Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư dường như đã được kích hoạt trở lại sau khi Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành. Tuy nhiên, tác động của nghị định này mới chỉ dừng ở đó, về bản chất không giải quyết được vấn đề.
Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư dường như đã được kích hoạt trở lại sau khi Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành.
Ảnh minh hoạ
Ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành vào ngày 5.3, một loạt mã cổ phiếu bất động sản như CRE, NVL, DXG, DIG, PDR, HPX, HQC, MH3, VHD, SCR đã tăng trần trong phiên giao dịch ngày 6.3.
Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), Nghị định 08 được ban hành khiến nhà đầu tư cảm thấy được tháo gỡ điều gì đó. Tâm lý hào hứng, vui vẻ dẫn đến thị trường cũng có những ảnh hưởng đáng kể, đơn cử như việc cổ phiếu bất động sản phủ “sắc tím”.
Tuy nhiên, xét về bản chất thì doanh nghiệp vẫn nợ, lãi vẫn phải trả, kể cả giãn nợ thì vẫn phải trả lãi.
“Với lãi suất cao như vậy trong khi hoạt động không có thì về lâu dài, nếu không cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại dòng tiền, doanh nghiệp cũng khó có thể trả nợ tiếp được. Cuối cùng gánh nợ còn to hơn”, ông Toản nói.
Nếu gạt bỏ điều này, thì theo ông Toản, Nghị định 08 trước mắt có tác động tích cực, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp. Thị trường đang trong giai đoạn rất khó khăn, nếu được giãn nợ, hoán đổi được công nợ bằng tài sản khác thì đó là hướng tốt.
Doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề áp lực nợ đến hạn phải trả. Thực tế nhiều doanh nghiệp có tài sản nhưng không hiện thực được bằng tiền được. Do đó, trong câu chuyện này, bên phát hành và nhà đầu tư hãy tự thoả thuận sao cho mỗi bên lùi một bước, đơn vị phát hành trái phiếu giảm giá một chút, khách hàng chấp nhận mua, làm sao để đạt được quyền lợi của cả hai bên.
Trường hợp trái chủ không đồng ý, dựa theo khung pháp lý, doanh nghiệp phát hành vẫn có thể đàm phán để giãn tiến độ thanh toán.
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng việc Nghị định hướng dẫn có yêu cầu trái chủ phải có sự đồng ý sẽ xảy ra tranh cãi. Một số trái chủ sẽ không chấp nhận, yêu cầu thanh toán tiền, đó là thiệt hại cho trái chủ.
Bởi pháp lý đã có, vấn đề này sẽ trở thành tranh chấp dân sự, có kiện cáo cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, gây thiệt hại cho người mua trái phiếu là chính. Đơn vị phát hành vẫn có khoảng thời gian lùi. Họ có quân bài để đàm phán chính là việc hoán đổi bằng tài sản.
Ông Toản khẳng định để đưa ra được Nghị định này đã là một sự cố gắng rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Bản chất cuối cùng nằm ở thành tố là phía gây ra vấn đề, chính là doanh nghiệp, họ phải tự giải quyết vấn đề.
“Doanh nghiệp bị đứt dòng tiền nhưng vẫn có tài sản. Thông qua nghị định này sẽ tạo cho họ khoảng thời gian để sắp xếp lại, cơ cấu lại tổ chức và sắp xếp lại dòng tiền nhằm tạo cơ hội để thay đổi và sửa chữa những sai lầm. Quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp, nhà nước không đứng ra trả nợ hộ được. Đây là khoảng thời gian vàng, doanh nghiệp muốn trụ vững và phát triển được đòi hỏi phải có những động thái quyết liệt để cơ cấu danh mục hoạt động, tránh trường hợp đổ vỡ”, ông Toản phân tích.
Với thị trường bất động sản, lãnh đạo EZ Property cho rằng Nghị định 08 không tác động nhiều, chủ yếu chỉ mang tính chất tâm lý. Các doanh nghiệp bất động sản đều đang thực hiện các dự án và đa số các dự án đều tắc về pháp lý, thị trường. Trong đó, vấn đề pháp lý không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Còn thị trường, một số tài sản chưa đủ điều kiện giao dịch cũng không thể trở thành tài sản để hoán đổi công nợ được. Do đó, nghị định này không giải quyết được những vấn đề khó của thị trường.
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định mới cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Cụ thể, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng tiền đồng Việt Nam, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán bằng tài sản khác.
Quy định này dựa trên ba nguyên tắc:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.
(2) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
(3) Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Nghị định mới cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá hai năm. Tuy nhiên, trong trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Nghị định hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến 31.12.2023.