Đầu tư vào Úc
Reuters vừa qua đưa tin công ty đất hiếm Lynas của Úc đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu AUD (133,9 triệu USD) từ Nhật Bản cho các dự án nhằm tăng cường sản xuất nguyên liệu đất hiếm nặng và nhẹ.
Theo thỏa thuận, Lynas sẽ cung cấp cho Nhật Bản đến 65% lượng dysprosium và terbium sản xuất được tại mỏ Mount Weld ở miền tây Úc. Thỏa thuận được ký giữa Lynas và Công ty đất hiếm Nhật Úc, một công ty liên doanh của Cơ quan An ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản (JOGMEC) và tập đoàn Sojitz của Nhật.
Quặng chứa đất hiếm tại một khu mỏ tại Mỹ
Dysprosium và terbium là hai nguyên tố đất hiếm nặng, được sử dụng để tăng cường khả năng kháng nhiệt cho nam châm neodymium, bộ phận chính để giảm kích thước động cơ xe điện và tuốc bin gió. Nam châm neodymium còn ứng dụng trong nhiều thiết bị điện tử khác. Mỗi năm, Nhật Bản mua hàng trăm tấn hai loại đất hiếm nói trên, theo tờ Nikkei Asia.
Lượng đất hiếm do Lynas cung cấp sẽ đủ cho 30% nhu cầu đất hiếm nặng nội địa của Nhật Bản, theo ước tính của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này. Lynas dự kiến bắt đầu khai thác trong vài năm nữa.
Công ty Úc có kế hoạch vận chuyển quặng đất hiếm từ mỏ Mount Weld ra nước ngoài để xử lý, phân tách lấy đất hiếm sạch. Đến nay, công đoạn này chủ yếu thuê từ các công ty Trung Quốc nhưng Lynas dự kiến sẽ cung cấp cho Nhật Bản thông qua một chuỗi cung ứng mới mà không thông qua Trung Quốc.
Mỏ đất hiếm Mount Weld tại Úc
Chưa thể thoát ly ngay
Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh gần như toàn bộ việc sản xuất đất hiếm nặng. Mỹ và các nước khác cũng sản xuất đất hiếm nhưng Trung Quốc đã xây dựng sự độc quyền thông qua hệ thống khép kín từ khâu khai thác cho đến xử lý làm sạch.
Sản lượng quặng đất hiếm toàn cầu trong năm 2022 là khoảng 300.000 tấn, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 210.000 tấn (70%). Cụ thể, hai loại nguyên tố dysprosium và terbium chủ yếu tập trung tại miền nam Trung Quốc và Myanmar. Sau khi khai thác, Trung Quốc có thể xử lý làm sạch đất hiếm tại nước này.
Một mỏ đất hiếm tại Nội Mông, Trung Quốc
Năm 2010, sau một vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản gần tỉnh Okinawa, Trung Quốc đã tạm ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản khiến các nhà sản xuất nam châm Nhật gặp khó khăn. Theo Nikkei Asia, nếu Nhật Bản có thể tìm được nguồn cung cấp ngoài Trung Quốc, họ sẽ có được công cụ đối phó với lá bài “đất hiếm” nói trên.
Một đại diện của Sojitz cho biết chất lượng quặng đất hiếm tại mỏ của Lynas là cao và hoạt động của Nhật Bản sẽ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc về giá. Tuy nhiên, chi phí vẫn là vấn đề gây khó khăn, đặc biệt là khi cạnh tranh với nước có khâu sản xuất hoàn thiện như Trung Quốc. Quặng đất hiếm thường chứa vật liệu phóng xạ nên khâu xử lý thường đòi hỏi các biện pháp môi trường nghiêm ngặt, làm gia tăng chi phí.
Hơn nữa, hợp đồng nói trên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đất hiếm nặng tại Nhật Bản, đồng nghĩa nước này tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc cho 70% nhu cầu còn lại. Trong thời gian đó, JOGMEC đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm nặng từ Namibia và những nơi khác.
Thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu được cho là tạo ra hơn 5 tỉ USD doanh thu trong năm 2021 và được dự báo sẽ vượt mức 10 tỉ USD đến năm 2030, theo trang Tech Times. Thị trường dự kiến còn sinh lợi nhiều hơn khi các nước ngày càng gia tăng nỗ lực giảm phát thải và áp dụng các công nghệ mới như năng lượng sạch và xe điện, những ngành sử dụng nhiều nguyên liệu đất hiếm.