“Quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế – xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định.
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội quý 1/2023 được tổ chức ngày 13/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã chia sẻ các vấn đề nóng dư luận quan tâm, trong đó dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn với vốn đầu hơn 53.000 tỉ đồng.
Bãi biển Lộ Diêu, nơi dự kiến sẽ triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn
Trước nhiều ý kiến lên liên quan đến câu chuyện đi – ở, sinh kế của người dân; môi trường sinh thái, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, dự án gang thép Long Sơn đã có chủ trương từ lâu. Lúc đầu định đặt tại huyện Phù Mỹ, sau đó dời ra Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định.
Nguyên nhân di dời là sau khi nghiên cứu sâu các điều kiện để đặt nhà máy thì nhận thấy không phù hợp. Cụ thể, đường sá, cảng biển tại đây không đáp ứng được và rất tốn kém nên dời ra Lộ Diêu vì nơi này phù hợp hơn.
Theo đó, nếu dự án này được xây dựng ở Lộ Diêu, bãi biển Lộ Diêu chỉ bị ảnh hưởng 4km trên tổng số 134km đường biển của tỉnh. Như vậy, việc ảnh hưởng không đáng kể.
“Tỉnh Bình Định muốn phát triển phải có những dự án lớn dẫn dắt, tạo cú hích và dự án gang thép Long Sơn này là như thế “, ông Tuấn nói.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, dự án gang thép Long Sơn bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng sẽ nằm trong kiểm soát vì ngoài tỉnh sẽ có Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phê duyệt tác động môi trường.
Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Sau khi dự án đạt các yêu cầu trên thì tỉnh Bình Định mới có cơ sở để hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ quyết định.
Cụ thể, dự án gang thép Long Sơn phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới; tác động đến môi trường ở giới hạn cho phép và theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, người dân bị ảnh hưởng của dự án phải đảm bảo có được cuộc sống ở mức tối thiểu bằng, thậm chí tốt hơn sau khi được định cư ở nơi mới và mỗi người dân phải có sinh kế ổn định, lâu dài. Hơn nữa, dự án sẽ không được xâm phạm đến các di tích lịch sử ở trong khu vực.
Cũng theo ông Tuấn, hiện tại, tỉnh Bình Định đã có kế hoạch về các chính sách bồi thường, tuyên truyền, đảm bảo an sinh cho người dân thôn Lộ Diêu.
“Cụ thể, tỉnh đã bố trí 3 khu định cư cho bà con thôn Lộ Diêu với điều kiện sinh kế tương tự như lâu nay. Ai thích làm biển, trồng trọt hay chăn nuôi, trồng rừng… thì vẫn làm. Thậm chí nếu ai thích làm công nhân của nhà máy thì chúng tôi sẽ ưu tiên tạo điều kiện.
Tuy nhiên, dự án gang thép Long Sơn vẫn có thể dừng vì không đảm bảo được các tiêu chí đề ra của tỉnh Bình Định”, ông Tuấn cho biết thêm.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn)
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn).
Theo đó, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỉ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.