Mỗi đứa trẻ cần được học và chơi dưới mỗi “nếp nhà”
Bác sỹ, nhạc sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho rằng, ngoài phụ huynh cho con chơi, còn một thái cực khác lại bắt con học quá mức, luôn ba tháng hè. Có những học sinh thời gian biểu chính xác đến từng phút giây, học chạy đua với thời gian. Cha mẹ đã ép con học trong từng khoảnh khắc! Học với cường độ như vậy, cha mẹ hy vọng con sẽ đỗ vào trường chuyên, trường điểm, lớp chọn. Điểm cao không phải do trẻ thông minh hơn người, mà chỉ đơn thuần là học nhiều hơn. Hậu quả nhẹ thì trẻ thành cái giá sách di động, nặng thì bị ngộ độc chữ. Là một bác sỹ, ông Phúc gặp không ít người rất nhiều kiến thức nhưng thiếu kỹ năng nên phải trả giá bằng bệnh tật, thậm chí là mạng sống. Do đó, với đứa trẻ, cần được dạy cả kiến thức lẫn kỹ năng.
Thực tế cuộc sống có hai thái cực trái ngược nhau trong giáo dục gia đình hiện nay: một là cha mẹ trực thăng, nóng lòng để mắt 24/7 đến con. Hai là quan điểm phát triển tự nhiên, con có thể làm gì tùy ý, không quan tâm đến sự trưởng thành và thành tích của con. Trong khi đó, giáo dục là nuôi dưỡng một nhân cách độc lập. Ở thái cực giáo dục theo kiểu “buông tay” là cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Mọi đứa trẻ cần được chăm sóc và uốn nắn. Cha mẹ sinh con cái vào thế giới này, nên gánh vác trách nhiệm giáo dưỡng, dành cho con tình yêu thương và sự quan tâm ở nhiều góc khác nhau về cảm xúc, học tập, cuộc sống và là chỗ dựa tin cậy cho con. Luôn quan tâm dạy dỗ con đúng cách và đúng mức.
Và điều quan trọng, theo bác sỹ Trần Văn Phúc, cha mẹ dạy con bằng tấm gương quan trọng hơn bằng lời nói. Tất cả việc làm, mối quan hệ của cha mẹ, bầu không khí gia đình, tinh thần và thái độ của cha mẹ với người khác, hết thảy đều có sự ảnh hưởng tinh tế tới con cái. Vai trò của cha mẹ không thể thay thế bằng các hình thức giáo dục khác. “Nếp nhà” không thể thay thế được. Nếu cha mẹ dành đủ thời gian cho con, thì con cái sẽ là bản sao của cha mẹ.
Kỹ năng sống và học tập đều là cả quá trình bền bỉ thường xuyên, liên tục. Do đó, phụ huynh không nên cho trẻ học quá nhiều kỹ năng, mà nên ưu tiên một số kỹ năng cần thiết như bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn… Mỗi mùa hè các em được trang bị thêm một kỹ năng mới. Như vậy, chỉ sau vài mùa hè trẻ sẽ có những kỹ năng cần thiết để tự tin, chủ động trong cuộc sống.
Đồng thời, phụ huynh cũng cần lưu tâm xem con mình có tố chất gì đặc biệt. Như trẻ yêu thích mỹ thuật thì sẽ gửi trẻ vào các lớp học vẽ, trẻ thích âm nhạc thì cho trẻ học nhạc, trẻ thích bóng rổ, bóng đá thì sẽ gửi trẻ vào các trung tâm thể thao… Nghệ thuật, thể thao được xem như các hoạt động ngoại khóa dễ thu hút trẻ.
Ở góc độ khác, theo bác sỹ Trần Văn Phúc, nếu để trẻ được nghỉ hè theo cách chúng thích, thì chẳng đứa nào muốn tiến bộ và trưởng thành. Bản tính trẻ thích vui đùa. Nếu không phải học tập, không phải rèn luyện, không phải làm những công việc nặng nhọc, thì trẻ sẽ cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc. Khi đó trẻ sẽ chiều chuộng bản thân, bỏ quên sách vở. Sau ba tháng hè trở thành thói quen, trẻ lười biếng và không ai có thể thúc giục học tập và làm việc chăm chỉ…
Bác sỹ Phúc nhấn mạnh, bản chất con người là lười biếng, không muốn làm việc và sợ đau khổ. Trẻ con cũng vậy. Bản thân việc học chưa bao giờ là dễ chịu. Muốn thành công phải khổ luyện và bền bỉ. Học tập và rèn luyện không thể có kết quả một sớm một chiều. Đó là sự tích lũy theo thời gian. Không ai thất bại vì sự nỗ lực…
Để những mùa hè của trẻ luôn đẹp. (Ảnh Internet)
Không món quà nào lớn hơn sự hiện diện của cha mẹ
MC Minh Trang là gương mặt quen trong các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam như “Cà phê khởi nghiệp” (VTV1), “Học cùng con” (VTV7). Từng có 4 năm sinh sống và tu nghiệp ở Mỹ để theo học chương trình Thạc sĩ Marketing & Truyền thông tại Boston, nữ MC đa tài này đã có cơ hội quan sát và tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm, những cách nuôi dạy con khoa học, đặc biệt là cách người Mỹ dạy con, đọc sách cùng con từ khi lọt lòng, cách họ bồi đắp tình yêu sách với trẻ nhỏ.
Những năm gần đây, sau khi có con, cô đã ra mắt “Hộp Háo Hức” – là một chương trình dài hơi gắn kết cha mẹ và con cái. Chia sẻ về lý do ra đời “Hộp Háo Hức”, Trang nói mọi việc bắt đầu từ chính hành trình làm mẹ của chị. Cho đến một ngày, chị nhận ra, vấn đề chung nhất của các câu hỏi chính là làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc.
