Bất động sản cao cấp ể ẩm
Báo cáo thị trường bất động sản quý I của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung ra thị trường bất động sản đạt khoảng hơn 25.000 sản phẩm ở tất cả các phân khúc.
Phần lớn trong số đó là các sản phẩm thấp tầng, đất nền (chiếm 50%). Nguồn cung phân bổ tập trung khu vực Tây Nam Bộ (40%). Hà Nội và TP.HCM chiếm lần lượt 29,9% và 30,3%.
Nhà giá rẻ khan hiếm, người dân Hà Nội xếp hàng mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn
Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường trong quý đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, bằng 50% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 72% lượng giao dịch là sản phẩm căn hộ chung cư. Nhất là phân khúc để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt tại Hà Nội, TP.HCM. Giao dịch đất nền chiếm 13%…
VARS nhìn nhận, sức cầu thị trường vẫn cao nhưng số lượng giao dịch thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung chủ yếu là hàng cao cấp, không phù hợp với nhu cầu thực sự và khả năng chi trả của người dân. Trong khi đó, nguồn cung sơ cấp, thứ cấp vừa túi tiền của số đông có nhu cầu ở thực, thu hút nhiều người tìm kiếm thì lại thiếu và phân bổ không đồng đều.
Thực tế tại Hà Nội, Dự án nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (NHS Trung Văn), phường Trung Văn, Nam Từ Liêm là một trong những dự án hiếm hoi ra hàng thời gian qua. Với mức giá 19,5 triệu, dự án vừa túi tiền này đang thu hút đông đảo quan tâm của người mua nhà. Không ít người phải thức đêm hôm để xếp hàng nộp hồ sơ với mơ ước an cư.
VARS dự báo, quý II này, nguồn cung nhà ở sẽ được khơi thông nhưng số lượng không nhiều, khoảng 27.500 sản phẩm. Lực cầu nhà ở tiếp tục tăng so với quý I, đạt khoảng 15-18%.
Doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng đầu tư nhà ở xã hội
Bên cạnh những dự báo khả quan về thị trường bất động sản quý II, mùa cổ đông vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đây được đánh giá là lối thoát cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng là kết quả của những chính sách của Chính phủ trong điều tiết cung – cầu bất động sản, nhằm hướng tới thị trường dành cho người ở thực.
Một trong số đó là Tập đoàn Nam Long. Theo Tổng giám đốc Nam Long Trần Xuân Ngọc, công ty có dự định tham gia thị trường nhà ở xã hội với cam kết đóng góp 20.000 căn. Doanh nghiệp cũng đã trao đổi với chính quyền nhiều địa phương từ Bắc vào Nam và nhận thấy nhiều địa phương đang cần tìm các nhà đầu tư, phát triển bất động sản vừa túi tiền với người dân.
Chủ tịch một doanh nghiệp khác cũng cho hay, năm 2023, doanh nghiệp này tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội, nhằm hưởng ứng mục tiêu “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ. Mục tiêu doanh nghiệp này đưa ra là hoàn thành khoảng 50.000 sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến năm 2030. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã thông tin tương tự với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Trước những diễn biến này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam nhìn nhận, những chính sách dành riêng cho nhà ở Chính phủ ban hành thời gian qua được kỳ vọng là “chìa khóa” giúp thị trường cân bằng cung cầu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest cho hay, nhà ở xã hội là lối thoát tối ưu cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0.
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhìn nhận, trước mắt, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cũng gặp không ít những khó khăn, đặc biệt là lợi nhuận của phân khúc này thấp hơn so với các phân khúc khác. Dù vậy, nếu chắt chiu, đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cùng chung nhận định, doanh nghiệp “quay xe” đầu tư nhà ở xã hội là động thái tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực và là bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải “cơn khát” cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã “cạn” nguồn cung vài năm gần đây.