Thu nhập mơ ước… từ khi còn là sinh viên
“Xin chào mọi người, lại là Linh đây” – giọng nói lảnh lót quen thuộc được bạn Nguyễn Linh (SN 2001, ở Chương Mỹ, Hà Nội) cất lên khi bắt đầu mỗi phiên livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội.
Có ngoại hình chuẩn, khuôn mặt ưa nhìn, Nguyễn Linh đã biết tận dụng thế mạnh hình thể làm những công việc bán thời gian như mẫu ảnh. Cuối năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, bạn trẻ này tạm thời gác lại công việc làm thêm trên.
Nguyễn Linh livestream trò chuyện cùng mọi người (Ảnh: NVCC).
Thời gian học online tại nhà, Nguyễn Linh đã tận dụng nền tảng mạng xã hội khác nhau để livestream tán gẫu, chia sẻ cùng mọi người để cuộc sống bớt nhàm chán. Ban đầu, chỉ vài người đón xem, theo dõi.
“Dẫu ít người xem, nhưng em vẫn cố gắng kiên trì livestream mỗi ngày. Những phiên này, em mang đến những câu chuyện và hình ảnh tích cực, yêu đời đến với mọi người”, Nguyễn Linh tâm sự.
Bạn trẻ này cũng rất bất ngờ khi được mọi người đón nhận, theo dõi sau một thời gian miệt mài xây dựng kênh. Đây cũng chính là động lực giúp Linh cố gắng trau dồi, tìm kiếm nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn cho những phiên phát trực tiếp của mình.
Khi tài khoản được nhiều người đón nhận, và các nhãn hàng cũng săn đón cô gái này với vai trò là người livestream giới thiệu sản phẩm. Từ đây, Nguyễn Linh đã bén duyên với công việc mới nhờ các nền tảng bán hàng trực tuyến.
“Nghề streamer nổi lên như một hiện tượng khi ngày càng nhiều nền tảng thương mại điện tử chọn hình thức livestream. Qua đó, sẽ mang đến trải nghiệm mua sắm trực quan cho người dùng, đồng thời quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Livestreamer đã thực sự trở thành một nghề và được nhiều người theo đuổi.
Với em cũng vậy, làm nghề này vừa có thể làm việc, theo đuổi sở thích riêng, lại vừa có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân và kiếm thêm thu nhập ngay tại nhà”, Linh chia sẻ.
Đối tác đầu tiên của bạn trẻ này là một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu. Thay vì phải đến công sở làm việc 8 tiếng, Linh chỉ cần có mặt ở công ty vào một thời điểm nhất định để livestream giới thiệu sản phẩm.
Dù có kinh nghiệm từ trước, nhưng Nguyễn Linh vẫn gặp không ít trở ngại khi chuyển sang lĩnh vực mới. Thay vì ca hát, trò chuyện, chơi game cho người khác xem thì giờ bạn trẻ này phải tập làm quen cách giới thiệu sản phẩm sao cho thân thiện, không bị phản cảm.
Ngoại hình xinh đẹp cũng là lợi thế giúp bạn Nguyễn Linh dễ dàng chinh phục công việc livestream (Ảnh: NVCC).
Thêm vào đó, Linh cũng cần dành thời gian tìm hiểu, trải nghiệm sản phẩm mình sắp giới thiệu để đánh giá chính xác, khách quan.
Từ đây, cô gái Gen Z cũng liên tiếp nhận được những lời mời giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nhiều nhãn hàng.
Với một sinh viên, nếu làm thêm với những công việc như phục vụ, thu ngân chỉ dao động từ 20.000-25.000 đồng/giờ, thì với mỗi tiếng livestream không ít bạn trẻ có thể mang về từ 150.000-300.000 đồng, thậm chí với người có kinh nghiệm thì thù lao lên đến 800.000 đồng/giờ.
Chính vì vậy, ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Linh đã sở hữu thu nhập đều đặn hàng tháng từ 15-20 triệu đồng. Đây là mức lương mong mỏi của nhiều người đi làm lâu năm chứ không riêng gì các bạn sinh viên.
Áp lực đến mức… phải nhập viện
Để sở hữu mức lương “khủng” như vậy, bạn Nguyễn Linh cũng phải đối mặt với vô vàn áp lực.
“Đằng sau vẻ hào nhoáng trên mạng thì em phải đối mặt với áp lực tâm lý, sự xúc phạm trên không gian ảo, thậm chí đánh đổi sức khỏe bản thân”, bạn Nguyễn Linh than phiền.
Mỗi buổi tối livestream trước màn hình, Nguyễn Linh luôn mang đến gương mặt chỉn chu, xinh xắn, thần thái vui vẻ, nhiều năng lượng.
Nhưng có lần đọc được những bình luận tiêu cực, xúc phạm, bạn trẻ này đã phải tắt việc phát trực tiếp giữa chừng và ôm mặt khóc vì không thể chịu đựng được những cảm xúc đó xâm lấn.
“Lép thế, trán dô, nói chuyện nhạt thế hay nhiều tiền vậy chỉ đi làm gái”, những câu nói đó như kim găm trong đầu Nguyễn Linh và khiến bạn trẻ này phải suy nghĩ rất nhiều.
