Bốn năm qua, anh Lại Minh Trí (31 tuổi ngụ tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) kiên trì với đam mê chế tác mô hình từ lon nhôm phế liệu.
Chàng trai miền Tây chia sẻ, từ bé anh đã thích mày mò tự làm đồ chơi cho mình. Đèn ông sao, đèn lồng, siêu nhân, ô tô anh đều tự làm để chơi.
Chế ve chai thành đồ “đẹp, độc, đỉnh” thành nghề kiếm cơm của chàng trai miền Tây (Clip: Bá Cường)
Tuy nhiên phải đến khi học hành xong anh Trí mới coi việc làm đồ chơi là “nghề kiếm cơm”. Anh Trí nói, đối với anh, việc chế tác mô hình là công việc tuyệt vời khi vừa có thể thỏa mãn đam mê, vừa được chủ động về thời gian, vừa kiếm được tiền để trang trải cuộc sống.
“Làm chơi thì dễ, sao cũng được, chứ làm nghiêm túc thì phải đẹp, chuẩn nên khó lắm. Lon nhôm rất dễ gãy, dễ méo mà lại khó tạo hình như mong muốn. Mình phải làm chậm, tỷ mỉ từng chút một”, anh Trí nói.
Mặt tiền mô hình Nhà hát lớn Hà Nội từ lon nhôm của anh Trí (Ảnh: Nguyễn Cường).
Anh Trí “vào nghề” bằng việc chế tác những mô hình xe ô tô, xe máy đơn giản, kích thước dưới 20cm. Dần dần, khi tay nghề cứng hơn, anh mở rộng danh sách các mô hình, nhận làm theo đơn đặt hàng của khách.
“Muốn làm mô hình một sản phẩm nào đó, mình sẽ lên mạng tìm hình ảnh, rồi thông tin về kích thước. Sau đó mình sử dụng kĩ năng đồ họa để thiết kế, chia tỷ lệ và cho ra bản vẽ.
Mọi mô hình khi làm lần đầu đều có độ khó nhất định, để các chi tiết sắc nét, đẹp, có khi phải mấy ngày mới xong. Tuy nhiên khi đã làm được một sản phẩm thì những bản sau mình làm sẽ nhanh hơn nhiều”, anh Trí chia sẻ.
Những chiếc thuyền đánh cá được anh Trí làm từ vỏ lon bia (Ảnh: Nguyễn Cường).
Sau 4 năm theo nghề, dựa vào thị hiếu của khách, anh Trí đã tạo ra hơn 50 mẫu mô hình từ xe máy, ô tô, máy bay, tàu thuyền đến nhà cửa và các loài thú vật. Sản phẩm nhỏ, đơn giản anh bán giá khoảng 50 nghìn đồng, sản phẩm lớn, phức tạp có giá vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Khách hàng của anh Trí chủ yếu là giáo viên mầm non và phụ huynh của các em nhỏ. Một số người cũng mua, đặt hàng làm quà tặng, đồ lưu niệm, đồ trang trí.
Từ ve chai, anh Trí tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo (Ảnh: Nguyễn Cường).
“Sản phẩm lớn và tâm đắc nhất của mình là mô hình Nhà hát lớn Hà Nội, dài 1,7m, ngang 1m, cao 0,8m, hoàn thành trong hơn một tháng. Sản phẩm này rất khó thực hiện, vì kích thước tổng thể rất lớn, trong khi các chi tiết thì lại rất bé.
Hình ảnh về nhà hát trên mạng chủ yếu cũng chỉ có mặt trước, thông tin về kích thước công trình không nhiều. Từ hình ảnh, mình đã thiết kế lại công trình trên máy tính. Khi thi công, mình phải dựng khung đỡ rồi mới ghép hàng nghìn chi tiết mặt ngoài để thành một sản phẩm hoàn thiện”, anh Trí chia sẻ.
Những vỏ lon bỏ đi qua bàn tay chàng trai liền trở thành đồ vật giá trị hàng trăm nghìn đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).
Chàng trai Tây đô cho biết ,hiện anh đã tự tin nhận hầu hết đơn đặt hàng theo bất kỳ mô hình nào. Không chỉ làm để thỏa mãn đam mê, anh Trí còn muốn lan tỏa thông điệp tái chế rác, bảo vệ môi trường qua từng sản phẩm của mình.
Anh Trí bên sản phẩm tâm đắc của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).