…Nhưng ít ai biết rằng đằng sau những đồng ngoại tệ là những sự thật đắng cay, khi có không ít lao động bỏ mạng xứ người, vợ chồng lục đục kéo nhau ra tòa, con cái hư hỏng khi thiếu bàn tay chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ.
Những cái chết ở “làng tỉ phú”
Đầu năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, anh Nguyễn Văn K. (sinh năm 1990), trú tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã kịp XKLĐ sang Hàn Quốc sau nhiều năm cần mẫn gửi đơn đến khắp các cơ quan chức năng, đòi lại công bằng cho người bố đã khuất của mình nhưng bất thành. Bố anh K., chết bất thường nhưng lại liên quan đến em vợ, cũng tử vong cùng thời điểm đó, để lại muôn vàn thị phi cho hai gia đình và cả dòng họ, khi làng trên xóm dưới cho rằng, họ có tư tình, gian díu với nhau dẫn đến mâu thuẫn tình cảm, rồi cùng nhau kết thúc cuộc đời.
Được coi là làng xuất khẩu lao động giàu nhất Việt Nam, nhưng Cương Gián cũng đang gánh chịu không ít hệ lụy
Chuyện xảy ra vào ngày 28-11-2015, mọi người đến nhà riêng của ông Nguyễn Văn Hoài, trú tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân thì tá hỏa khi phát hiện em vợ của ông này là bà Trần Thị Thọ, đã tử vong trong tư thế bị trói hai tay, không mặc quần áo, nằm sấp trên giường với nhiều vết đâm. Cạnh đó, ông Hoài cũng nằm gục phía dưới với nhiều vết đâm khắp cơ thể, xung quanh vương vãi máu. Thời điểm xảy ra vụ việc, vợ ông Hoài cũng không có mặt ở nhà, mà đang vào miền Nam để trông cháu, còn các con của vợ chồng ông này đều đi XKLĐ tại Hàn Quốc.
Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có kết luận, cho rằng bà Trần Thị Thọ tử vong có liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Văn Hoài. Còn việc ông Hoài chết là do tự sát. Thông báo kết luận này đều không nhận được sự đồng thuận từ cả hai phía gia đình, trong đó anh K. – con trai ông Hoài – nên anh này đã quyết định theo đuổi vụ việc, bỏ dở giấc mơ làm giàu nơi xứ người. Nhiều năm sau đó, anh đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi để giải oan cho bố, nhưng sự thật mà cơ quan chức năng kết luận thì chỉ có một. Người này sau đó cũng đã gác lại ấm ức, chấp nhận điều tiếng để quay lại nơi xứ người tiếp tục công cuộc làm giàu xa xứ.
Tại xã láng giềng với Cổ Đạm là Xuân Liên, cách đây chưa lâu nhiều người cũng đã vui vẻ đến dự đám cưới, chúc phúc lần hai cho chị Trần Thị H. (sinh năm 1978), một cán bộ công chức của xã. 4 năm về trước, chồng cũ của chị này là anh Nguyễn Văn T. đã từ giã gia đình, vợ con để sang Angola tìm kiếm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, ước mộng chưa thành thì đã gặp ác mộng, khi anh T. chẳng may gặp cướp có vũ trang, đành bỏ mạng nơi xứ người.
Do anh này đi XKLĐ “chui” nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa thi thể về quê để an táng. Nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và nhóm người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại đây đã kêu gọi ủng hộ để giúp đỡ, nên gia đình mới đưa thi thể nạn nhân về được quê nhà. Sau hơn 3 năm để tang chồng, chị H. cuối cùng cũng tìm được cho mình bến đỗ hạnh phúc mới.
Cương Gián, Cổ Đạm, Xuân Liên, Xuân Thành… đều là những xã nghèo ven biển của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề chính của người dân nơi đây chủ yếu là đi biển, đánh bắt hải sản xa bờ. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xa xưa, bởi khoảng 20 năm trở lại đây, các xã này đã có những “làng tỉ phú” khi cơn sốt XKLĐ bùng lên. Không chỉ thanh niên mà nhà nhà, người người đều rồng rắn xách ba lô lên và đi nuôi giấc mộng làm giàu nơi xứ người.
Tại xã Cương Gián, địa phương được ví là làng giàu nhất Việt Nam nhờ XKLĐ, ông Nguyễn Văn Trính, Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng liên xã cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.700 lao động tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số quốc gia khác. Mỗi tháng, trung bình một người gửi về 700 USD, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hà, thì đằng sau những con số biết nói về hiệu quả kinh tế, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra từ việc XKLĐ, nhất là tỷ lệ ly hôn khá cao, thậm chí phát sinh các vụ án từ mối quan hệ hôn nhân gia đình.
Tan đàn xẻ nghé
Đó là câu chuyện đắng lòng của gia đình ông Lê Hải Châu và bà Chu Thị Hà, trú tại thôn Ngư Tịnh, xã Cương Gián. Cuộc sống gia đình khó khăn, chồng bệnh tật, con bị dị tật bẩm sinh nên bà Hà đi XKLĐ tại Hàn Quốc từ năm 2000. Sau gần 20 năm bôn ba xứ người, khi kiếm đủ số tiền để xây nhà cửa, lo cho cuộc sống gia đình, bà Hà trở về quê thì tình cảm vợ chồng đã không còn mặn nồng như xưa.
