Nên hình dung cuộc sống công sở của mình trước khi nhận việc – Ảnh: Pexels
Chúng ta đang dần chuyển đổi từ lối suy nghĩ làm việc trong 30 năm ở cùng một nơi rồi nghỉ hưu yên ả sang lối nhảy việc vài năm một lần nếu không ưng ý.
Tất nhiên việc đó là bình thường, trừ khi mỗi lần nhảy việc chỉ khiến bạn mất đi thời gian quý báu của tuổi trẻ, năng lượng cho việc thay đổi môi trường công sở và các mối quan hệ đã mất công xây dựng trong khi không học hỏi được điều gì.
Bất kể bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp, suy nghĩ cân nhắc trước khi nhận một vị trí có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức để trở thành phiên bản tốt nhất mà bạn mong muốn.
Cân nhắc về mong muốn của bản thân
Quyết định nhận việc không nên là lựa chọn “Có” hoặc “Không” đơn giản, vì vậy hãy tự đối thoại với bản thân như một cuộc thương lượng. Hãy trung thực với chính mình về nguyện vọng của bản thân – Bạn đang tìm kiếm điều gì ở vị trí công việc tiếp theo? Đặt mọi thứ lên bàn cân để xem vị trí đó có đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bạn cho sự nghiệp không.
Nghiên cứu sâu về công ty
Dù đã khảo sát qua trước khi nộp đơn ứng tuyển, bạn vẫn nên tìm hiểu sâu hơn sau khi nhận được lời mời tuyển dụng. Tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về tổ chức, văn hóa, cách vận hành, bạn cùng hình dung rõ hơn về tương lai của bạn khi làm việc ở đó. Đơn giản như tìm nhân viên của công ty trên LinkedIn và xem họ nói gì về công việc của họ trên mạng xã hội khác. Triển vọng tương lai của doanh nghiệp trong một nền kinh tế biến động cũng là điều bạn cần chú ý.
Đánh giá thực tế về bản thân
Đôi khi bạn vừa gửi CV cho công ty đáng mơ ước này thì lời mời nhận việc của một công ty khác gửi đến. Hãy xem xét các sự lựa chọn của bạn và đánh giá khách quan xem sự lựa chọn nào có thể trở thành hiện thực. So sánh lời đề nghị có trong tay với danh sách mong muốn về những gì bạn thực sự muốn trong bất kỳ công việc nào. Có một công việc đủ tốt vẫn hơn là không có công việc nào để làm. Ít nhất đó cũng là nơi bạn có thể học hỏi điều gì đó, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho một công việc hoàn hảo trong tương lai.
Nếu bạn quyết định từ chối
Từ chối sau khi đã trải qua đủ các vòng phỏng vấn (khiến nhà tuyển dụng tưởng như bạn nhận việc đến nơi) có thể là một quyết định không dễ dàng. Nhưng nếu bạn nhận ra những điều khiến bạn khó nhận lời làm việc, hãy cho nhà tuyển dụng biết để họ có thể tập trung vào những ứng viên khả thi hơn thay vì nhận lời rồi không đến vào ngày đã hẹn. Bạn không muốn lãng phí thời gian, họ cũng thế.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn nhận việc, và chỉ còn vài mối bận tâm, hãy bày tỏ mong muốn của bạn trong quá trình đàm phán. Việc này vừa giúp bạn không ấm ức khi nhận việc mà nhà tuyển dụng cũng tìm được nhân sự mà họ mong muốn.
Dù thế nào, cách bạn trình bày cũng nên thật nhã nhặn và có lý để giữ cho cánh cửa sự nghiệp tương lai luôn mở. Hãy chối từ theo cách mà nếu nhu cầu của 2 bên lại gặp nhau trong tương lai, họ vẫn muốn mời bạn trở lại.
Tại sao nhân viên không làm những gì bạn muốn họ làm?
Các nhà quản lý thường đau đầu tự hỏi vì sao cấp dưới không làm những gì được bảo phải làm. Trách nhiệm một phần thuộc về nhân viên đã đành, nhưng liệu lãnh đạo và hệ thống quản lý đã tạo điều kiện cần và đủ cho họ thi hành nhiệm vụ?