Nhiều người dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nợ tiền sử dụng đất tái định cư quá hạn đang đứng trước nguy cơ phải trả nợ tiền sử dụng đất theo giá đất ở thời điểm hiện hành, cao gấp nhiều lần so với giá cũ.
Một dự án khu dân cư trên địa bàn thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Lưu Bang
Phải trả theo giá đất mới
Ngày 9/3/2023, UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có Báo cáo số 65/BC-UBND về việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thị xã Điện Bàn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021. Trong đó có nội dung liên quan đến tình hình nợ tiền sử dụng đất tái định cư tại các dự án bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn thị xã.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, tổng số hộ gia đình cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư (TĐC) đến thời điểm hiện nay là 19 hộ. Trong đó có bốn hộ tại dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn Tứ Ngân – Vĩnh Điện, đoạn qua xã Điện Thắng Bắc; một hộ tại dự án Khu dân cư mới 2A Điện Ngọc; hai hộ tại dự án Khu dân cư thôn 1 Điện Dương; 12 hộ tại dự án đường TTHC lề phía bắc Vĩnh Điện.
Bốn hộ tại dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 1A trên có tổng số tiền nợ sử dụng đất tái định cư tại thời điểm ban đầu ghi nợ là 176.565.000 đồng. Hiện nay, tổng số tiền cần phải thu phát sinh của 4 hộ này là 695.585.000 đồng.
Cụ thể, hộ ông Lê Tự Đến còn nợ tiền sử dụng đất với diện tích 28,5m2. Nếu tính theo giá đất ở thời điểm trước thì số tiền ông Đến phải trả là 42.465.000 đồng. Tuy nhiên, do đã quá hạn trả nợ nên số tiền ông này phải trả là 167.285.000 đồng (tính theo giá đất hiện nay là 5.870.000 đồng/m2.
Hay hộ gia đình ông Đỗ Thế Khoa còn nợ tiền sử dụng đất với diện tích 20m2. Nếu tính theo giá đất ở thời điểm trước thì số tiền hộ ông Khoa phải trả là 29.800.000. Nay đã quá hạn trả nợ nên số tiền ông Khoa phải trả là 117.400.000 đồng.
Tương tự, 12 hộ tại dự án đường trung học cơ sở lề phía bắc Vĩnh Điện cũng đang nợ sử dụng đất tái định cư theo giá đất ở thời điểm ban đầu ghi nợ là 162.806.200 đồng. Nếu tính theo giá đất ở thời điểm hiện nay, 12 hộ dân này phải trả nợ số tiền cao gấp nhiều lần so với trước.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết, 12 trường hợp này đã tồn đọng lâu năm, hồ sơ qua các thời kỳ quản lý không chặt chẽ và do nhu cầu bức thiết tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án, chính quyền địa phương phải vận động nhân dân bàn giao mặt bằng.
Trong khi hoàn cảnh cuộc sống nhân dân bị giải tỏa khó khăn, không đảm bảo điều kiện nộp tiền sử dụng đất tái định cư theo giá đất tái định cư đối với diện tích bị thiếu, nên dẫn đến nợ tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm.
Người dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư cần sớm trả nợ đúng thời hạn theo quy định. Ảnh: Lưu Bang
Kiến nghị giải pháp
Trao đổi chúng tôi, một trường hợp có tên trong danh sách nợ tiền sử dụng đất nêu trên cho biết, bản thân ông và gia đình không nắm được quy định của pháp luật về việc nợ tiền sử dụng đất tái định cư quá hạn thì phải trả nợ theo giá đất mới.
Hiện nay, nếu tính theo giá đất mới thì số tiền sử dụng đất mà người dân phải trả là rất cao, vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Do đó, người dân mong muốn các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện để họ được trả nợ tiền sử dụng đất theo giá đất ở thời điểm ghi nợ trước đây.
Về vấn đề này, UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc các hộ nợ tiền sử dụng đất kéo dài nhiều năm như đã nêu do nhiều nguyên nhân.
Các hộ khó khăn về tài chính, công tác giải phóng mặt bằng các dự án tồn đọng kéo dài. Thậm chí có trường hợp, mặc dù đã có quyết định bố trí tái định cư nhưng đất ở và nhà ở vẫn chưa được giải tỏa.
Bên cạnh đó, các dự án trải qua nhiều thời kỳ quản lý của cơ quan nhà nước dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc các hộ nộp tiền chưa được kịp thời, dứt điểm.
UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm, hiện nay, nếu các hộ nộp tiền thì phải nộp theo đơn giá mới tại thời điểm hiện hành đối với diện tích đất tái định cư còn nợ tiền sử dụng đất.
Vì vậy, để tạo điều kiện các hộ hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét có hướng tháo gỡ cho các hộ dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư nêu trên được nộp tiền sử dụng đất tái định cư theo đơn giá cũ (được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đây) mà không phải thanh toán số tiền sợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ (theo đơn giá hiện hành).
Vẫn còn đó bài học tại Đà Nẵng!
Năm 2019, khi thành phố Đà Nẵng ban hành bảng giá đất mới cao hơn nhiều so với giá đất 2018 đã khiến nhiều hộ gia đình nợ tiền sử dụng đất quá hạn thêm lo lắng.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường TP Đà Nẵng, tính đến 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm ở Đà Nẵng khoảng 5.300 hộ. Do đã quá hạn trả nợ tiền sử dụng đất nên các hộ dân này phải trả nợ theo giá đất mới. Tuy nhiên, việc giá đất mới quá cao nên việc trả nợ để được cấp sổ đỏ nhà đất đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều người.
Để giải quyết thực tiễn nêu trên, ngày 26/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP (Nghị định 79) sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất trong đó quy định về chính sách giải quyết ghi nợ tiền sử dụng đất do được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tại Điều 2 của Nghị định quy định về xử lý chuyển tiếp có nội dung như sau: “ Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 3 năm 2016 thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2021. Quy định này không áp dụng đối với số tiền sử dụng đất thanh toán nợ mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.”
Như vậy, ngày 28/2/2021 là thời hạn cuối cùng để trả nợ theo chính sách và giá đất cũ đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất trước ngày 01/3/2016. Kể từ ngày 01/3/2021 nếu chưa trả hết nợ thì sẽ phải trả số tiền tính theo giá đất mới cao gấp nhiều lần so với trước đây.