“Tôi muốn biết chính sách lao động của người lao động đang mang thai. Nếu công ty bắt người lao động đang mang thai làm việc 8 giờ/ngày là đúng hay sai?”
Chị Lê Thị Hà Anh (tỉnh Bình Phước) nêu thắc mắc.
Luật sư giải đáp
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM, Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn), chính sách của người lao động đang mang thai được quy định tại điều 137 của bộ luật Lao động 2019 về bảo vệ thai sản.
Pháp luật về lao động có những quy định riêng đối với lao động nữ, trong đó có bảo vệ thai sản
Cụ thể, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong 2 trường hợp:
Thứ nhất, người lao động đang mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
Thứ hai, người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ khi người lao động đồng ý).
Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết, thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày.
Trường hợp này, người lao động không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Cũng theo quy định, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nếu lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hợp đồng lao động hết hạn, thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, thắc mắc “công ty bắt người lao động đang mang thai làm việc 8 giờ/ngày là đúng hay sai” cần phải xem xét trường hợp người lao động đang mang thai tháng thứ mấy và có đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như theo quy định tại Thông tư 11/2020 của Bộ LĐ-TB-XH hay không.
Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, ngoài ra, điều 80 Nghị định 145/2020 của Chính phủ quy định về “Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ”.
Theo đó, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản.
Đồng thời, được người sử dụng lao động tạo điều kiện được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại khoản 1 điều 32 luật Bảo hiểm xã hội (quy định là nghỉ hơn 5 lần, mỗi lần 1 ngày; nếu ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai).