“Hóa tượng trong 8 tiếng, nghỉ 10 phút/tiếng và không đổi dáng càng lâu càng tốt” – đó là yêu cầu trong lần đầu tiên Nguyễn Vũ Hải (29 tuổi, ngụ Long An) đảm nhận công việc làm nhân tượng.
Chàng trai trẻ đã một mình bay từ TPHCM ra Đà Nẵng, chủ động trang điểm và chịu đựng sự khó chịu từ lớp hóa trang dày cộm suốt một ngày diễn. Mỗi lần “hóa tượng”, Hải phải tập thở bằng bụng để lồng ngực không nhấp nhô, bất động lên đến 10 phút để khán giả tin cậu là một bức tượng thực thụ.
Mặc dù khó khăn và đòi hỏi vô vàn kỹ thuật, chàng trai Long An vẫn theo đuổi nghề suốt 7 năm. Đối với Hải, được hóa thân thành nhân tượng và trình diễn popping (nhảy người máy) là đam mê cả cuộc đời.
“Nó như cái duyên vậy! Tụi mình không sống được với nghề, phải làm các công việc khác nhau để trang trải, nhưng khi nào trưởng đoàn cần thì mình lập tức từ Long An lên thành phố tham dự ngay” – Hải cười.
Vũ Hải trong một sự kiện hóa thân, trình diễn kỹ thuật nhảy popping của mình (Ảnh: NVCC).
Nghề bất động, ngứa không gãi, đau không la
Nhân tượng là bộ môn nghệ thuật đường phố phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu. Trong đó, người mẫu sẽ phủ sơn khắp cơ thể, đứng im hàng giờ đồng hồ với các kiểu dáng khó nhằm phục vụ nhu cầu người xem.
Tại Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ, thường chỉ biểu diễn tại các sự kiện, lễ ra mắt sản phẩm, khai trương cửa hàng, và một số nhân tượng chủ động biểu diễn kêu gọi tiền trên đường phố Sài Gòn.
Năm 2011, sau khi xem các video biểu diễn nhân tượng ở châu Âu, đam mê nghề đã cháy bỏng trong lòng Hải. Đến năm 2015, qua một lần tình cờ biết đến nhóm “Nhân tượng Việt”, Hải đã không ngần ngại tham gia.
“Thời điểm đầu tiên còn hạn chế nên Việt Nam ít ai biết đến bộ môn này. Một thời gian sau, mình đành gác đam mê để học nhảy popping (nhảy người máy). Mãi đến khi tìm hiểu có nhóm nhân tượng tại Việt Nam, mình mới phát hiện có nhiều bạn trẻ cũng yêu nghề giống bản thân” – Hải nhớ lại.
Nhân tượng đòi hỏi người mẫu sở hữu cơ thể đẹp, săn chắc (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, nghệ thuật nhân tượng tại Việt Nam được chia thành 3 thể loại biểu diễn. Đầu tiên là hóa thân thành các pho tượng khỏa thân La Mã. Loại hình này đòi hỏi người mẫu sở hữu cơ thể đẹp, săn chắc.
Thứ hai là biến hóa thành các nhân vật nổi tiếng, huyền thoại. Thông thường với loại hình này, người mẫu thường hóa trang, khoác lên những bộ y phục dày, phủ sơn kín để tránh thoát khí và đổ mồ hôi.
Và loại hình thứ 3 hiện đang thịnh hành trên thế giới là vẽ cơ thể thành hình thù và biểu diễn dáng trông giống hoạt cảnh, bức tranh hoặc khung cảnh thực tế.
“Không chỉ yêu cầu ngoại hình bắt mắt, ngành này còn cần sự bất động càng lâu càng tốt để bạn gần như đã thành bức tượng. Nếu cơ thể không chịu nổi thì bạn cũng đổi dáng đầy nghệ thuật nhắm đánh lạc hướng người xem.
Vì vậy mà dù đổ mồ hôi, ngứa ngáy hay biểu diễn trong môi trường khắc nghiệt… người mẫu phải chịu đựng” – anh Trịnh Hải Đăng (32 tuổi, trưởng nhóm Nhân tượng Việt) chia sẻ.
Loại hình hóa thân thành các nhân vật nổi tiếng đang được ưu chuộng tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Mỗi ngày, Hải luôn tập luyện để sở hữu cơ thể, đồng thời có thể chất tốt nhằm chịu đựng các dáng đứng khó trước mọi loại hình thời tiết. Sau đó, người mẫu cần học thêm vũ đạo, cách di chuyển. Riêng kỹ thuật ngã người về sau, tạo dáng chạy bất động… nhân tượng cần sử dụng thêm dụng cụ ảo thuật bổ trợ.
“Khó khăn nhất là bạn điều chỉnh hơi thở sao cho ngực không nhấp nhô khiến bức tượng không thực. Bản thân mình là dancer (vũ công) thì mất vài tháng, nhưng với người chưa kinh nghiệm có thể lên đến cả năm để đạt trình độ tinh xảo” – Hải nói thêm.
