Luật Bảo hiểm xã hội đang được đề xuất sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15, tương tự như 17 năm trước.
Chủ trì soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) làm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 với kỳ vọng mở rộng lưới an sinh, hạn chế người rút BHXH một lần.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, đề xuất này không mới, bởi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (thực thi từ 2008) đã quy định lương hưu hàng tháng của lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH đủ 15 năm. Sau đó thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ cho đến khi lương hưu đạt tối đa 75%.
Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ năm 2016), cơ quan chủ trì đã nâng điều kiện hưởng lương hưu từ 15 lên 20 năm nhằm cân đối Quỹ hưu trí, bởi số năm đóng của lao động quá ngắn nhưng thời gian hưởng lại dài.
Người Hà Nội thể dục quanh hồ Tây. Ảnh: Đinh Tùng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2015 cho thấy số người đóng BHXH ngày càng ít đi và nguy cơ cạn kiệt Quỹ hưu trí nếu không thay đổi chính sách. Cụ thể, năm 1996 có 217 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu; năm 2000 số người đóng giảm xuống 34, năm 2009 còn 11 và giai đoạn 2015-2016 còn 9 người.
Trong khi đó bình quân lao động đóng BHXH 28 năm với tỷ lệ 22% vào Quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ 70,1%. Nếu duy trì cách đóng – hưởng như vậy thì đến năm 2020, mức thu quỹ bằng mức chi. Kết dư quỹ giảm dần và đến năm 2037 sẽ phải lấy ngân sách bù vào.
Nhìn rõ bất lợi của số năm đóng BHXH ít, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã tăng lên 20 năm đóng. Tuy nhiên, quy định này lại khiến nhiều người rời bỏ hệ thống an sinh. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động rút BHXH một lần. Khoảng 10% trong số đó có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Giai đoạn 2016-2020 mỗi năm có thêm khoảng 120.000 người hưởng lương hưu. Đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 3,2 triệu người nhận lương hưu và trợ cấp, bao phủ 35% tổng số người sau tuổi nghỉ hưu và còn khoảng 9 triệu người chưa được lưới an sinh bao bọc.
Lộ trình tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành (Xem chi tiết) Đồ họa: Tạ Lư
Việc tính toán rút xuống 15 năm như đề xuất lần này theo nguyên Thứ trưởng Huân “tạo nên một vòng luẩn quẩn” và chỉ xử lý được khoản lương hưu cho lao động gia nhập hệ thống muộn, có thời gian đóng BHXH ngắn. Trong khi mục tiêu sâu xa hơn của Luật sửa đổi là hạn chế người rút hoặc để lao động về một cục khi quay lại hệ thống có thể tích lũy đủ số năm đóng nhằm hưởng lương hưu.
Ông Huân phân tích, số năm đóng ít thì mức hưởng thấp, lao động cần chấp nhận vì không có phương án hài lòng tất cả. Người lao động cần tính toán tham gia lâu dài hơn để tỷ lệ hưởng lương hưu cao dần lên. Các chính sách về việc làm cần đồng bộ với thay đổi về hưu trí để làm giá đỡ cho lao động khi tham gia thị trường. Cụ thể, Luật Việc làm sửa đổi cần mở rộng chính sách trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ tốt hơn cho lao động trước khi họ nghĩ đến rút BHXH một lần.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá hạ năm đóng BHXH nhưng tuổi nghỉ hưu đang tăng theo lộ trình đã tạo nên khoảng trống từ khi lao động nghỉ làm cho đến khi được lĩnh lương hưu (nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 58 tuổi vào năm 2035).
Thực tế tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Công nhân nữ tuổi 40 bị thu hẹp việc làm hoặc phải chuyển nghề. Khi tuổi nghề hết, tuổi hưu chưa tới thì lao động thà rút BHXH một lần rồi tính tiếp chứ không chờ đến lúc lĩnh lương hưu.
“Giải bài toán lương hưu trong bối cảnh này thực sự khó khi nguyên tắc vận hành của quỹ là đóng – hưởng, đóng ít thì số tiền nhận được không đáng kể”, ông nói, góp ý việc sửa luật cần có sự đồng bộ để bao phủ rộng khắp các nhóm thụ hưởng, tránh giải quyết cấp bách cho nhóm này nhưng lại để thiệt thòi cho nhóm khác.
Những khoảng trống trong lưới an sinh
Những “khoảng trống” trong lưới an sinh. Video: Tạ Lư
Không phủ nhận ưu điểm khi giảm năm đóng để lao động sớm hưởng lương hưu và đảm bảo an sinh lâu dài, song ông Lê Đình Quảng, Phó ban chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lại băn khoăn với mức hưởng. Làm sao để lao động về già sống được bằng lương hưu, nếu không rất dễ gây bức xúc, càng khó mở rộng bao phủ.
Tiền lương hưu hiện phụ thuộc rất nhiều vào tiền đóng BHXH hàng tháng. Dù luật quy định đóng BHXH trên nền lương và các khoản bổ sung, nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH cho lao động chỉ nhích hơn lương tối thiểu vùng, dao động 4-5 triệu đồng. Nền đóng thấp thì tiền hưu trí không thể cao.
Trước nguyện vọng hạ tuổi hưu thay vì giảm dần năm đóng BHXH, ông Quảng cho rằng khó khả thi bởi lộ trình tăng tuổi hưu thực hiện theo Bộ luật Lao động mới có hiệu lực từ năm 2021. Lao động nghỉ việc, đóng đủ 15 năm BHXH vẫn phải chờ đến tuổi mới được hưởng lương hưu. Việc thiết kế chính sách hưu trí đa tầng, tính tới khoản trợ cấp hàng tháng làm giá đỡ là cần thiết. Tới đây, Tổng liên đoàn sẽ tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến lao động góp ý cho đề xuất này.
Hồng Chiêu