Chấp nhận giảm giá từ 300 – 600 triệu đồng so với giá rao bán lần đầu nhưng những chủ nhà này thừa nhận đến nay vẫn chưa thể tìm được khách mua căn nhà của mình.
Thị trường BĐS đã trải qua thời gian dài trầm lắng khi nguồn vốn tín dụng bị các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ nhà đầu tư, ngay cả những người dân có nhu cầu bán nhà đất của mình để giải quyết công việc gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng.
Chị Hương (Đồng Mai – Hà Đông) chia sẻ do gia đình chuyển nơi làm việc nên từ tháng 10/2022 đã rao bán căn nhà 3 tầng với diện tích 38m2 mỗi sàn với mức giá 2,3 tỷ đồng. Nữ nhân viên văn phòng này cho biết mức giá đưa ra đã giảm đáng kể so với thời điểm sốt đất trong khu vực nhà mình đang ở.
Tuy nhiên, dù được chị rao bán trong thời gian dài và ký gửi ở nhiều văn phòng BĐS nhưng cũng không có nhiều người quan tâm. Đến nay chị đã hạ giá chào bán xuống chỉ còn 2 tỷ đồng, tương đương mức giảm 300 triệu đồng so với giá rao ban đầu.
Sau khi giảm giá hàng trăm triệu đồng, đã bắt đầu có khách hàng tới xem nhà nhưng mức giá bên mua đưa ra cao nhất chỉ 1,8 tỷ đồng nên gia đình chị từ chối thực hiện giao dịch.
“Với mức giá này chúng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch tài chính và suy nghĩ đến việc cho thuê căn nhà của mình trong năm mới thay vì bán đứt ở thời điểm thị trường trầm lắng như này”, chị Hương chia sẻ.
Nhiều BĐS được rao bán với mức giá giảm hàng trăm triệu đồng những ngày cận Tết
Tương tự, chị An (Yên Nghĩa – Hà Đông) cũng gặp khó khăn khi rao bán nhà trong những ngày cận Tết. Chị An bắt đầu rao bán căn nhà 4 tầng với diện tích sàn mỗi tầng 36m2 từ đầu tháng 11/2022 với giá 2 tỷ đồng nhưng đến nay cũng thưa thể thực hiện được giao dịch. Bà mẹ 2 con kể từ khi rao bán đã có một số người tới xem nhà và đưa ra mức giá mua từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn kỳ vọng của gia đình nên chị từ chối thực hiện giao dịch.
Những ngày cận Tết nguyên đán, trên nhiều trang rao bán nhà đất, mạng xã hội hay những group môi giới địa ốc, liên tục xuất hiện các thông tin rao bán gấp bất động sản với giá thấp. Các cụm từ “kẹt tiền bán lỗ”, “bán cắt lỗ nhà đất”, “cắt lỗ cần bán gấp”, “nợ ngân hàng cần bán gấp”… xuất hiện ở hàng loạt phân khúc.
Trên một diễn đàn về BĐS, anh Sơn đang rao bán căn nhà 51m2 tại Ngô Gia Tự – Hà Đông có vị trí đường ô tô tránh, vỉa hè lớn, nội thất hoàn thiện với giá 7,6 tỷ đồng. Anh Sơn cho biết do chủ nhà cần bán gấp, nên mức giá này đã giảm tới 600 triệu đồng so với giá rao bán ban đầu.
Anh Chiến (nhà đầu tư cá nhân ở Hà Nội) tâm sự: “Cuối năm 2021, đầu năm 2022, tôi đầu tư lướt sóng quanh khu Hòa Lạc (Hoài Đức). Hầu như miếng nào cũng mua đi bán lại trong vòng 2-3 tháng là đều có lời. Đến tháng 6 thấy thị trường có những thông tin bất lợi nhưng tôi cũng không dừng đầu tư vì cho rằng đất nền vẫn có nhiều tiềm năng khi hàng loạt thông tin tích cực về hạ tầng trong khu vực được công bố. Thế nhưng, những tin xấu liên tục xuất hiện đã khiến thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng”.
Anh Chiến kể, để có tiền đầu tư, anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính, vay thêm ngân hàng 1,5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi trong nửa năm. Hiện nay, mức lãi suất của anh đã nâng lên 14%. Hằng tháng, anh phải dùng phần lớn thu nhập của mình để trả lãi khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nhiều.
Trước việc lãi suất liên tục tăng trong thời gian gần đây, anh buộc phải hạ kỳ vọng của mình và rao bán nhanh một số khoản đầu tư nhằm thu tiền về: “Hạ giá kỳ vọng, rao bán ở mức giá gốc và ký gửi nhiều môi giới trong khu vực với mong muốn sớm đẩy được hàng của mình đi. Giờ tôi chỉ mong muốn có thể thu tiền về để trả khoản vay của ngân hàng, phần còn lại gửi tiết kiệm”, anh Chiến chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí về xu hướng thị trường BĐS trong năm 2023 mới đây, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn, do lãi suất chưa giảm.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng bất động sản có giá trị ở thực và cho thuê, đặc biệt là những sản phẩm đã hình thành, sẽ không giảm giá. Bởi lẽ, nguồn cung đang rất khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao. “Thống kê không chỉ của VARS mà của nhiều đơn vị khác cũng đang chỉ ra rằng, dù thanh khoản thấp nhưng giá chỉ chững lại hoặc tăng chút ít chứ không giảm. Do đó, nhà đầu tư có nên chờ bắt đáy hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của mình. Nếu đang có lượng tiền mặt tốt, không phải vay mượn hoặc vay không nhiều, thì đây là cơ hội để so sánh và chọn lựa sản phẩm tốt”, ông Hoàng nói.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/nha-dat-giam-gia-300-600-trieu-van-kho-tim-khach-nhung-ngay-can-tet-…Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/nha-dat-giam-gia-300-600-trieu-van-kho-tim-khach-nhung-ngay-can-tet-1433680.ngn
Kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày đã cận kề, với số tiền nhàn rỗi, nhiều người đang băn khoăn tìm kênh đầu tư nào vừa an toàn lại sinh lời cao nhất những ngày cận Tết?
Theo Hoàng Nam (Nông thôn Việt)