Đỉnh điểm trong lúc dịch Covid-19, cô gái này đã phải nằm viện 1 tuần bởi đã trải qua 5-6 ngày không ăn, không ngủ được vì đối diện với những áp lực.
Nghề làm dâu trăm họ
Sau thời gian dài xây dựng nội dung cho mạng xã hội tại một công ty sản xuất sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên, bạn Phạm Thị Linh Giang (SN 1998, ở Lào Cai) đã quyết định “lấn sân” sang bộ phận livestream bởi thu nhập “khủng” hơn.
Theo bạn Linh Giang, nếu phụ trách xây dựng, phát triển nội dung mạng xã hội chỉ nhận về mức lương 8-12 triệu đồng/tháng, thì với nhân viên bán hàng trên các nền tảng sẽ cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng.
Trước đây, tất cả công việc đều được thể hiện bằng con chữ, thì nay bạn trẻ này phải phát huy hết khả năng ăn nói, xử lý tình huống khi trò chuyện với khách hàng.
Bạn Linh Giang bén duyên với công việc livestream từ năm 2022 (Ảnh: NVCC).
Nếu như khung thời gian mọi người nghỉ ngơi, thì Linh Giang lại bắt đầu “lên live” để phục vụ nhu cầu mua xem trực quan của khách hàng.
Thời gian từ 9h30, 13h, 15-17h hay 19h là những lúc bạn trẻ này phải trổ tài ăn nói, giới thiệu sản phẩm khéo léo, thuyết phục được khách hàng lựa chọn sản phẩm của công ty.
Bạn Linh Giang cho biết: “Cái khó của nghề livestream là làm sao níu chân người xem cũ và thu hút người xem mới. Nghề của chúng tôi không khác gì “làm dâu trăm họ”, ngoài ra còn đòi hỏi sự khéo léo và chăm chỉ, tìm tòi đổi mới”.
Chính vì vậy, để không tạo sự nhàm chán cho khách hàng, Linh Giang phải biết phân chia sản phẩm, đưa câu chuyện nào phù hợp, mã giảm giá ra sao vào phiên phát trực tiếp.
“Không phải lúc nào cũng có nhiều người xem và đặt ra câu hỏi trong phiên. Chính vì vậy, em vừa chia sẻ câu chuyện về sản phẩm, vừa phải nhắc khách nếu đặt qua live có những ưu đãi gì so với đặt hàng bình thường. Mình xen lẫn việc giới thiệu từng sản phẩm đến khách hàng”, bạn trẻ này chia sẻ.
Khi giới thiệu sản phẩm dầu gội, những bình luận như “sao gội đầu mãi không rõ hiệu quả” khiến người livestream rất cụt hứng. Với những bạn trẻ chưa có kinh nghiệp sẽ cuống, và bỡ ngỡ. Trong tình huống này buộc Linh Giang phải bình tĩnh xử lý, đưa dẫn chứng về khách sử dụng ra sao, hiệu quả như nào.
Nếu không xử lý khéo léo, chỉ một khách hàng phản hồi không tốt sẽ ảnh hưởng đến vô vàn những vị khách đang xem live trên trang.
Nghề nghiệp không có tuổi thọ
Trong thời gian làm việc, bạn Linh Giang cũng gặp những “tai nạn” để đời khi cài đặt nhầm giá từ 400.000 đồng/1 bộ sản phẩm thành giá 1.000 đồng/1 bộ sản phẩm.
“Lượt người xem tăng đột biến, khách vào đặt hàng liên tục khiến em bị hoảng. Rất may em xử lý kịp thời, sau đó tắt live. Em có xem lại đơn thì mới khoảng 20 khách đã vào đặt, nếu đặt nhiều quá sẽ không đủ tiền bù lỗ sản phẩm”, Linh Giang nhớ lại.
Thay vì làm việc giờ hành chính như bạn bè thì Linh Giang phải livestream vào các khung giờ cao điểm, thậm chí là buổi tối. Điều này buộc Linh Giang phải biết cách sắp xếp, tổ chức giữa công việc và gia đình phù hợp.
Nghề livestream ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ thử sức (Ảnh: pexels).
Có những ngày nói liên tục trong nhiều giờ đồng hồ khiến Linh Giang bị mất tiếng. Song yêu cầu công việc, chỉ tiêu bán sản phẩm mà công ty đặt ra, buộc bạn trẻ này phải tiếp tục trong phiên phát trực tiếp.
Linh Giang nhớ lại: “Có lần đang phát trực tiếp, do nói nhiều em bị mất tiếng. Lúc này phải xin phép khách hàng cho em được uống nước và mọi người chờ em hồi sức trong 30 giây để lên “chiến” tiếp. Dù đã mệt nhưng lúc nào mình cũng phải thể hiện sự nhiệt tình, nhiều năng lượng và tạo điểm nhấn trên phiên live”.
Nói về tuổi thọ nghề này, bạn Linh Giang nêu quan điểm, nghề này sinh ra dựa trên nhu cầu của mọi người. Khi sàn thương mại điện tử, nhu cầu mua sắm trực tuyến vẫn nở rộ, thì công việc livestream vẫn luôn “hot”.
“Nghề nghiệp không có tuổi thọ, quan trọng mình thích nghi và phát triển được với nghề hay không mà thôi”, bạn Linh Giang nói.