Niềm hoài niệm ấy đã được các kiến trúc sư gửi gắm vào công trình ngôi nhà phố ở thành phố Quảng Ngãi qua việc tạo dựng một khung cảnh cuộc sống thanh bình trong dáng dấp kiến trúc đương đại.
Yếu tố thiết kế mà các kiến trúc sư đặt nhiều tâm huyết thực hiện là đưa ra một nhận thức khác về khái niệm “ranh giới” trong kiến trúc nhà phố này.
Thoát khỏi công năng phân định như một biên giới, một mảng che chắn và phòng hộ, “ranh giới” trong ngôi nhà này là những đường biên không để che chắn mà để kết nối và tạo ra sự thoải mái cho những người sinh sống bên trong. Chất liệu gạch thẻ mộc mạc được sử dụng lát sân và làm hàng rào mang đến cảm giác thân thuộc và nhẹ nhàng.
Hàng hiên là sự nối dài của không gian bên trong, mở rộng kết nối khoảng sinh hoạt riêng tư với không gian chung bên ngoài. Nhờ khoảng hiên rộng, ánh sáng chói chang của xứ nhiệt đới trở nên dịu nhẹ và chuyển dần sang khoảng râm thâm trầm nơi nội thất. Và qua đó, khí hậu bên trong nhà cũng sẽ được điều tiết, trở nên mát mẻ hơn.
Ánh sáng tự nhiên được khai thác bằng nhiều cách, từ các khoảng sân trong, kính lấy sáng mái, cửa sổ kính… tạo ra sự chuyển đổi không gian một cách gián tiếp từ trong ra ngoài, giúp gia tăng cảm giác trải nghiệm không gian qua từng thời điểm trong ngày.
Nếp sống xưa được thể hiện qua cách bố trí gian thờ ở vị trí trung tâm ngôi nhà, dễ dàng kết nối với tất cả không gian sinh hoạt ở tầng trệt, tạo sự thuận tiện trong việc thực hành tâm linh của người cao tuổi. Tuy nhiên để bảo đảm tính trang nghiêm cho gian thờ, kiến trúc sư đã thiết kế mảng kính ngăn chia và một hồ nước nhỏ.
Phòng ngủ được bố trí nơi cuối nhà theo ý niệm “nhà dưới” trong cách nói của người xưa, tuy vẫn nằm trong mạch kết nối chung nhưng vẫn rất yên tĩnh và riêng tư.
Một nét cong mềm mại được sử dụng như điểm nhấn ở nơi chuyển tiếp không gian, tương phản với đường nét vuông vức của khối kiến trúc bê tông hình hộp nhưng vẫn tạo ra sự hài hòa trong tổng thể.
Đồ nội thất được bố trí theo tinh thần tối giản với việc cân nhắc tái sử dụng những món nội thất cũ, như chiếc phản gỗ hay tủ thờ đã gắn bó suốt một thời gian dài với chủ nhân. Trong những khoảnh khắc nào đó, những gợi nhắc đơn sơ ấy đôi khi đưa chủ nhân trở về với miền ký ức tươi đẹp một thuở.
Tác giả: KTS Lê Viết Hội
Nguồn tin: kinhtedothi.vn