2021, các lĩnh vực đào tạo tỷ lệ sinh viên có việc làm dưới mức 90% gồm: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; pháp luật; khoa học sự sống, khoa học tự nhiên; thú y; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; dịch vụ vận tải; kiến trúc và xây dựng.
Trong khi đó, một số lĩnh vực dẫn đầu tỷ lệ sinh viên có việc làm như: môi trường và bảo vệ môi trường ở mức 96,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 95,7%; nghệ thuật 95,5%…
Cụ thể, tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018-2021 như sau:
Tiến sĩ Nghệ cho biết, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng không phải thấp; nhiều trường, nhiều ngành ở mức trên 90%. Tuy nhiên, việc khảo sát ở giai đoạn đầu nên chưa phân tích được sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo và mức lương ổn định hay không.
Kể từ năm 2016, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH hằng năm khảo sát và báo cáo cho Bộ về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp. Kết quả khảo sát được cập nhật thường xuyên vào hệ thống phần mềm chung của Bộ GD-ĐT.
“Không thể nói trường uy tín mà tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp”
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ nhìn nhận: “Để đánh giá chất lượng một cơ sở giáo dục ĐH có nhiều tiêu chí khác nhau nhưng tôi cho rằng 1 tiêu chí quan trọng là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Không thể nói một cơ sở giáo dục ĐH uy tín mà tỷ lệ có việc làm của sinh viên thấp”.
Tuy nhiên, theo ông Nghệ, thực tế ở Việt Nam tỷ lệ này ở một số lĩnh vực đào tạo chưa cao và nguyên nhân xuất phát từ cả phía cơ sở đào tạo lẫn thị trường lao động. Về phía đào tạo, chất lượng của giáo dục ĐH còn khiêm tốn, nhiều khối ngành sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Các trường ĐH phải báo cáo tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường 12 tháng
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các trường ĐH và doanh nghiệp chưa hiệu quả. Theo tiến sĩ Nghệ, Bộ GD-ĐT hồi năm 2021 đã khảo sát 130 cơ sở ĐH, bình quân mỗi trường có hợp tác với 60 doanh nghiệp khác nhau, nhưng hiệu quả hợp tác chưa cao, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc liên hệ doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập.
Mặt khác, Chính phủ đã quy định các bộ ngành địa phương có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhưng các trường ĐH rất khó tìm được số liệu này. Trong nhiều giải pháp nêu ra, ông Nghệ cho rằng các trường ĐH phải chủ động hơn.
Hiện Việt Nam có trên dưới 50 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó riêng người có trình độ ĐH chiếm xấp xỉ 12%. Tiến sĩ Nghệ nhận định, thị trường lao động còn nhiều hạn chế, thực tế cho thấy số vị trí việc làm mới được tạo ra hàng năm thường thấp hơn số sinh viên ra trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh viên một số ngành ra trường tìm việc không dễ.