Đây là vấn đề được nêu ra nhân dịp thành lập khoa Dược, trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 24/5.
Chỉ bán thuốc mới giàu
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thừa nhận, ngành dược rất quan trọng, khám bệnh xong mà không có thuốc sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì, hoặc phải dùng các biện pháp dân gian trước đây để chữa trị.
Thế nhưng hiện nay, nhiều mã ngành liên quan đến Y, dược tuyển sinh được rất ít, chẳng hạn như bác sĩ tâm thần, lao, truyền nhiễm…
Trao đổi thêm với PV Dân trí về vấn đề này, GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược cho biết, lâu nay nhân sự ngành dược thực tế chỉ chăm chăm đi bán thuốc, còn nhân sự một số ngành y thì phải “bẻ lái” sang làm việc khác vì không đủ sống.
Sinh viên y dược vất vả với quá trình học, thực tập dài, khắc nghiệt mới có thể làm nghề (ảnh: Phạm Nguyễn).
GS Thành nhận định, Việt Nam đã có trường đại học dược từ lâu cũng như nhiều khoa liên quan ở một số trường đại học khác nhưng trong sự phát triển chung của đất nước, ngành dược chưa được chú trọng. Nhiều công ty dược phẩm nước ngoài ào ạt đổ vào, ngành sản xuất dược phẩm trong nước không kịp xoay chuyển.
“Thực tế, nhân sự ngành dược ra trường chỉ chăm chăm đi bán thuốc vì ngay từ đầu chúng ta chưa có chính sách thu hút các em tham gia nghiên cứu hoặc làm lĩnh vực khác”, GS Thành phân tích, cần có chính sách riêng, chia nhỏ phù hợp với từng mã ngành đào tạo.
Không riêng ngành dược mà cả một số bộ môn thuộc ngành y và các ngành khoa học cơ bản đang bị “vơ cả cụm”, chưa có chính sách riêng cho các bộ môn khó tuyển.
GS Thành dẫn chứng từ bản thân ông, vừa làm bác sĩ lâm sàng, cả bác sĩ ngoại khoa, ắt sẽ có nguồn thu hơn nhiều bác sĩ như lao, phổi, bệnh truyền nhiễm…
Những bác sĩ ngành này không có gì ngoài lương chuyên môn nên từ khâu tuyển sinh đầu vào, người học không dám chọn lựa, hệ quả là tình trạng thiếu nhân lực trong thực tế. Và sự thực, không riêng ngành y, nhiều ngành khoa học cơ bản như thiên văn, địa lý, vũ trụ không tuyển được nhân lực vì… đói quá, không ai muốn học.
“Đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, tôi đi công tác một địa phương, rất bất ngờ khi thấy cả bệnh viện ấy chỉ có hai người biết… sử dụng máy thở.
Nếu tiếp tục cơ chế chính sách cào bằng giữa các ngành nghề đào tạo như hiện nay, chắc chắn nhiều nhân sự ngành y, dược và nghiên cứu cơ bản sẽ thiếu nghiêm trọng”, GS Thành khẳng định.
Cơ hội việc làm của ngành dược rất rộng mở nếu có chế độ đãi ngộ tốt (Ảnh: Thùy Dương).
Đam mê nhưng không đủ sống
Hiệu trưởng đại học Y dược nhận định, cơ hội việc làm của ngành dược rất rộng mở nếu có chế độ đãi ngộ tốt, thay vì nhân sự đào tạo ra chỉ đi bán thuốc như hiện nay.
Tốt nghiệp xong, các em có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng ở các bệnh viện, các bạn giỏi có thể thử nghiệm, sản xuất thuốc… phát triển ngành dược liệu trong nước.
“Y dược là một trong những ngành có điểm đầu vào rất cao. Các em đam mê nhưng nhà nước cần có chính sách để khuyến khích ngay từ đầu vào để ưu tiên một số ngành khó tuyển, không “cào bằng” như hiện nay.
Như vậy, chúng ta mới có những dược sĩ giỏi, các nhà nghiên cứu dược phẩm giỏi, các em cũng không chỉ chăm chăm đi bán thuốc hoặc “bẻ lái” sang ngành khác”, GS.TS Lê Ngọc Thành khuyến cáo.
Cũng theo ông, thông tin một số ngành nghề ra trước lập tức có lương từ 15-50 triệu đồng/tháng mà vẫn “khát” nhân lực được công bố mới đây khiến ông thấy tủi cho ngành y, bởi lẽ chỉ cần mức lương tầm 20 triệu, một số bác sĩ, dược sĩ có thể nuôi sống bản thân, cộng thêm thu nhập từ nghiên cứu và giảng dạy, cuộc sống có thể ổn định để mỗi nhân sự tiếp tục nuôi đam mê, cống hiến.
Người học dược có thể tham gia vào quá trình điều trị, tư vấn sử dụng thuốc (Ảnh: Thùy Dương).
Chia sẻ tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang khuyến khích và đẩy mạnh ngành dược lâm sàng ở các bệnh viện. Theo đó người học dược có thể tham gia vào quá trình điều trị, tư vấn sử dụng thuốc… với mục tiêu để người học, người làm ngành này sẽ sống được, thu nhập sẽ cao hơn vì công việc gắn với bệnh viện.
“Trước đây các cơ sở điều trị không để ý đến dược lâm sàng, hội chẩn chỉ có bác sĩ nhưng giờ theo quy định, hội chẩn bệnh nhân nặng phải có 3 người, gồm bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng. Như vậy cơ hội cho dược sĩ nhiều hơn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ rõ.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 376/QĐ-TTg năm 2021 về Chương trình phát triển công nghiệp dược và dược liệu của Việt Nam đến năm 2030- 2045, trong đó có vấn đề công nghệ sinh học.
“Chúng ta có thế mạnh rất lớn về dược liệu, phát triển công nghiệp dược và mục tiêu làm sao đưa tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước dần tăng lên. Hiện thuốc y học cổ truyền của chúng ta đang nhập từ nước ngoài trên 80%, sản phẩm trong nước rất ít.
Do đó tôi đề nghị các cơ sở giáo dục y dược chú trọng xây dựng đội ngũ khoa học đầu ngành, hình thành các nhóm nghiên cứu có uy tín trình độ quốc tế trong lĩnh lực y sinh và dược học”, Thứ trưởng nói.