Dù UBND TP.HCM đã chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết quyền và lợi ích chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng tại các khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập.
Khốn khổ vì đất dân cư xây dựng mới
Ông Đinh Công Hiệp (Bình Chánh, TP.HCM) bức xúc cho biết, gia đình có 1.000m2 đất ở xã An Phú Tây. Khu đất nằm trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới thấp tầng. Ngày 31.12.2021, ông nộp hồ sơ xin chuyển lên đất ở theo kết luận của Ban thường vụ Huyện ủy Bình Chánh giải quyết cho người dân chuyển đổi. Tuy nhiên, đến tháng 10.2022, UBND huyện Bình Chánh mới trả lời cho ông biết là không được chuyển và yêu cầu đến UBND huyện Bình Chánh để nhận lại hồ sơ.
“Sau nhiều tháng không được giải quyết hồ sơ, tôi có hỏi cán bộ phụ trách thì được biết cả huyện không có trường hợp nào thuộc khu dân cư xây mới được cho chuyển mục đích lên đất ở và được xây dựng vì tiêu chí nằm xen cài trong khu dân cư hiện hữu, tiếp giáp với khu dân cư hiện hữu, vừa có quy hoạch dân cư hiện hữu vừa có quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân chúng tôi vì đất bỏ hoang không trồng trọt, chăn nuôi cũng không thể xây nhà. Không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ dân khác cũng chịu cảnh tương tự khi khu đất này đã quy hoạch treo hơn 20 năm nay”, anh Đinh Công Tráng cho hay.
Hiện đất đang bị dính quy hoạch rất nhiều, gây khó khăn, bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (hình: Đình Sơn)
Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, hiện trên địa bàn có gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới, với gần 13.500 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tại quận Bình Tân, theo thống kê từ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với hai chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, với quy mô hơn 341 ha. UBND quận Bình Tân thừa nhận, việc giải quyết các nhu cầu của người dân trong hai chức năng quy hoạch này hiện đang rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai của người dân.
Đề xuất cho chuyển mục đích, cấp phép xây dựng
Tại buổi làm việc mới đây với HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết đối với đất dân cư xây dựng mới quận chỉ cấp phép xây dựng tạm cho người dân và yêu cầu người dân tự tháo dỡ, cam kết không bồi thường về nhà ở, kiến trúc khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Riêng người dân có đất trong đất hỗn hợp thì không được cấp phép xây dựng, không được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều đáng nói, hiện trong luật Đất đai không có khái niệm về đất dân cư xây dựng mới và đất hiện hữu mà quy định đã là đất ở phù hợp quy hoạch sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất. Đất dân cư xây dựng mới bản chất là đất ở hình thành nên quận Bình Tân. Chính vì vậy, quận Bình Tân kiến nghị cấp phép xây dựng chính thức cho hơn 341 ha đất quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp.
Theo một lãnh đạo của UBND huyện Bình Chánh, đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp là khái niệm của Sở Quy hoạch – Kiến trúc đưa ra và không có trong các quy định của pháp luật. Sau đó trong Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP cũng nói rõ, cấm tách thửa đối với đất hiện hữu. Gần 2 năm nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc không tiếp nhận đối với các hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật nên huyện Bình Chánh cũng như các quận huyện khác cũng tạm ngừng nhận hồ sơ tách thửa đối với dạng này dù nhu cầu rất lớn. Hiện nay huyện Bình Chánh đã làm đồ án điều chỉnh quy hoạch, trong đó đề xuất đất nông thôn xây dựng mới được điều chỉnh hoàn toàn sang đất ở để cho phép người dân được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp phép xây dựng và giúp tăng thu ngân sách.
Không chỉ các quận huyện, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP.HCM cấp phép xây dựng chính thức cho người dân có đất ở thuộc quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp với nhà riêng lẻ không quá 6 tầng, nếu nhà trong hẻm có lộ giới dưới 6m được xây dựng không quá 4 tầng. Các chức năng quy hoạch còn lại như đất cây xanh, giao thông, công trình chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết quyền và lợi ích chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng tại các khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.
Các quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổng rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất thực tế, nhu cầu kêu gọi đầu tư của tất cả các khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và 1/5.000 trên địa bàn. Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải hoàn tất công tác lập Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM trình UBND TP.HCM xem xét phê duyệt để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng cho người dân.
TP.HCM sẽ nâng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 thêm 1,0