Dự án có tổng mức đầu tư 9.900 tỷ đồng, được UBND TP.HCM đưa vào danh mục 34 dự án trọng điểm năm 2023.
22 năm với “con đường đau khổ”
QL13 đoạn qua TP.HCM luôn là nỗi ám ảnh kẹt xe, ngập nước với người dân TP.HCM
7h sáng ngày 20/3, chúng tôi từ QL1 hướng TP.HCM – Đồng Nai, rẽ phải ngã tư Bình Phước để vào QL13 về hướng Bình Triệu, TP.HCM. Đây là đoạn đường ùn tắc bậc nhất TP.HCM.
Giờ cao điểm nên đường chật như nêm, mỗi bên một làn ô tô, một làn hỗn hợp và một làn xe máy. Xe nhích từng chút. Mất 15 phút để đi từ ngã tư Bình Phước rẽ vào Khu đô thị Vạn Phúc cách đó 2,5km và mất 15 phút nữa để đi thêm 2km, đến ngã tư Bình Triệu, giao điểm với đường Phạm Văn Đồng (để về sân bay Tân Sơn Nhất hoặc đi Đồng Nai, hoặc về nội thành TP.HCM). Tức là mất khoảng 30 phút cho đoạn đường 4,5km trong điều kiện lưu thông bình thường.
Đầu tháng 3/2023, UBND TP.HCM công bố dự án mở rộng QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) khiến người dân trên trục đường này nức lòng, nhưng cũng… nửa vui nửa ngờ.
Bà Hà Thanh Vân, một cư dân ở phường Hiệp Bình Phước, nằm trên trục đường này cho hay: “Tôi cũng như nhiều người dân ở đây hay tin này thì mừng lắm. Nhưng mừng thôi chứ cũng chẳng biết thành phố có làm thiệt không vì cứ lâu lâu lại nghe nói làm đường nhưng mấy chục năm nay chưa thấy gì thay đổi”.
QL13 có điểm đầu tại Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đi qua Bình Dương, Bình Phước và điểm cuối là cửa khẩu Hoa Lư (giáp Campuchia), dài 140km. Đây là con đường quan trọng nối từ TP.HCM lên Tây Nguyên, trục chính từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước.
22 năm trước, dự án mở rộng QL13 từ 4 làn xe lên 8 làn xe được thông qua (cùng với việc mở rộng cầu Bình Triệu giai đoạn 2) theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, sau khi cầu Bình Triệu 2 hoàn thành thì có thay đổi về tổng mức đầu tư QL13 nên chủ đầu tư “chia tay” dự án. Năm 2017, khi Quốc hội có Nghị quyết về việc dừng các hình thức hợp đồng BOT trên đường hiện hữu thì việc đầu tư nâng cấp QL13 rơi vào tình thế mịt mù.
Hơn 20 năm, trục huyết mạch nối TP.HCM lên Tây Nguyên qua Bình Dương, Bình Phước ngày càng chật chội khi lưu lượng xe đông thêm, lại thêm triều cường ngập nước nên con đường là nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua đây. Đặc biệt, với dân cư sở tại thì càng khổ vì vướng quy hoạch mở đường, không thể cải tạo, nâng cấp nhà cửa…
Bình Dương đã hoàn thành, TP.HCM vẫn đang… nghiên cứu!
Cổng ra của Khu đô thị Vạn Phúc tiếp giáp với QL13 là một “nút cổ chai”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn địa ốc Đại Phúc Land – chủ đầu tư Khu đô thị Vạn Phúc City nằm trên trục QL13 cho biết, việc mở rộng QL13 trước hết là mở điểm nghẽn “thắt cổ chai” ngay ngã tư Bình Phước và toàn tuyến, tiếp đến là lợi ích về chỉnh trang đô thị và sau nữa là dân cư ở các khu đô thị trên tuyến được hưởng lợi, trong đó có Vạn Phúc.
Vạn Phúc là một khu đô thị cao cấp nằm trên bán đảo rộng 198ha, 3 mặt giáp sông Sài Gòn, mặt còn lại là QL13. Bên trong khu dân cư này có đầy đủ tiện ích bệnh viện, trường học, chợ và tất cả các dịch vụ thiết yếu khác.
