Trong quý 1/2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tiến hành khảo sát tình hình lao động tại 3.916 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, hơn 74% doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh chỉ chiếm hơn 2% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Trong khi đó, có hơn 23% doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát trên, nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn là do thiếu đơn hàng (chiếm gần 96%) và thay đổi lĩnh vực kinh doanh (chiếm hơn 4%).
Thị trường bất động sản đóng băng tác động đến hàng loạt ngành nghề khác như xây dựng công nghiệp, vật liệu xây dựng… (Ảnh minh họa: Hải Long).
Cũng theo khảo sát này, tính đến ngày 1/3, trong số gần 4.000 doanh nghiệp được khảo sát có 671 doanh nghiệp (chiếm 17,13%) có số lao động tăng so với thời điểm 31/12/2022, với số lao động tăng là 5.379 người.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy có 1.221 doanh nghiệp (chiếm 31,18%) có số lao động giảm, với số lao động giảm là 19.829 người. Các doanh nghiệp giảm lao động tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng…
Trong báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 3 và quý 1/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đánh giá doanh nghiệp kinh doanh ở hầu hết các ngành nghề đều đang gặp khó khăn.
Ngành chế biến lương thực thực phẩm khả năng giảm quý I/2023 là khoảng 2% doanh số. Dự báo trong quý II/2023 ước giảm khoảng 4%.
Ở ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.
Ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm từ 30-40%.
Ngành xây dựng công nghiệp gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, tiêu chí PCCC không rõ ràng, chưa thống nhất, nhiều dự án không hoàn công được, không có giấy phép, không thể sử dụng thế chấp vay vốn.
Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu khoảng 15%; trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet; đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng rất không khả quan khi các sản phẩm nội thất các dự án đóng băng, hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.
Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động…
Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP cho thấy có hơn 41% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; gần 18% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; hơn 11% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; gần 18% thiếu vốn kinh doanh…