Người mẫu thực hiện dáng khó khi lơ lửng hoàn toàn trên không trung (Ảnh: NVCC).
“Dở khóc dở cười” chuyện làm tượng sống
Sau mỗi buổi trình diễn, Trà My (30 tuổi, ngụ TPHCM) đã giữ nguyên lớp hóa trang về nhà. Suốt dọc đường, cô gái trẻ gặp không ít ánh mắt tò mò từ xung quanh khiến bản thân vô cùng ngượng ngùng.
Nhân tượng được phủ toàn bộ cơ thể bằng lớp sơn dày và chuyên biệt. Điều đó khiến khách sạn ái ngại cho người mẫu tắm rửa. “Tất cả đều phải mang về nhà tẩy trang. Đối với các loại sơn đậm, mình mất 3 đến 5 ngày mới có thể tẩy sạch hoàn toàn” – Trà My nói.
Hư tổn da, tóc vì sơn, đau nhức vì tạo dáng khó, kiệt sức trước thời tiết khắc nghiệt… Đó là một vài vất vả mà người mẫu nhân tượng chịu đựng. Trong đó, trưởng nhóm Nhân tượng Việt chia sẻ điều này khiến không ít người không thể bám trụ nghề.
Người mẫu sẽ phủ lớp sơn rất dày trên cơ thể (Ảnh: NVCC).
Hải nhớ, tại một sự kiện diễn ra ở Dinh Độc Lập, cậu đã hóa tượng, đứng liên tục dưới nắng trưa trong hàng giờ đồng hồ khiến bản thân hoàn toàn kiệt sức. “Lớp hóa trang dày không cho mồ hôi thoát ra, tích tụ phía sau tóc làm mọi thứ bí bách hơn. May mắn quản lý lau hộ mới không làm hư màu tượng” – Hải nói.
Thế nhưng, đó chưa phải tất cả, nhiều tình huống người mẫu còn bị sàm sỡ, khách hàng cố tình động chạm vào vùng nhạy cảm khiến họ vô cùng ngượng ngùng.
“Để biến hóa thành tượng La Mã thì người mẫu thường khỏa thân, khoe cơ thể. Ấy vậy, không ít lần khách tò mò chạm vào ngực, trẻ dùng cây chọc phá. Dù ngượng ngùng nhưng người mẫu buộc chịu đựng cho đến khi quản lý khu vực lên tiếng nhắc nhở, bảo vệ” – anh Đăng nói.
Anh Đăng tham gia hóa trang cho người mẫu trước giờ biểu diễn (Ảnh: NVCC).
Trà My chia sẻ, nghề nhân tượng rất vất vả, thế nhưng đổi lại công việc đặc biệt này cũng giúp cô có vô vàn kỷ niệm vui. Trong đó không ít lần vì quá giống tượng, khách hàng đều không tin chị là người.
“Các em nhỏ quan sát mình rất lâu. Mãi đến khi mình mỉm cười, các em mới la toáng lên, khóc lóc. Bản thân mình khi ấy vừa buồn cười, vừa thương” – chị Trà My nói.
Nghề không thể nuôi sống bản thân
Vài năm gần đây, với sự rộng mở của mạng xã hội và cái nhìn thiện cảm từ du khách, nhân tượng đã phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn. Bên cạnh việc phục vụ sự kiện, giới trẻ cũng thường xuyên trình diễn bộ môn nghệ thuật này tại các tuyến đường trung tâm, gây tò mò cho du khách.
Thế nhưng, có một sự thật, tất cả đều thừa nhận rằng bản thân không thể sống được với nghề. Mỗi đêm diễn, người mẫu sẽ nhận mức cát-xê từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. “So với công sức bỏ ra cả ngày chuẩn bị thì nó quá ít” – Hải khẳng định.
Thời gian theo đuổi đam mê, Hải đã làm thêm nhiều công việc như vũ công, người mẫu, giặt ủi (là), Trà My cũng làm thêm nghề người mẫu sự kiện. Đối với cả hai, nhân tượng chưa có chỗ đứng tại Việt Nam vì loại hình này không phổ biến, còn đang phụ thuộc vào các sự kiện, đồng thời chưa sở hữu sân chơi riêng biệt nhằm biến nó thành nghệ thuật đường phố như châu Âu.
Các nhân tượng cùng Hoa hậu Thùy Tiên trong một sự kiện doanh nghiệp (Ảnh: NVCC).
“Có người hiện đang là dân văn phòng, sinh viên, vũ công, doanh nhân… Đa phần họ đến với nhân tượng chỉ vì đam mê. Thậm chí dù đã trở về quê, là chủ của một chuỗi cửa hàng nhưng chỉ cần nghe đoàn cần là lập tức lên thành phố để theo nghề mà không cần cát-xê” – anh Hải Đăng cười.
Trong tương lai, anh Đăng mong với các nhìn rộng mở thì nhân tượng sẽ trở thành nghề có thể nuôi sống người mẫu. Đồng thời, anh sẽ tích cực tìm kiếm và đào tạo thế hệ trẻ nhằm giúp bộ môn này có chỗ đứng nhất định tại Việt Nam.