Chị Nguyễn Thị Sửu chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế tại cột mốc quốc gia trong một chuyến công tác tại biên giới. Ảnh: Tiêu Dao
Một mạch nguồn trong dòng máu Tà Ôi
Nhẹ nhàng và ấm áp, người phụ nữ Tà Ôi đầu tiên có học vị Tiến sĩ, từng làm Bí thư Huyện ủy A Lưới, rồi Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và bây giờ là Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng là nhà nghiên cứu và viết hàng chục cuốn sách về văn hóa dân tộc và văn hóa dân gian của người Bru – Vân Kiều, Pa Cô (Tà Ôi), Cơ Tu (Pa Hy). Người phụ nữ đáng kính đó là chị Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1973), tên gọi thân mật là Kê Sửu. Chị Kê Sửu nói chuyện với tôi nhưng không pha thổ âm hay phương ngữ, dù chị sinh ra ở vùng núi xa phía Tây Thừa Thiên Huế, trong ngôi làng Tà Ôi còn nhiều khốn khó.
Ký ức của chị chảy tuôn như dòng nước mùa mưa nơi triền Tây trên đất A Ngo (A Lưới, Thừa Thiên Huế) vậy. Ngày chị sinh ra trong hang tối trên đỉnh A Ngo và chập chững lớn, chiến tranh vẫn còn. Cha của chị hoạt động nằm vùng ở A Lưới, chị lớn lên trên lưng mẹ cùng những câu chuyện về sự tảo tần nhưng cũng nhiều bất hạnh của người mẹ, trong nỗi nhớ người cha chiến đấu xa nhà, cùng với những câu chuyện về người Tà Ôi thấm đẫm chất sử thi. Chị có lẽ là một trong số ít người dám vượt qua những hủ tục, đi tìm ánh sáng với con chữ Bác Hồ, rồi xuống núi để học cao hơn trong nỗi ám ảnh về người mẹ của mình.
Mẹ của chị, bà Kê Doaip cũng có một cuộc sống không nhiều vui sướng vì những tập tục lạc hậu trước đó. Và Kê Sửu, như ngôi sao xanh trên đỉnh núi của người Tà Ôi dám bước qua những khó khăn tưởng chừng như bất tận để mong được đổi thay, để chứng minh rằng người phụ nữ Tà Ôi không chỉ biết lấy chồng, đẻ con mà có thể làm được rất nhiều việc khác để cống hiến cho đất nước, quê hương. Chị bảo, gần như tất cả các cô gái Tà Ôi nếu may mắn học hết cấp 2, cấp 3 thì cũng về lấy chồng, làm rẫy, sinh con và cuộc đời chỉ có thế. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã khiến những số phận phụ nữ sống trong bóng âm u của núi rừng từ bao nhiêu thế kỷ rồi.
Kê Sửu kể về chuyện học của mình, về những nỗ lực của mình, xen kẽ trong đó là những câu chuyện về người mẹ, về người cha và về người Tà Ôi, những cái được và những cái chưa được. Nhưng trong mắt chị, vẫn là sự cương nghị lẩn khuất trong sự dịu dàng hiện hữu. 9 tuổi mới vào lớp 1, để rồi từ đó là một chuỗi dài đằng đẵng những thử thách của thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Hết cấp 1, rồi cấp 2 và cấp 3, chị học sư phạm để trở thành giáo viên dạy văn ở ngay trên chính quê hương mình. Nhưng dòng máu Tà Ôi trong người chị vẫn hừng hực những đam mê cho cống hiến. Niềm khát khao được khám phá những tầng sâu của văn hóa dân gian của chính dân tộc mình đã thôi thúc Kê Sửu dấn bước, làm một cuộc “cách mạng” nữa khi khăn gói xuống phố để học cao học, rồi sau đó là nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Tháng 12/2007, người làng Tà Ôi đã vô cùng tự hào khi có người con Tà Ôi đầu tiên vinh dự nhận tấm bằng Tiến sĩ khi tuổi đời vừa tròn 34. Khi ấy, Kê Sửu đang là Chánh văn phòng Huyện ủy A Lưới.