Giá bình quân một căn hộ 7m x 20m ngang, 4 – 6 tầng khoảng 18 – 20 tỷ đồng. Biệt thự bình quân khoảng 30 tỷ đồng. Một số biệt thự mặt sông Sài Gòn thì giá ngất ngưởng, từ 100 – 200 tỷ đồng. Hiện, nơi đây đã có khoảng 5.000 dân cư. Khi hoàn chỉnh, khu đô thị này có 40.000 cư dân.
“Hiện, Vạn Phúc có 5.000 cư dân. Trong khu đô thị thì thoáng đãng bởi chúng tôi chỉ xây dựng 30% diện tích. Ở đây đường sá thông thoáng nhưng nếu ra khỏi khu đô thị là gặp ngay QL13 nhỏ hẹp, đông xe, rất bất tiện. Là nhà đầu tư địa ốc, hơn ai hết chúng tôi trông chờ hàng ngày việc mở rộng QL13”, bà Hương nói và cho rằng, khi đó chắc chắn giá trị địa ốc không chỉ của Khu đô thị Vạn Phúc mà cả nhà dân dọc trục lộ cũng lên giá nhiều.
Cũng cùng trên QL13, nhưng trong khi đoạn ở phía TP.HCM vẫn loay hoay thì phía tỉnh Bình Dương lại khá suôn sẻ. Không chờ TP.HCM, giữa năm 2022, tỉnh Bình Dương đã cho khởi công mở rộng QL13 lên 4 làn xe mỗi bên, từ đoạn giáp TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một dài 12km. Đến nay, con đường đã hoàn thành và rộng rãi.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã chi 5.000 tỷ đồng để mở rộng QL13 nên mới đây nghe TP.HCM có dự án làm QL13 nối với Bình Dương chúng tôi rất vui mừng!”. Ông cũng kỳ vọng: “Khi trục huyết mạch này được kết nối, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, vận tải phát triển, dân cư sẽ đến đông đúc hơn và chúng tôi có cơ hội mở những khu đô thị mới”.
Trên trục QL13, trong khi phía TP.HCM nhà cửa ọp ẹp, đường sá kẹt xe, ngập nước thì phía Bình Dương lại rất khang trang. Dọc tuyến, nhiều dự án địa ốc cao tầng, nhà ở thương mại mọc lên sừng sững như: Roxana Plaza, Marina Tower, Astral City, Lavita Hưng Thịnh, chung cư Lê Phong…
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc, chẳng hạn như dự án Eco Xuân (Malaisia) ngay mặt tiền QL13 với tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, shophouse, căn hộ, nhà phố… với gần 11ha, hiện rất nhiều nhà đầu tư “nhòm ngó”. Giá bình quân ở các dự án này phía Bình Dương khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2.
Về tiến độ mở rộng QL13, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Hiện, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu để trình Quốc hội chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT trên đường hiện hữu.
“Đây cũng chính là khúc mắc và nếu Quốc hội thông qua mới có thể triển khai đầu tư theo hình thức này. Dù vậy, dự án cũng có thể được đầu tư bằng hình thức khác, tùy vào việc được phân bổ nguồn vốn. Theo đó, nếu mọi việc suôn sẻ thì năm 2023 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; năm 2024 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công vào năm 2025”, ông Bằng cho hay.
QL13 đoạn qua TP.HCM dài gần 5km, trước đây thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2, được đầu tư theo hình thức BOT năm 2001.
Năm 2017, cùng với việc thay đổi quy mô đầu tư, tổng vốn tăng lên và Nghị quyết 437 của Quốc hội về việc tạm dừng làm hạ tầng giao thông hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án bị dừng lại.
Tháng 2/2023, Sở GTVT TP.HCM có văn bản về việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, trong đó đề cập đến các dự án BOT trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở đề xuất có 6 dự án được áp dụng hình thức BOT, trong đó có dự án mở rộng, nâng cấp QL13.