“Bên mày làm ăn vậy mà cũng bán được à…” – vị khách hàng liên tục chửi kèm theo vô vàn lời thô tục qua điện thoại.
Vừa cúp máy, Trần Lê Thanh Tuyền (24 tuổi, ngụ TPHCM) gục xuống bàn, vừa buồn vừa uất đến mức không thể tiếp tục thêm cuộc gọi nào nữa trong ngày. Mãi đến khi đồng nghiệp động viên, cô mới chấp nhận chuyện bản thân bị la mắng là một phần của công việc để mà tiếp tục.
KPI của cô gái trẻ là nhận được 25 sự đồng ý của khách hàng trên tổng số 60 cuộc gọi. Thế nhưng, để đạt được mức đó, cô gái trẻ cho biết, bản thân cũng cảm nhận rằng chính mình đang tự căm ghét bản thân.
“Gọi cho khách liên tục vào những khung giờ nghỉ ngơi, ai chưa đồng ý thì hôm sau liên lạc thêm lần nữa…. thử hỏi nếu là mình, có khó chịu, phát bực không? Thế nhưng, nhờ những tình huống này mà mình mới thấu cái khổ của nghề, thậm chí nếu nói là ngành nghề bị ghét nhất thế giới cũng chẳng có gì sai” – Tuyền nói.
Thanh Tuyền từng ám ảnh vì vấn đề khách hàng chửi mắng khi làm nghề tư vấn viên bán hàng qua điện thoại (Ảnh: NVCC).
Bị chửi… là bài học đầu tiên
Tháng 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến Tuyền rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi thấy thông báo tuyển vị trí nhân viên bán hàng từ xa trên mạng xã hội, cô đã lập tức nộp hồ sơ.
Ban đầu, cô gái trẻ vẫn mơ mộng về một công việc có thể kiếm tiền ngay giữa thời điểm khó khăn, đồng thời hoàn toàn chủ động thời gian, không gian làm việc.
Trải qua vài ngày đào tạo, Tuyền được giao cho danh sách hơn 100 số điện thoại cùng với KPI là nhận được 25 sự đồng ý/ngày. Để đảm bảo đúng tiến độ, cô gái trẻ đã làm việc liên tục 8 tiếng đồng hồ, đồng thời tự nhốt mình trong căn phòng hoàn toàn cách âm để bố mẹ không nghe thấy lời khách hàng mắng chửi.
“Ban đầu mọi chuyện dễ dàng, mình cũng cảm nhận đã nâng cao được kỹ năng ăn nói, thuyết phục khách hàng. Có cuộc gọi chỉ cần 1 phút khách đã đồng ý, lâu hơn thì 3-4 phút. Thế nhưng bạn cứ nghĩ suốt nhiều tháng chỉ có ngồi, nghe, và nhận tiếng khách hàng quát đến điếc cả tai, không dám nghỉ ngơi vì sợ KPI… thì nó kinh khủng đến mức nào?” – Tuyền nói.
Đối với ngành telephone sale, việc bị chửi mắng đã trở thành chuyện bình thường (Nguồn ảnh: Pexels).
Tương tự, chị Võ Thị Nhị (31 tuổi, chuyên viên tư vấn bất động sản tại TPHCM) cũng gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu vào nghề. Theo đó, thời điểm là nhân viên mới, đối với chị, salephone là kênh tiếp cận khách hàng dễ dàng và quan trọng nhất.
Hàng ngày, chị thường lựa chọn khung 9h-11h và 14h30-16h30 để bắt đầu tư vấn khách hàng. Số điện thoại bên cạnh được chủ đầu tư dự án cung cấp, chị phải bỏ tiền túi mua thêm data (số điện thoại của khách hàng) từ các nguồn khác nhau.
“Làm nhân viên bán hàng qua điện thoại bạn sẽ phải gặp 3 đối tượng. Thứ nhất là người quan tâm. Thứ hai không quan tâm nhưng nói chuyện dễ thương. Còn thứ ba, đúng đối tượng khó chịu thì họ sẽ tắt máy ngang, thậm chí buông những câu rất nặng lời, chửi mắng cả bạn và gia đình”, Nhị than thở.
Ban đầu, mỗi lần gặp khách hàng như vậy, tâm trạng của Nhị lại tụt thê thảm và nghĩ đến chuyện sẽ bỏ nghề sale. Thế nhưng, sau khoảng thời gian “sống chung với lũ”, chị đành chấp nhận đó là phần vốn có của những cuộc gọi đi.
“Phải nói giờ là chai lì cảm xúc hoàn toàn. Nếu khách bắt đầu nặng lời, mình nhận ra và sẽ nhanh chóng tắt máy ngay. Sau đó, mình tìm công việc hoặc một đối tượng khác để quên đi…” – chị Nhị nói.
Đối với chị Nguyễn Hằng (28 tuổi, ngụ Bình Định), chuyện bị khách chửi mắng là bài học đầu tiên mà mỗi telephone sale cần trải qua. Trong đó, một phần do công ty bắt buộc, một phần do đối tượng không có nhu cầu nhưng vì doanh số nên nhân viên hoàn toàn không thể bỏ qua, thậm chí là liên hệ nhiều lần.
