Có mặt tại cuộc thi “Bàn tay vàng” cho nghề làm đẹp được tổ chức tại quận 12, TPHCM vừa qua, chàng trai Trương Quốc Bảo thể hiện sự điêu luyện, thuần thục tay nghề của một chuyên viên trang điểm. Với đồ trang điểm và cây cọ trong tay, chỉ chốc lát Bảo đã biến hóa nhiều sắc thái trên khuôn mặt của người mẫu.
Trang điểm với Bảo không chỉ là kỹ năng tay nghề mà còn là sự kết hợp từ nhiều kỹ năng khác mà cậu có như khiếu nghệ thuật, khả năng nấu ăn, diễn thuyết, giao tiếp…
Chuyên viên trang điểm Trương Quốc Bảo thể hiện khả năng tại cuộc thi “Bàn tay vàng” (Ảnh: Y.H).
Bảo kể, từ bé cậu mê cái đẹp, mê được chính tay tạo ra những tác phẩm đẹp. Học hết lớp 9, thay vì thi vào lớp 10, Bảo theo học nghề trang điểm và hiện giờ đang là sinh viên năm cuối tại Trường trung cấp Bách Nghệ.
Ngoài việc theo đuổi đam mê về cái đẹp, Bảo chọn nghề làm đẹp vì cậu nhìn vào tiềm năng và cơ hội của công việc này trong tương lai.
Chưa tốt nghiệp nhưng Bảo đã có thời gian dài gắn bó với công việc trang điểm cho các nghệ sĩ tại trường quay với mức lương tầm 8 triệu đồng, chưa kể còn có thu nhập từ các show phát sinh.
Ngoài ra, Bảo có rất nhiều cơ hội việc làm khác. Nhưng thời điểm này, Bảo chỉ dùng phần nhỏ công sức, thời gian để đi làm kiếm tiền do muốn tập trung cho việc học và tốt nghiệp THPT.
Đối với ngành làm đẹp, người học có nhu cầu đều có thể đi làm thêm kiếm thêm thu nhập như Bảo. Làm đẹp là công việc mà mọi người có thể thực hành, làm việc kiếm tiền ngay trong thời gian học. Thậm chí, nhiều cơ sở đào tạo trả lương cho người học ở phần thực hành.
Vừa học xong có thể làm chủ là câu chuyện của chuyên viên chăm sóc da Phạm Đăng Lương An, người vừa mở một tiệm spa ở quận 4, TPHCM.
Tiệm mới, nguồn thu hiện tại chỉ đủ để vận hành, trả lương cho nhân viên nhưng An tin trong tương lai ngắn, công việc của mình sẽ phát triển khi nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.
An đã tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn tại một trường đại học. Sau thời gian đi thực tập ở khách sạn, cô gái quê Hải Phòng quyết định… “bẻ lái” đi học nghề chăm sóc da chỉ với thời gian học, luyện tay nghề chưa đến một năm.
Bà chủ tiệm cho hay, trên thị trường, một nhân viên chăm sóc da mới đi làm có mức lương 7 – 12 triệu đồng. Còn với chăm sóc body (cơ thể), mức lương có thể lên đến 15 – 17 triệu đồng hoặc cao hơn, chưa tính tiền “boa” của khách.
“Bà chủ” spa chăm sóc da Phạm Đăng Lương An (Ảnh: H.N).
Ngoài ra, đối với kỹ thuật viên tay nghề cao trong các mảng chăm sóc da, phun xăm, điêu khắc thẩm mỹ… mức thu nhập có thể cao gấp nhiều lần.
Chị Lê Trâm, ở Củ Chi, TPHCM, kỹ thuật viên phun xăm cho biết, do bận con nhỏ, muốn dành thời gian chăm sóc con nên công việc hàng ngày, chị chỉ làm chơi chơi. Kết quả làm “chơi chơi” của chị là kiếm ra 500.000 – 600.000 đồng/ngày.
Mỗi tháng, thu nhập khoảng 20 triệu đồng, chị Trâm cho hay nếu chị chú tâm, tập trung thì mức thu nhập sẽ cao hơn nhiều.
Khát nhân lực làm đẹp có tay nghề
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, giám đốc một trung tâm thẩm mỹ chia sẻ, ngày nay rất nhiều bạn trẻ yêu thích và lựa chọn các lĩnh vực, ngành nghề việc làm liên quan tới chăm sóc sắc đẹp. Thị trường lao động ở lĩnh vực làm đẹp có nhu cầu nhân lực cao nhưng lại thiếu hụt lớn về đội ngũ kỹ thuật viên tay nghề cao.
Nhiều bạn trẻ sớm có việc làm, giúp đỡ gia đình với lựa chọn học nghề làm đẹp (Ảnh: H.N).
Bà Minh cho rằng để nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các học viên, nhân viên trong lĩnh vực làm đẹp cần có nhiều cơ hội thực hành, có sân chơi để cọ xát, thể hiện.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe toàn cầu năm 2018, ngành công nghiệp spa trên thế giới có giá trị 119 tỷ USD. Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, nhu cầu làm đẹp trong xã hội cũng tăng cao, từ 20-50% mỗi năm.
Theo các báo cáo, nhu cầu làm đẹp tại Việt Nam tăng 7%/năm. Để đáp ứng được nhu cầu này, hiện thị trường lao động cần bổ sung hàng ngàn nhân sự trong ngành làm đẹp.
Các bạn trẻ có nhiều cơ hội để tiếp cận với ngành nghề này khi nhiều cơ sở đào tạo miễn phí, trả lương cho người học có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các học viện đào tạo nghề, trung cấp nghề, hiện nay, tại TPHCM hàng loạt trường cao đẳng, đại học như trường cao đẳng FPT, đại học Văn Lang, đại học Tôn Đức Thắng… cũng bước vào “sân chơi” này, mở mã ngành đào tạo về lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.
Không chỉ trở thành nhân viên chăm sóc sắc đẹp trực tiếp, người học còn có thể trở chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chuyên viên kinh doanh, chuyên viên tư vấn/chăm sóc khách hàng, chuyên viên kiểm soát chất lượng; chuyên viên đào tạo, chuyên viên vận hành sản xuất… trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Thị trường cần nguồn nhân lực làm đẹp có tay nghề cao (Ảnh: Q.B).
Bà Nguyễn Hoàng Tiên, Phó Giám đốc tuyển sinh – truyền thông trường cao đẳng Đại Việt cho hay, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả 10 – 30 triệu đồng/tháng để tìm chuyên viên thẩm mỹ. Tuy vậy, nguồn nhân lực cho ngành này, đặc biệt là nhân lực tay nghề cao hiện không đáp đủ cho nhu cầu của thị trường.