Khoảng 5h sáng, khi thủy triều đang rút cũng là lúc anh Trần Anh Bằng (30 tuổi, trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cùng ngư dân trong làng ra bãi biển, bắt đầu một ngày mưu sinh.
Nhìn mặt trời chưa lên, anh Bằng nheo mắt, nói: “Hôm nay trời mù, sóng lớn, lại một ngày vất vả rồi đây”. Dứt lời, anh cùng nhóm ngư dân “đạp sóng” lội ra xa cách bờ khoảng 100m.
Ốc ruốc hay còn gọi là ốc gạo thường sống dưới lớp cát cách mặt nước 0,5-2m. Chúng được người dân ví như món quà quý mà thiên nhiên ban tặng ngư dân vùng biển.
Dụng cụ để săn ốc ruốc rất đơn giản, gồm một cây sào làm bằng tre cứng, một đầu gắn lưỡi cào bằng kim loại và mảnh lưới dài.
Để kéo được ốc, ngư dân phải buộc một cái đai vào lưng, một đầu nối với cào. Cứ vậy họ đi thụt lùi rồi cào xuống lớp cát, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới.
Dù đánh bắt gần bờ nhưng ngư dân cũng đối diện nhiều nguy hiểm. Người cào ốc phải lội ra chỗ nước ngập đến ngang người, nếu gặp vùng nước xoáy, sâu, sóng lớn thì dễ bị cuốn trôi.
“Làm nghề này luôn ngâm mình trong nước nên phải có sức khỏe tốt và kiên trì thì mới thu hoạch được nhiều. Năm nay, dù đã 67 tuổi nhưng tôi vẫn đi cào ốc, công việc mưu sinh cũng là niềm vui”, bà Phạm Thị Bốn tâm sự.
Mang một túi lưới hơn 10kg ốc vào bờ, anh Trần Tấn Dũng (32 tuổi, trú tại quận Sơn Trà) vui mừng nói: “Hôm nay dù không trúng ốc lắm, nhưng cũng thu được hơn 50kg, bán vài trăm nghìn đồng”.
Anh Dũng cho hay, công việc này phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng làm từ 15 đến 20 ngày. Công việc bắt đầu từ 3h đến 10h sáng, khi nước rút. Ngày ít, anh cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, có hôm kiếm được tiền triệu.
Ốc vớt lên bờ được người dân rửa sạch cát, sau đó đóng bao để bán cho thương lái. Tùy vào kích cỡ ốc to hay nhỏ, giá bán cũng khác nhau, dao động 150.000-200.000 đồng/thùng (20kg).
Từ nhiều năm nay, ốc ruốc đã trở thành món ăn dân dã nổi tiếng của miền Trung. Và với người dân làng biển, ốc ruốc là “lộc biển” đầu năm, mang cho họ nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống.