Tôi thấy nhiều trường hợp gia đình tan tác vì có chồng hoặc vợ đi xuất khẩu lao động nước ngoài.
Nhà tôi có ông chú họ, đi xuất khẩu lao động sang Nhật 3 năm. Lúc hết hạn, ông chú xin đi tiếp vài lần nữa, gửi tiền về cho vợ chăm hai đứa con. Cô vợ ở cùng bố mẹ chồng, vô cùng hiếu thảo, hiểu chuyện, cả họ nhà tôi rất quý.
Có một lần chú báo kết hôn giả để định cư Nhật để đưa vợ con qua ở chung. Sau vài năm, chú báo về có vợ sinh 3 con bên Nhật. Rồi chú định cư bên Nhật luôn. Ở Việt Nam thì con chú đã lớn học cấp 2 và cấp 3.
Cô vợ hiện vẫn đang ở với bố mẹ chú ấy, chú ấy chỉ gửi tiền về vì cô cũng vẫn đang chăm ông bà, chưa đi bước nữa vì con còn đang đi học. Nhà tôi ai cũng thương cô ấy.
Tôi chỉ muốn hỏi tại sao chú đi khá giả rồi chú không về với vợ con để cùng nhau gây dựng tiếp mà lại bỏ vợ một cách cay đắng như vậy?
>> “Con đi du học là món trang sức tô điểm cho gia đình”.
Tôi nghĩ, những người có chí hướng xuất khẩu lao động nên đi sớm, tích lũy kinh nghiệm, tiền tài, sau đó có thể tìm người bên đó, định cư luôn thì tốt.
Với những người có gia đình, đi xuất khẩu lao động hơn chục năm thì hệ lụy sẽ lớn cho người ở lại. Cái giá là có chút tiền, đi một vài năm nhưng đổi lại vợ chồng xa cách. Nếu đi lâu quá là nguy cơ thường trực mất vợ, mất chồng luôn. Lúc đó gia đình tan tác, sẽ có ít nhất một người phải ngậm đắng nuốt cay.
Đây cũng là câu hỏi dành cho những người cần phải suy nghĩ về sự đánh đổi có đáng hay không? Tiền nhiều để làm gì khi nếu hạnh phúc gia đình không bền vững?
Bao Nam Phat
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.