Mỗi sáng thức dậy, anh Đỗ Tiến Dũng (54 tuổi) Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 (Trạm Đăn), Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương bắt đầu ngày mới bằng việc tuần tra rừng. 25 năm qua, anh gắn bó với công việc này như máu thịt.
Trạm Kiểm lâm Đăn, nơi anh Đỗ Tiến Dũng gắn bó 25 năm qua (Ảnh: TB).
Cũng vì thế, hơn 6.000ha rừng trạm được giao quản lý, anh Dũng thuộc như lòng bàn tay. Anh đã vẽ kín bản đồ khu vực rừng mình kiểm soát, thuộc từng gốc cây, con suối, thung lũng và những loài động vật sinh sống dưới tán rừng già.
Đồng nghiệp gọi Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng là “con ma rừng Cúc Phương”. Bởi hiếm có người nào say mê rừng, thuộc cánh rừng như anh. Anh bám rừng, bảo vệ rừng, từng đổ cả máu nhưng vẫn kiên trì với nghề gác rừng.
Anh Dũng kể, Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập đã 60 năm còn anh vào nghề kiểm lâm 32 năm, thì có đến 25 năm công tác tại Trạm Đăn. Đây là trạm kiểm lâm cách cổng rừng gần 20km nhưng lại khó khăn nhất vì không có điện lưới, không sóng điện thoại và không Internet…
25 năm qua, anh Đỗ Tiến Dũng sống giữa đại ngàn Cúc Phương (Ảnh: TB).
“Trạm có 6 thành viên, quản lý hơn 6.000ha rừng. Do không có điện lưới, không sóng điện thoại, không Internet nên không liên lạc được với bên ngoài thường xuyên. Anh em chúng tôi như mù tịt thông tin hàng ngày”, anh Dũng nói.
Người Trạm trưởng 25 năm gắn bó với rừng già kể tiếp, anh em ở đây, ai được về nghỉ ra khỏi rừng cũng kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ. Thức ăn dùng chủ yếu là đồ khô, thực phẩm tươi thì chỉ mua đủ dùng trong vài ngày.
“Để bảo quản được đồ ăn, chúng tôi nghĩ ra cách bọc thịt, cá hay các loại đồ ăn tươi vào túi nilon, đem ra suối ngâm. Dòng nước suối mát lạnh chính là tủ lạnh bảo quản thức ăn cho anh em toàn trạm. Suối cũng chính là máy điều hòa nhiệt độ giúp chúng tôi hạ nhiệt những ngày nắng nóng oi bức”, anh Dũng nói.
Được giao quản lý 6.000ha rừng, anh Dũng vẽ bản đồ khu vực, thuộc rừng như lòng bàn tay (Ảnh: TB).
Với anh Đỗ Tiến Dũng, có thể duy trì công việc nhọc nhằn này chừng ấy năm là vì tình yêu rừng, yêu thiên nhiên tự thân. 25 năm bảo vệ rừng Cúc Phương, 2 lần anh suýt bỏ mạng vì bị lâm tặc chống trả.
“Rừng là vàng nên lâm tặc luôn rình mò để xâm hại và chúng cũng sẵn sàng chống trả cán bộ kiểm lâm như chúng tôi bất cứ lúc nào. Tôi và đồng nghiệp nhiều lần đã phải đổ máu”, anh Dũng nói.
Những đêm đi tuần tra, anh và đồng nghiệp không được bật đèn, không được gây tiếng động mà chỉ dùng các ám hiệu. Nhiều lần đối mặt với lâm tặc, các anh bị tấn công, chống trả thương tích, đổ máu, gãy cả xương sườn.
Anh Dũng cùng đồng nghiệp sống “3 không” giữa rừng già (Ảnh: TB).
“Cách đây 4 năm một vụ việc căng thẳng xảy ra. Thời điểm đó, anh em chúng tôi đi tuần tra và phát hiện 3 đối tượng đang săn bắt động vật hoang dã nên truy đuổi. Nhóm này dùng súng săn bắn lại phía sau, một cán bộ trúng đạn, bị thương nặng, hiện đang hưởng chế độ thương binh”, anh Dũng kể.
Theo anh Dũng, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên và động vật hoang dã tăng cao. Vì thế, tình trạng lâm tặc vào rừng chặt cây, săn bắt động vật hoang dã rất phức tạp. Lực lượng kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia Cúc Phương luôn phải căng mình để đấu tranh, bảo vệ rừng.
Các kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, có tình yêu thiên nhiên vô bờ bến (Ảnh: TB).
“Dù phải sống và làm việc giữa rừng, điều kiện sinh hoạt “3 không” nhưng anh em chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh em sống với nhau như người ruột thịt trong nhà, khắc phục mọi khó khăn để vượt qua cảnh sống xa nhà, xa vợ con. Mọi người đều lấy cánh rừng làm niềm vui mỗi ngày”, Trạm trưởng Trạm Đăn tâm sự.