Quẳng đi gánh lo để vui sống
Nguyễn Hoài Thương (30 tuổi) hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, đã gần mười năm nay, cô chưa có thêm mối tình nào. Chia sẻ về lý do, cô nói: “Là một người bình thường, tôi vẫn có nhu cầu về chuyện tình cảm. Tuy nhiên, tôi thích những mối quan hệ yêu đương không ràng buộc”.
Hoài Thương tâm sự do hoàn cảnh gia đình, cho nên cô là người có cuộc sống tự lập từ nhỏ. Bản thân Thương cũng không muốn chịu cảnh mẹ chồng – nàng dâu, phải xử lý các mối quan hệ nội ngoại sau khi kết hôn. Cô cho rằng, sống với mẹ đẻ đã có những mâu thuẫn thế hệ, thì với người khác lại càng khó khăn.
Không chỉ có trường hợp của Hoài Thương, Hoàng Nguyễn Nhật Trí (25 tuổi) hiện đang làm nhân viên IT tại Hà Nội cho biết, lần cuối cùng anh có bạn gái là vào bốn năm trước đây. Hiện nay, Nhật Trí sống độc thân, toàn tâm, toàn ý cho công việc. Anh vốn là người hướng nội, nên mong muốn tìm một người phù hợp bản thân tương đối khó: “Tôi tin rằng, thay vì nóng vội và bắt đầu mối quan hệ chỉ có cảm xúc từ một phía. Do đó, tôi sẽ để đến lúc thích hợp, tìm một người hợp gu, cách sống và thị hiếu của tôi. Bởi, tình yêu là tổng hòa từ nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần có mỗi cảm xúc hay khát khao của bản thân”. Đối với Trí, một tình yêu vội vàng, non nớt, có thể đem đến sai lầm, khiến con người bị mắc kẹt trong đau khổ.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, những tư tưởng độc lập, tự chủ, tự do, khiến nhiều người bắt đầu lo sợ bị ràng buộc. Ví dụ như, sợ yêu đương, lớn là hơn sợ đi đến những “thảm họa” trong hôn nhân. Đây là một nỗi bất an tâm lý của rất nhiều người trẻ. Thậm chí, trên thế giới còn có một hội chứng gọi là Gamophobia hay được biết đến với cái tên “Hội chứng sợ kết hôn”. Còn ở Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân đang có xu hướng tăng lên từ 6,23% vào năm 2004, lên 10,1% vào năm 2019.
Sự bất an trong tinh thần khiến nhiều người chọn sống độc thân.
(Nguồn: Nhật Trí).
Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi việc đi làm, chịu áp lực từ công ty, xã hội là điều họ không thể tránh khỏi. Rất nhiều người trẻ, muốn quay trở những giờ phút về nhà là để thư giãn, nghỉ ngơi. Chính vì thế, họ rất sợ giống như thế hệ trước, phải chăm lo cho vợ chồng, con cái sau một ngày kiệt quệ. Nguyễn Hoài Thương chia sẻ: “Việc chăm sóc con cái vô cùng khó khăn. Thay vì phải thêm lo lắng, phiền muộn, hiện nay, tôi sống cùng đàn mèo và vườn rau nhỏ của mình”. Dù đã ba mươi tuổi, nhưng cô vẫn chọn sống một mình, tại căn nhà nhỏ xinh xắn ở ngoại ô thành phố Hà Nội.
Tự chủ về kinh tế khiến chúng tôi tự tin
Nhật Trí cho biết, hiện tại, anh vẫn đang cố gắng vì sự nghiệp của mình. Anh tâm sự, tình yêu có thể chưa đến ngay lập tức, nhưng nền tảng kinh tế thì nên xây dựng từ sớm. Khi được hỏi “nghiện công việc” có phải một trong những nguyên do khiến Trí quyết định cuộc sống độc thân không? Anh trả lời, đó là một cái cớ, không phải nguyên nhân: “Ngay cả khi Elon Musk (một tỷ phú trên thế giới) vẫn còn thời gian để tìm kiếm tình yêu thì muốn hay không là do tự bản thân mỗi người”. Đối với Trí, mỗi chặng đường của một người đều có mục tiêu quan trọng, hiện tại, anh rất vui vẻ với sự nghiệp của mình.
Thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, cứ 10 cặp đôi kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.
Đây là một trong các nguyên nhân khiến người trẻ ngày càng thận trọng hơn trong việc yêu đương. Họ nhìn từ nhiều góc độ khác nhau trước khi quyết định yêu, để tránh gây ra những đổ vỡ trong hôn nhân, làm tổn thương bản thân và đối phương cả về thể xác, tinh thần.