Chị kể chuyện của mình, như sự chung chiêng dội vào vách núi A Ngo và vang vọng lại. Ngoài tiếng Tà Ôi, chị tự học thêm tiếng Bru – Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hy… Chị không chỉ chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ, mà từ ngôn ngữ, chị thấy được những mạch nguồn văn hóa của các dân tộc thiểu số khắp vùng A Lưới này.
Từ luận án Tiến sĩ của chị, cho đến hàng chục công trình nghiên cứu, cuốn sách, hàng trăm câu ca dao, tục ngữ, trên 200 câu chuyện cổ, đặc biệt là bản thảo và băng ghi âm về sử thi A Chất – một thể loại mà lâu nay giới nghiên cứu cho rằng, chỉ xuất hiện ở Tây Nguyên, những thành quả ấy đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở vùng cao Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Cho biên giới vững bền
Là người có kiến thức, được học và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, chị cứ đau đáu mãi về vấn đề làm sao cho đồng bào mình trên núi sớm an cư, những ngôi làng ở vùng biên giới A Lưới sớm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của bà con, cho lũ trẻ được đến trường, cho những phụ nữ không còn bị ràng buộc vào những hủ tục như mẹ chị… Những khao khát ấy khiến chị phải hành động.
Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế chở đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu đi thâm nhập cơ sở. Ảnh: Tiêu Dao
Nhiều ngày tháng với những cương vị khác nhau, nhưng chưa bao giờ Kê Sửu thôi nghĩ cho bà con. Chỉ cần đi được là chị đi, những bước chân mải miết của chị cứ hướng về phía núi, hướng về những ngôi làng heo hút sát biên giới. Rưng rưng trong đôi mắt của mình, chị kể, có những lúc chị phải đi vào buổi tối, lần vào từng làng trong đêm để tuyên truyền, vận động, để hướng tới từng đối tượng đồng bào. Bởi nhiều hộ gia đình ở sâu trong núi hay vùng biên giới đi làm nương rẫy chỉ có thể về nhà vào buổi tối. Nếu đi vào ban ngày chắc chắn sẽ không gặp. Rồi những ngày trong mùa mưa gió, bão bùng, chị vẫn đi. Vì chị biết ở đó bà con cần chị, cần chính quyền đến giúp đỡ, hỗ trợ.
Bằng vốn ngôn ngữ đa dạng của mình, lại mang trong mình dòng máu Tà Ôi, nên người làng tin chị, nghe chị, theo chị cùng làm. Cứ thế, chị thuận lợi hơn. “Tôi cố gắng làm tất cả để hướng về đồng bào mình, để bà con trên núi sớm an cư, ổn định cuộc sống, cho lũ trẻ được đến trường, cho những phụ nữ không còn bị ràng buộc vào những hủ tục, cho những con đường sớm nối đến những bản xa và người dân thoát đói nghèo, hướng tới việc làm giàu ngay chính quê hương mình” – chị rưng rưng với nỗi niềm như thế khi kể chuyện của mình.
Nhiều năm rồi, trên những cương vị khác nhau, Kê Sửu luôn đau đáu cống hiến công sức, giúp không ít bản làng trên biên viễn vươn lên, xóa bỏ hủ tục. Chị chia sẻ rất nhiều về chuyện núi rừng, về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của huyện A Lưới, nơi chị được sinh ra, lớn lên và là người lãnh đạo cao nhất trong nhiều năm. Nhưng mọi chuyện không đơn giản tí nào, ngay bản thân chị cũng thấy phân vân, từ năng lực quản lý, trình độ của mình, trong hoàn cảnh huyện nhà có quá nhiều vấn đề “nóng” đang diễn ra và rất khó xử lý dứt điểm.
Chị bảo rằng, muốn người ta thay đổi thì mình phải thay đổi trước và chỉ có mỗi con đường học vấn. Muốn cộng đồng mình tươi sáng hơn thì phải lao vào tìm xem thực tế và nguyên nhân cực khổ như thế nào để cùng họ tìm cách thay đổi.
Tiêu Dao