Trao đổi với PV Dân trí bên lề hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững hệ thống Tài chính Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số”, do Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội, TS Hoàng Việt Trung nêu nhận xét như vậy khi được hỏi về quan niệm tài chính ngân hàng là ngành “béo bở”, làm ngân hàng là nghề “việc nhẹ lương cao”?
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại một doanh nghiệp ở Hà Nội (Ảnh: M.H).
Nhân viên ngân hàng làm việc đến 20h, kiêm bán bảo hiểm
Theo TS Hoàng Việt Trung – nguyên Cục trưởng Cục 1, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các ngân hàng cắt giảm rất nhiều nhân sự.
Chuyên gia này cho rằng, cũng như một số ngành khác, việc thay đổi nhân lực ngành ngân hàng là hoạt động thường xuyên và bình thường, trong đó có cả quá trình doanh nghiệp tự đào thải để chọn lọc thế hệ nhân lực mới, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn (Ảnh: M.H).
Xu hướng khác, do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, máy móc thay thế con người khá hiệu quả, dẫn đến việc cắt giảm nhân sự.
Về xu hướng thí sinh đổ xô vào xét tuyển vào các trường đào tạo ngành ngân hàng hiện nay, TS Trung nhận định, việc đào tạo ồ ạt là do nhu cầu thị trường, để đáp ứng cung – cầu.
“Trước đây nhiều người mặc định làm ngân hàng là “ăn trắng mặc trơn”, “việc nhẹ lương cao” nhưng suy nghĩ này đã thay đổi. Hiện nay, nhân viên ngân hàng làm việc rất vất vả. Cán bộ ngân hàng về trước 19h rất hiếm, 20h mới rời công sở là chuyện bình thường. Thậm chí, một số ngân hàng còn bắt buộc nhân viên bán cả bảo hiểm, bán trái phiếu mới có thu nhập tương đối, rất khổ”, TS Trung nói.
TS Hoàng Việt Trung – nguyên Cục trưởng Cục 1 Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: M.H).
Theo TS Trung, các trường đại học hiện nay hầu hết thực hiện cơ chế tự chủ, phục vụ người học nên các chương trình đào tạo phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu.
“Để thích nghi với thực tế, tôi thấy các trường đại học đã tự thay đổi từ lâu, như thay đổi giáo trình, bổ sung thêm môn và tập trung vào công nghệ tài chính. Thậm chí một số trường ngoài việc đào tạo sinh viên, còn đào tạo sau đại học về các ngành liên quan đến công nghệ tài chính. Đây là hướng đi rất đúng”, TS Trung nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS. TS Phạm Tuấn Anh, Trưởng Bộ môn quản trị tài chính, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Thương Mại cho hay, nhân viên ngân hàng đã “hết thời vàng son” là thực tế. Giờ làm việc của nhân viên ngân hàng, nhất là nhân viên kinh doanh, công việc hiện không còn giới hạn trong 8 tiếng/ngày hay 40 tiếng/tuần nữa. Áp lực công việc lớn hơn rất nhiều.
Theo chuyên gia này, ngành ngân hàng cần làm sao để nhân viên vẫn đáp ứng được khối lượng công việc mà kéo giảm được giờ làm việc xuống.
“Không riêng Việt Nam mà trên thế giới, nhân sự ngành này vẫn làm việc, vẫn bán bảo hiểm…, nhưng vẫn có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Khảo sát chúng tôi mới thực hiện cho thấy, nhân sự ngành ngân hàng đang khá thiếu thời gian cho bản thân, cho việc tái tạo sức lao động, dẫn đến những áp lực ngược, làm giảm năng suất.
Vậy nên cần có giải pháp, sao cho chuyển đổi số là phải bớt được những công việc nhàm chán, tăng thêm hiệu quả làm việc cho nhân sự ngành ngân hàng”, PGS. TS Phạm Tuấn Anh nói.
PGS. TS Phạm Tuấn Anh, Trưởng Bộ môn quản trị tài chính, Khoa Tài chính Ngân hàng- Trường ĐH Thương Mại (Ảnh: M.H).
Nghề năng động, cũng đầy cám dỗ
Cũng theo PGS. TS Phạm Tuấn Anh, suy nghĩ “việc nhẹ lương cao” xã hội vẫn nói khi nhắc đến về ngành ngân hàng hiện đã khác hẳn.
Nguyên tắc chung, muốn có thu nhập cao, trước hết người lao động cần kỹ năng nghề nghiệp và tiêu chuẩn cao. Các công việc đem lại thu nhập cao đều áp lực rất lớn và đòi hỏi nền tảng kiến thức rất vững chắc, trong đó ngành tài chính ngân hàng không phải ngoại lệ.
Ngành tài chính ngân hàng là một trong những dịch vụ của nền kinh tế hiện đại. Lực lượng lao động trẻ, lao động trong tương lai nhìn vào đó để xây dựng giấc mơ là việc tích cực.
Mặc dù vậy, theo phân tích của chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, người lựa chọn ngành học này cần xác định, để có công việc có thu nhập cao, bền vững, có thể gây dựng được sự nghiệp tốt, hiển nhiên phải nỗ lực lớn, có sự chuẩn bị tốt về trình độ, các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cũng như sự trải nghiệm sớm.
Người học phải xác định rõ có thực sự muốn làm trong lĩnh vực rất năng động, đòi hỏi sự học tập, thích ứng liên tục và cũng đối mặt không ít rủi ro, cám dỗ, có thể sa chân, lạc bước như rất nhiều cán bộ các ngân hàng vừa qua hay không.
Thí sinh Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Về hiện tượng các trường đại học đang chạy theo xu thế, tuyển sinh ồ ạt ngành ngân hàng, PGS. TS Phạm Tuấn Anh cho rằng, cơ sở đào tạo muốn đón trước xu hướng, nhu cầu của thị trường lao động.
Theo chuyên gia này, ưu tiên đào tạo các chuyên ngành về tài chính ngân hàng không sai nhưng các trường cần xác định, ở đầu ra người học sẽ làm gì trong môi trường số.
“Các học viện, các trường đại học dám tuyển sinh thì dám chịu trách nhiệm và dám giải trình với xã hội, rằng chúng tôi sẽ đào tạo kiến thức, kỹ năng phù hợp để các ngân hàng có đội ngũ nhân sự đón được những làn sóng mới”, PGS. TS Phạm Tuấn Anh khuyến cáo.
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nhấn mạnh mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức, nhằm phân tích xu hướng chuyển đổi số, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam, qua đó nhận diện các vấn đề đặt ra đối với phát triển ngành tài chính ngân hàng bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số.