Dù giá thuê vẫn tiếp tục tăng, nhưng tỷ lệ lấp đầy kho xưởng công nghiệp có xu hướng giảm do nguồn cung mới gia nhập thị trường và nhu cầu đối với loại hình kho xưởng xây sẵn có dấu hiệu chững lại.
Báo cáo thị trường công nghiệp và hậu cần miền Nam quý 4/2022 của Cushman & Wakefield cho biết, quý cuối năm 2022, giá thuê tiếp tục xu hướng tăng ở khắp các phân khúc bất động sản công nghiệp ở thị trường miền Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy giảm do nguồn cung mới gia nhập thị trường và nhu cầu đối với loại hình kho xưởng xây sẵn có dấu hiệu chững lại.
Nguồn cung mới sẽ đặt áp lực lên giá thuê của kho xưởng. Ảnh minh họa
Cụ thể, thị trường kho xưởng xây sẵn ghi nhận hơn 300.000m2 nguồn cung mới, chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai và Long An. Tỷ lệ lấp đầy của phân khúc kho xưởng giảm mạnh do nhu cầu chững lại, đặc biệt trong các ngành hàng xuất khẩu.
Trong khi đó, diện tích đất khu công nghiệp cho thuê đạt 28.170ha, tăng 1% so với quý trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 81% ổn định so với quý trước và giảm 5 điểm phần trăm so với năm ngoái. Giá thuê trung bình đạt 159USD (khoảng 3,8 triệu đồng)/m2/chu kỳ thuê, tăng lần lượt 3% so với quý trước và 10% so với năm ngoái.
Cushman & Wakefield dự báo, giai đoạn 2023 trở đi, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung kho xưởng dồi dào. Trong khi đó, nguồn cung đất công nghiệp sẽ trở nên hạn chế vào năm 2023 do thủ tục pháp lý kéo dài. Nguồn cung mới sẽ đặt áp lực lên giá thuê của kho xưởng, làm giá thuê tương lai có thể không đổi hoặc thậm chí giảm.
Giai đoạn 2023 trở đi, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung kho xưởng dồi dào. Nguồn cung mới sẽ đặt áp lực lên giá thuê của kho xưởng, làm giá thuê tương lai có thể không đổi hoặc thậm chí giảm.
Trong bối cảnh giá đất tăng cao, nhà đầu tư sẽ hướng tới những vị trí có giá hấp dẫn hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ. Công ty nghiên cứu thị trường này dự báo nguồn cung khu công nghiệp tương lai là khoảng 27.000ha, nhà xưởng xây sẵn khoảng 4,1 triệu m2 và nhà kho xây sẵn khoảng 2,8 triệu m2.
Triển vọng nào cho năm 2023?
Ông Chí Vũ, Trưởng phòng cấp cao dịch vụ Khu công nghiệp tại Colliers Việt Nam, cho biết việc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng từ các thị trường phát triển chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn đầu tư chất lượng cao.
Phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang được đánh giá là nhóm ngành triển vọng, nhờ vào làn sóng vốn FDI tích cực.
Tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 ước đạt gần 27,72 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh thu hút FDI với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, với tổng số vốn FDI trong 9 tháng 2022 là 31 tỉ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn đến từ các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng xe điện.
Dù có những lợi thế như vị trí gần Trung Quốc, giá thuê đất thấp, chi phí năng lượng cạnh tranh và lao động lành nghề, Việt Nam vẫn có thể bị giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI do dòng vốn được rót vào các ngành xe điện và bán dẫn tại các quốc gia khác trong khu vực. Đây là hai ngành quan trọng sẽ định hình bối cảnh đầu tư các khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới vẫn là điểm sáng trong lĩnh vực bất động sản với sự hỗ trợ của chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư và cơ sơ hạ tầng giao thông, phát triển kết nối giao thông giữa các vùng và khu vực cảng biển, hỗ trợ cho lĩnh vực hậu cần.
Nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp làm dịch vụ hận cần được ghi nhận tại hầu hết các khu kinh trọng điểm của cả nước và kể cả các vùng lân cận. Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp đang được các nhà đầu tư xem như một kênh an toàn trong tình hình vĩ mô toàn cầu còn nhiều bất ổn.