Từ những tín hiệu của thị trường cung – cầu lao động trong những tháng đầu năm 2023, dự báo thị trường lao động của Quý tiếp theo sẽ có những khó khăn và thách thức. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý 2/2023 tại tỉnh Bình Dương chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động.
Ngày 29/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, thống kê cho thấy đến hết tháng 02/2023, toàn tỉnh có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, cũng trong Quý I/2023 tổng số người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 12.100 người.
Trong Quý có 745 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.864 lao động, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 21.004 người. Chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm việc làm tăng thêm của Quý I/2023: 11.216 người, đạt tỷ lệ 32% kế hoạch (chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm trong năm 2023 là 35.000 lao động).
Ông Trịnh Tấn Tài – GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, ngay từ những ngày đầu năm mới 2023, các doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhanh chóng trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với không ít thách thức không chỉ giảm số lượng đơn hàng mà chi phí sản xuất cũng tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, sức mua chưa như kỳ vọng…Những khó khăn này đã được dự báo trước và đã thể hiện rõ từ Quý 3,4/2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại….
Nhu cầu tìm việc của NLĐ tăng so với cùng thời điểm những năm trước.
Với những biến động thị trường như hiện nay doanh nghiệp chỉ có những đơn hàng trước 2, 3 tháng hoặc đến giữa năm…Tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp trong quý 1 giảm so với cùng kỳ của năm 2022 tuy nhiên đa số các doanh nghiệp vẫn đủ để duy trì các hoạt động sản xuất và không tổ chức làm thêm giờ (chỉ làm việc 8 tiếng giờ hành chính) một số ít trường hợp doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm, giữ chân lao động sẽ bố trí làm việc luân phiên, giảm giờ làm nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Theo ông Tài, nhu cầu tìm việc của NLĐ tăng so với cùng thời điểm những năm trước, chủ yếu vẫn là tìm kiếm công việc lao động phổ thông tuy nhiên chất lượng không cao, đa số có trình độ THCS, không có tay nghề, độ tuổi trên 35 và đây thuộc nhóm lao động yếu thế trong môi trường cạnh tranh về việc làm như hiện nay. Những lao động có độ tuổi trẻ từ 18 -30, có tay nghề như: may, gỗ….sẽ dễ dàng tìm việc làm hơn giày da vì lĩnh vực da giày hiện nay hầu như các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng.
“ Nếu như trước đây đầu năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá ồ ạt thì thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến Quý 1/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa và số lượng không nhiều, từ vài người đến vài chục người và những doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm. Chính vì số lượng người lao đồng cần việc làm nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nên một số doanh nghiệp cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chí tuyển dụng lao động khắt khe hơn trước như: người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo chứng chỉ, hoặc tay nghề ổn định để vào làm việc ngay mà doanh nghiệp không cần đào tạo lại”, ông Tài cho hay.
Từ những tín hiệu của thị trường cung – cầu lao động trong những tháng đầu năm 2023, dự báo thị trường lao động của Quý tiếp theo sẽ có những khó khăn và thách thức. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý 2/2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 – 80% tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách; gỗ nội thất; cơ khí; ngũ kim, … do doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhất là trong ngành chế biến, chế tạo.
Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý 2/2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 – 80% tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách; gỗ nội thất; cơ khí; ngũ kim, …
Giải pháp cho tình trạng trên, Sở LĐ-TB&XH đang triển khai để giúp người lao động tìm kiếm việc làm như gắn kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng tay nghề cho người lao động kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại doanh nghiệp.
Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung – cầu lao động, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu, tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để tiến hành các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động…
Tăng cường công tác phối hợp với các Ngành, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng các quy định của Pháp luật lao động, đặc biệt trong vấn đề ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn không bố trí được việc làm cho người lao động.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn kết giữa đào tạo và việc làm, gắn kết giữa các Trường cao đẳng, trung cấp, Cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng tay nghề cho người lao động kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại doang nghiệp.