Để học và thi chứng chỉ O-Level dùng xét tuyển vào cao đẳng, đại học công lập ở Singapore, thời điểm tốt nhất để học sinh Việt Nam du học là khi hết lớp 8.
Tại hội thảo du học Singapore chiều 17/3 tại Hà Nội, ông Đinh Hoàng Hà (Kevin Dinh), giám đốc vùng của Học viện SSTC Singapore, chia sẻ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp O-Level.
Chương trình giáo dục phổ thông Singapore gồm 10 năm, trong đó tiểu học 6 năm (từ Primary 1 đến Primary 6), trung học 4 năm (từ Secondary 1 đến Secondary 4). Học xong trung học (tương đương lớp 10 ở Việt Nam), học sinh tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ O-Level từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 hàng năm.
Đề thi O-Level được gửi từ Đại học Cambridge, Anh, sau đó bài thi được gửi lại để chấm. Kết quả được công bố vào tháng 2 năm sau với thang điểm từ A1 đến F9 (từ 1 đến 9 điểm), điểm 1 cao nhất, điểm 6 là đạt và từ điểm 7 trở lên là trượt (điểm càng thấp thì càng giỏi).
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Singapore, nước này có 18 trường dự bị đại học (Junior College), 5 trường cao đẳng bách khoa kỹ thuật (Polytechnic) và 6 đại học công lập. Trong 5 hướng đi để vào đại học sau khi có bằng O-Level, hai hướng được nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn là dự bị đại học và cao đẳng kỹ thuật.
Để đăng ký vào trường công lập, học sinh nhập điểm O-Level lên hệ thống của Bộ Giáo dục Singapore. Nếu theo hệ cao đẳng, học sinh dùng tổ hợp điểm 5 môn, tổng phải nhỏ hơn hoặc bằng 26 (riêng ngành điều dưỡng lấy 28 điểm).
Trong khi đó, các trường dự bị đại học dùng tổ hợp điểm 6 môn và phải nhỏ hơn hoặc bằng 20. Nếu chọn hệ dự bị đại học, các em sẽ học hai năm rồi thi A-Level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao), còn nếu học cao đẳng, học sinh cần ba năm để lấy bằng, sau đó có thể đi làm ngay hoặc học tiếp lên đại học.
ông Đinh Hoàng Hà (Kevin Dinh), giám đốc vùng của Học viện SSTC Singapore, tại buổi chia sẻ thông tin du học ở Hà Nội, chiều 17/3. Ảnh: Bình Minh
Theo ông Hà, thời điểm thích hợp nhất để học sinh Việt Nam du học Singapore là hết lớp 8 do kỳ thi O-Level dành cho học sinh đủ 15 tuổi, tính đến ngày 1/1 của năm thi. Các em sẽ bắt đầu học Secondary 3 và Secondary 4 (lớp 9 và lớp 10 ở Việt Nam) để thi O-Level. Nếu sang muộn hơn, học sinh vẫn phải học lại từ bậc Secondary 3.
Ở trường công lập hay tư thục, học sinh đều học 7 môn O-Level, gồm tiếng Anh, Toán, Toán nâng cao, Vật lý, Hóa học, Nguyên lý kế toán và Nhân văn học. Tuy nhiên, số môn đăng ký thi O-Level nhiều nhất là 9 do có những môn kết hợp và một số học sinh phải thi thêm tiếng mẹ đẻ.
Nếu sang Singapore sau khi hết lớp 8, học sinh sẽ học chương trình 24 tháng, còn nếu từ lớp 9, thời gian học là 16 tháng. Học phí hai chương trình này ở các trường tư thục lần lượt khoảng 31.877 SGD (hơn 544 triệu đồng) và 24.725 SGD (trên 421 triệu đồng). Ở các trường công lập, mức này thấp hơn, khoảng 930 SGD (16 triệu đồng) một tháng.
“Tổng chi phí một năm, gồm tiền học, ăn, ở, chi phí sinh hoạt và chi phí người giám hộ, gia đình phải trả cho con học để thi O-Level tại Singapore khoảng 550 triệu đồng”, ông Hà ước tính.
Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: NUS
Chọn chương trình dự bị đại học hay cao đẳng kỹ thuật sau khi có chứng chỉ O-Level, theo ông Hà sẽ phụ thuộc vào định hướng của từng học sinh. Chương trình dự bị đại học dạy thiên về lý thuyết, theo khung của Bộ Giáo dục Singapore, trong khi đó trường cao đẳng kỹ thuật có chương trình riêng, thiên về kỹ năng nghề nghiệp theo chuyên ngành.
“Những em đã có định hướng rõ ràng về công việc sau này thì nên học cao đẳng. Nếu còn mông lung hoặc muốn trải nghiệm để biết mình muốn gì, chương trình dự bị đại học là phù hợp”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, học sinh quốc tế dù lựa chọn chương trình nào tại Singapore đều được chính phủ nước này hỗ trợ học phí, bảo lãnh cho vay để đáp ứng nhu cầu học tập (học phí, đi lại, ăn uống). Ngoài ra, du học sinh được đi làm thêm 16 giờ mỗi tuần (trong thời gian đi học) và 8 giờ mỗi ngày (trong thời gian nghỉ). Đổi lại, sau khi tốt nghiệp, các em phải làm việc cho công ty của Singapore trong ba năm để trả lại số tiền được hỗ trợ.
Với những gia đình có ý định cho con du học Singapore, ông Hà cho rằng cần tìm hiểu kỹ hệ thống giáo dục, chương trình học, cách tính điểm và chọn tổ hợp môn để có chiến lược hiệu quả. Phụ huynh cũng cần nắm được thời điểm bắt đầu năm học để lên lộ trình du học hợp lý cho con.
“Mục tiêu đừng để con đứt gánh giữa đường. Khi xác định cho con đi học rồi, gia đình phải cố gắng theo đuổi cho đến khi tốt nghiệp”, ông Hà khuyên.
Bình Minh