Ông Lê Hải Châu lĩnh án 20 năm tù vì đã giết vợ sau 20 năm bà đi xuất khẩu lao động trở về
Thấy vợ đi xa lâu năm mới về nhà nhưng không quan tâm, chăm sóc chồng, có biểu hiện muốn đi tiếp nên ông Châu đã nảy sinh giết vợ rồi tự tử. Đầu tháng 2-2019, khi vợ đang ngủ, ông này đã dùng dao chém vợ tử vong. Sau khi giết vợ, ông Châu đã xuống biển tự tử nhưng được người dân phát hiện đưa lên bờ. 4 tháng sau đó, ông Lê Hải Châu bị tòa án tuyên phạt 20 năm tù giam về tội giết người. Theo lãnh đạo xã Cương Gián, từ khi phong trào XKLĐ bùng lên trên địa bàn đến nay là xấp xỉ 30 năm, nhưng toàn xã đã có gần 250 cặp vợ chồng ly hôn liên quan đến XKLĐ, trong đó ở những thôn được mệnh danh là “xóm Hàn Quốc” như Ngư Tịnh, Bắc Mới… có tỉ lệ ly hôn khá cao, từ 50 – 80 cặp vợ chồng, cá biệt có đại gia đình có đến 3 cặp vợ chồng “tan đàn, xẻ nghé” sau khi vợ hoặc chồng đi XKLĐ.
Ông Mai Anh Lý, chủ tịch UBND xã Xuân Liên cũng cho biết thêm, số liệu cuối quý I/2022, toàn xã có hơn 1.700 lao động đang làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đây là những con số quản lý được, còn đi chui hoặc có người thân bảo lãnh thì nhiều vô kể. Bên cạnh nguồn ngoại hối gửi về cho gia đình hằng năm, ông Lý thừa nhận XKLĐ cũng đã để lại cho địa phương không ít hệ lụy. Cũng tương tự như Cương Gián, xã Xuân Liên trong những năm gần đây đón nhận “làn sóng” ly hôn khá cao, cá biệt có năm trên 10 cặp vợ chồng ra tòa để đường ai nấy đi, và phần lớn trong số này đều liên quan đến XKLĐ.
Cộng đồng người Việt ở Angola lo hậu sự cho một lao động Việt Nam tử nạn do bị 2 con chó Pitbull cắn chết
Có nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng đều đi XLKĐ, để con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng dẫn đến ăn chơi, hư hỏng. Ngoài ra, cuốn theo làn sóng kiếm tiền nên phần lớn lao động ở các xã ven biển của Hà Tĩnh, sau khi kiếm được một khoản tiền kha khá đã trở về nhà xây những căn biệt thự tiền tỉ, nhưng sau đó lại quen với lối sống xứ người nên lại tiếp tục khăn gói ra đi. Hệ quả là có hàng trăm căn biệt thự hoành tráng, nguy nga được xây dựng lên để cho “bằng chị, bằng em”, sau đó cửa đóng then cài, không có người ở. Tại các vùng quê này, bên trong những ngôi biệt thự chỉ có những người già và trẻ em sinh sống là chủ yếu.
Một cán bộ tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân cho biết thêm, làm giàu từ XKLĐ thì thấy rõ, nhưng chưa thấy gia đình nào hạnh phúc khi có tiền. Thậm chí, không ít gia đình khi có nhiều tiền từ việc ra nước ngoài làm thuê, khi đã thoát khỏi cảnh nợ nần, thì quay ra đổ đốn, hư hỏng. Ở các xã có tỉ lệ người đi lao động nước ngoài cao trên địa bàn Hà Tĩnh, những điệp khúc như vợ đi làm ăn ở Hàn Quốc, chồng ở nhà lấy vợ khác; hoặc vợ đi gửi tiền về nuôi con, chồng ở nhà lại sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, bồ bịch, đến khi vợ về thì tiền hết dẫn đến mâu thuẫn. Thậm chí có không ít trường hợp vợ chồng làm thủ tục ly hôn giả để kết hôn với người nước ngoài, sau đó giả đã biến thành thật… là những điệp khúc quen tai, không có gì bất ngờ, ngạc nhiên với chính quyền và người dân nơi đây.
Lượng kiều hối chuyển về nhiều khiến làng quê Cương Gián cũng bị cuốn vào cơn sốt đất, nhiều khu đô thị mọc lên rồi bỏ hoang
Nói về nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy từ XKLĐ, đặc biệt là gia tăng tình trạng ly hôn trong những năm vừa qua, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thanh Thanh, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Vinh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm dẫn đến phát sinh tình cảm ngoài luồng. Bên cạnh đó, có những người do sinh sống ở nước ngoài quá lâu, từ 10 – 20 năm nên bị ảnh hưởng bởi lối sống, tập quán của người bản địa, dẫn đến có nhiều trường hợp đã không trở về, hoặc một số về lại quê nhà thì tư duy, lối sống đã thay đổi. Đó là chưa kể đến, nhiều trường hợp quá trình làm ăn, tích cóp gửi tiền về để nuôi chồng, nuôi con nhưng số tiền này đã bị “nướng sạch” vào lô đề, cờ bạc, rượu chè và thậm chí là bồ bịch, dẫn đến bao năm tích cóp xứ người, nghèo vẫn hoàn nghèo nên xung đột nảy sinh, từ đó gia đình tan vỡ.
Rõ ràng, xuất khẩu lao động là một trong những con đường giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Nhưng đối với nhiều gia đình, con đường này cũng rất nhiều chông gai và không ít nguy cơ. Vậy nên, mỗi người, mỗi gia đình trước khi xác định bước chân đến xứ người để mưu sinh, kiếm sống, hãy nhìn những “tấm gương mờ” đã đi trước để thận trọng, biết cách điều chỉnh hành vi, đi để còn chốn bình yên quay về.
(Theo Công an nhân dân)
‘Làng tỷ phú’ nhờ xuất khẩu lao động
Từ một xã nghèo thuần nông, cuộc sống người dân nhiều khó khăn, Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) đã có nhiều ô tô, biệt thự… Nơi đây được gọi với cái tên là “làng tỷ phú” của xứ Nghệ.