Theo Trang, nếu phụ huynh đọc sách cùng con và sớm xây dựng cho con thói quen này sẽ mang đến những trải nghiệm hạnh phúc. Nếu được tiếp xúc với sách từ nhỏ, ngoài phát triển khả năng ngôn ngữ, có tư duy và hiểu biết đa dạng, trẻ còn có tinh thần tự lập, tự giác và tư duy tích cực. Mặt khác, chị cũng nhận ra, quá trình đô thị hóa không chỉ để lại sức ép lên các bậc phụ huynh mà còn tạo nên thế hệ trẻ em thường xuyên sử dụng các thiết bị thông minh vì nhiều lý do: không có trò chơi giải trí, cha mẹ quá bận rộn không có thời gian chơi cùng con…
“Tôi hy vọng trẻ được đọc sách từ nhỏ, được cha mẹ dành đủ thời gian chất lượng mỗi ngày. Tôi hy vọng không còn cha mẹ nào phải nhắn tin cho tôi để hỏi “Làm sao để con thích đọc sách?, “Làm sao để con tự lập?”, “Làm sao để cha mẹ và con cùng lớn lên hạnh phúc?”, Nguyễn Minh Trang chia sẻ.
“Hai mục tiêu chính của “Hộp Háo Hức” là giúp trẻ tìm được niềm vui thích với sách, giúp cha mẹ tìm lại được sự gắn kết với con thông qua việc đọc sách và chơi các trò chơi tương tác thú vị. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Trẻ con cần sự hiện diện của bạn hơn cả những món quà mà bạn mua”. Tuy vậy, nhiều cha mẹ Việt Nam quá bận rộn với công việc hoặc không biết cách tương tác cùng con nên lầm tưởng rằng càng mua nhiều quà, con càng vui hoặc chỉ cần mua đồ chơi, con có thể tự chơi được”.
Theo Trang, “Hộp Háo Hức” hay bất kỳ món quà nào đều không bao giờ thay thế được sự hiện diện của cha mẹ, ánh mắt, lời nói, cử chỉ, sự tương tác qua lại và đặc biệt là tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái. Hiện chị đã bắt tay thực hiện “Làng Háo Hức” – mô hình trải nghiệm thiên nhiên cho gia đình và trẻ nhỏ, giúp trẻ và cha mẹ có cơ hội tái kết nối, không chỉ với thiên nhiên mà còn với bản thân và các thành viên trong gia đình. Trên trang cá nhân, Minh Trang chia sẻ, cứ có thời gian là chị lại cho các con về “Làng Háo Hức”, các con được sống trong không khí làng quê, biết tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống từ những điều giản dị…
Theo các chuyên gia tâm lý, với sự phát triển của xã hội hiện nay, có rất nhiều cách để giúp trẻ vừa được vui chơi mà vẫn được bồi đắp kỹ năng sống một cách tự nhiên. Ví như, cho trẻ theo học môn năng khiếu mà trẻ yêu thích như múa, hát, vẽ, võ… để phát triển năng khiếu. Hay tham gia các khóa học như học kỳ Quân đội, trại hè Anh ngữ, hè bán trú, trại hè thiếu sinh quân… để trẻ được tôi luyện kỹ năng, học hỏi kiến thức từ thực tế, hòa mình với thiên nhiên. Hoặc đơn giản là khuyến khích trẻ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương; đưa trẻ về quê thăm ông bà cũng là cách giúp trẻ có những trải nghiệm lý thú. Việc thay đổi môi trường là điều kiện để trẻ học hỏi về nếp sống, tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ…
Hiện không ít phụ phụ huynh muốn cho con có một mùa hè trải nghiệm như đi một mình về quê hoặc tham gia trại hè để con xa gia đình, học các kỹ năng, cách làm quen và sống với những bạn mới khác… Một số phụ huynh khác giao cho con việc nhà, nấu cơm cho gia đình. Có không ít phụ huynh lại muốn con có một mùa hè bồi đắp như đăng ký cho con những khóa học như học vẽ, học đàn, học tiếng Anh…
Có thể nói, có rất nhiều phương án để giúp con trẻ được hưởng một mùa hè ý nghĩa. Tuy nhiên, để trẻ sống trọn vẹn những ngày hè sôi động, đáng nhớ, quan trọng nhất là cần sự quan tâm, thấu hiểu, hỗ trợ của các bậc phụ huynh, sự tư vấn hỗ trợ từ phía nhà trường. Học văn hóa là hết sức quan trọng, nhưng trẻ em cũng cần được phát triển nhiều kỹ năng khác, cũng như có quyền được vui chơi, khám phá cuộc sống theo đúng nhu cầu, sở thích của bản thân.
Bởi mỗi đứa trẻ là những cá thể độc lập, không phụ huynh nào có thể sống thay cuộc đời đứa trẻ. Nhưng những tận tâm, những yêu thương đúng mực sẽ vun đắp tình yêu, nhân cách cho mỗi con người trưởng thành. Mãi về sau này, trong những “ngoái lại”, mỗi con người trên hành trình đi tìm bản ngã, sẽ luôn biết ơn những tháng năm trong trẻo và “nếp nhà” thời thơ bé…
Phụ huynh cần cho con một tuổi thơ đẹp
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, kỳ nghỉ hè nên để cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi… Phụ huynh nên đặt mục tiêu làm thế nào để con mình có một tuổi thơ đẹp, một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh, trong sáng chứ đừng nặng về kiến thức và học lực. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè dài cho học sinh. Đây cũng không phải quy định của riêng nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kỳ nghỉ hết sức có ý nghĩa này hãy để cho các em nạp năng lượng chuẩn bị bước vào một năm học mới.