Thất bại sau một cuộc hôn nhân sớm, sau những mối tình đầy tổn thương, Trịnh Nguyệt Hằng (37 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết, bây giờ, cô đã chọn cuộc sống độc thân. Nguyệt Hằng chia sẻ lý do, vì cô đã mệt mỏi với tình yêu và hơn thế, bản thân hoàn toàn có khả năng tự chủ kinh tế: “Nếu như thời của các bà, các mẹ, phụ nữ không thể tự lo cho cuộc sống, sau khi rời xa những người đàn ông trong nhà thì ngày nay, chúng tôi có thể làm các chức vụ khác nhau và đạt được một mức thu nhập tốt”. Vì vậy, cô hoàn toàn có khả năng mua nhà, mua xe và sống cuộc đời thoải mái.
Đồng thời cô cho rằng, trong thời đại công nghệ như hiện nay, mọi người có rất nhiều cách để giải trí: “Tôi có thể gọi điện thoại gặp bạn mình dù ở cách xa nhau đến vài nghìn km, vì vậy, không nhất thiết phải có gia đình thì mới hết cô đơn”. Vào những ngày nghỉ, khác với bạn bè đang lo lắng chăm chồng con. Cô thường dành thời gian làm việc, đi phượt hoặc đi ăn uống, đi chơi với những người thân quen.
Theo số liệu thống kê của British Council vào năm 2020, về một trong năm vấn đề mà người trẻ quan tâm, kết quả là 70% số người quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực và việc làm ổn định. 58% quan tâm đến điều kiện sống đầy đủ và vệ sinh về nước sạch. Đứng thứ ba là tiếp cận giáo dục đại học 44%, xếp thứ tư là mối quan tâm về bình đẳng giới chiếm 39%. Ngoài ra còn một số vấn đề khác như tiếp cận y tế, tiếp cận công nghệ và sáng tạo lần lượt chiếm 37%, 26%. Như vậy có thể thấy, người trẻ hiện nay đang có xu hướng “dịch chuyển” những mối bận tâm về chất lượng cuộc sống của bản thân. Điều đó thể hiện bằng việc nhiều người đề cao sự nghiệp, tài chính lên trên vấn đề kết hôn, lập gia đình. Đối với họ, một sự nghiệp vững chắc sẽ hạnh phúc và làm cuộc sống tốt hơn so với việc tạo nên gia đình nhỏ cho riêng bản thân.
Nguyễn Hoài Thương cho biết, với mức lương của một nhân viên kho, cô có thể thoải mái sống tại Hà Nội: “Mỗi năm tôi đi du lịch từ một đến hai lần, cuối tuần đi ăn, đi chơi cùng bạn bè hoặc anh chị em họ hàng”. Tuy nhiên, hiện tại, cô đang nghỉ việc để chuẩn bị chuyển đến một nơi làm mới với mức lương, thu nhập hấp dẫn hơn: “Nếu như có gia đình, đặc biệt là có con thì tôi sẽ phải xem xét rất kĩ về những rủi ro khi nghỉ việc tại chỗ làm ổn định trước đó”. Với cuộc sống độc thân, cô dễ dàng chuyển nơi ở, sử dụng tiền tiết kiệm để nghỉ ngơi một thời gian, trước khi trở lại guồng quay công việc.
Trịnh Nguyệt Hằng cũng tâm sự, với mức thu nhập hiện nay, ngoài chi tiêu thường ngày, cô luôn chuẩn bị sẵn một khoản tiết kiệm lớn, để tương lai có thể an dưỡng tuổi già ở những nơi tốt: “Xác định sống cuộc đời độc thân khiến tôi không bao giờ có tâm lý phụ thuộc vào người khác”. Ngoài việc đóng những loại bảo hiểm chất lượng nhất, cô đã chuẩn bị cho mình nhà dưỡng lão, nơi an dưỡng sau khoảng bốn mươi năm nữa.
Nhiều người lên kế hoạch chu toàn cho cuộc sống độc thân khi về già.
(Ảnh minh họa – nguồn: Internet)
Hiện nay, an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng cao hơn so với những thời kỳ trước. Cho nên, những người độc thân không còn quá lo lắng về tương lai của mình nữa. Đặc biệt, khi các viện dưỡng lão được mở ra nhiều, hệ thống bệnh viện công lập, tư nhân với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp hơn khiến cho người trẻ an tâm về chuyện sẽ không có con cháu chăm sóc trong tương lai. Nhiều người bắt đầu chọn cách tích lũy tiền bạc từ sớm, để lúc về già hưởng thụ cuộc sống trong các khu dưỡng lão năm sao tiện nghi.
Một phân tích tổng hợp dựa trên 18 nghiên cứu được đăng ở Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (JPSP) cũng cho thấy rằng, khi bỏ qua các tác động ngắn hạn và xem xét một cách tổng thể, không hề có sự khác biệt về trạng thái trải nghiệm hạnh phúc hay sự hài lòng giữa những người đã kết hôn và người độc thân.
Như vậy, lựa chọn sống độc thân không hề dẫn đến nửa sau cuộc đời bất hạnh và thiếu trọn vẹn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều quan trọng là từng cá nhân phải cân nhắc kỹ lưỡng và lên kế hoạch trước khi quyết định theo đuổi lối sống này.