“Riêng ở công ty mình có nguyên tắc phải đến lần thứ 3 khách phản ứng, chửi mới được bỏ qua. Có nhiều lúc ra ngoài gặp bạn bè mình còn không dám nói tên công ty vì rất nhiều thêu dệt về câu chuyện cho vay như tụi mình là thuộc băng nhóm xã hội đen, ăn lời cắt cổ…” – chị Nguyễn Hằng nói thêm.
Nhiều bạn trẻ không khỏi stress vì lần đầu gặp tình huống khó khăn trong quá trình thuyết phục (Nguồn ảnh: Pexels)
Những tình huống “dở khóc dở cười”
Đối với Thanh Tuyền, nghề bán hàng qua điện thoại chịu rất nhiều áp lực. Trong đó, việc giao tiếp khách hàng chỉ là bề nổi. Nhiều tư vấn viên như cô buộc phải bỏ nghề còn do áp lực doanh số hàng tháng, thời gian nói chuyện và sự áp đặt của lãnh đạo.
Cô gái trẻ nhớ có lần chỉ vì quên nhắc tới số hotline (đường dây nóng – PV) của công ty 3 lần, cô đã bị nêu thẳng tên trong group làm việc chung của hàng trăm nhân viên với lời lẽ vô cùng nặng nề.
“Sau đó, mỗi khi ngủ mình thường xuyên mơ thấy ác mộng khi nghĩ đến KPI và sếp dí, thậm chí có khách hàng còn chửi mắng trong cả giấc mơ. Nhưng từ đó, mình luôn cố gắng vươn lên đạt 45 “say yes” (khách đồng ý – PV) nhiều ngày liên tục thay vì 25 như KPI ban đầu đã thỏa thuận với công ty” – Tuyền nói.
Đối với Tuyền, chính đối tượng khách khó chịu nhưng vẫn thuyết phục được là một sự thành công (Ảnh: NVCC).
Đối với cô gái trẻ, ban đầu khách hàng nghe tới dịch vụ của công ty đã đưa ra những lời lẽ thô tục. Tuyền hiểu tâm lý rằng họ phải nghe các cuộc gọi “rác” làm phiền nên ứng xử như vậy cũng dễ hiểu. Vì vậy cô vẫn tiếp tục đứng ra thuyết phục thêm 15 phút.
“Chị ấy chửi để xả hết cơn tức rồi mới nói tới mong muốn của bản thân. Mình từ từ viết lại rồi phản hồi từng ý một. Ngay sau đó chị ấy liền lập tức đồng ý, thậm chí có phần ngượng ngùng khi ứng xử thô thiển lúc ban đầu. Những lần gặp ca khó mà kết thúc đẹp như vậy mang lại cho mình cảm giác chinh phục tuyệt vời lắm” – Tuyền kể.
Khó khăn nhất từ nhân viên tư vấn bất động sản hiện nay là có rất nhiều dịch vụ và cuộc gọi các công ty khác nhau khiến khách hàng thường dị ứng và cúp máy ngay từ câu đầu: “Em chào anh chị ạ!”.
“Có người nặng lời bảo luôn rằng: “Bớt làm phiền”, “Tụi bay rảnh quá vậy”… Sau này, mình may mắn hơn vì qua thời gian biết kết thân với những khách hàng quen thuộc đã có nhu cầu, tạo cho họ thêm các ưu đãi nên dễ dàng tiếp cận và mở rộng thêm được khách hàng thông qua việc họ giới thiệu bạn bè” – chị Nhị nói.
Nghề telephone sale còn mang lại kỹ năng thuyết phục, tính nhẫn nại, nỗ lực giải quyết khiếu nại khách hàng (Nguồn ảnh: Pexels).
Telephone sale có đáng bị gọi là nghề đáng ghét nhất?
Trước những chuyện “dở khóc dở cười” trên, nhiều người cho rằng telephone sale là ngành nghề bị ghét và nhận lời chửi mắng nhiều nhất. Nói về vấn đề này, Thanh Tuyền hoàn toàn đồng ý, bởi cô gái trẻ cũng tự nhận mình đã làm phiền người khác vào những khung giờ nghỉ ngơi. Vì vậy, hơn 3 tháng sau, cô gái trẻ quyết định viết đơn xin nghỉ việc.
Thế nhưng, đối với Tuyền, khoảng thời gian trở thành tư vấn viên cũng giúp cô học hỏi kỹ năng thuyết phục cũng như sự kiên nhẫn. Cô gái trẻ chia sẻ, nếu nhân viên sale giữ được sự bình tĩnh, kiên trì để hoàn thành KPI thì kết quả nhận được hoàn toàn xứng đáng. Đồng thời, mọi người nên lựa chọn loại hình dịch vụ, công ty phù hợp với nhu cầu khách hàng và kỹ năng bản thân để dễ dàng tiếp cận hơn.
“Phải thẳng thắn rằng chúng ta đi bán hàng nên cần chú ý cả cách nói chuyện như thế nào nữa. Nếu bạn là người biết lắng nghe, biết cách khơi gợi để cho khách nói thì hoàn toàn có thể lật ngược tình thế” – Tuyền nói.
Theo quan điểm của mỗi cá nhân, việc bị gọi telephone sale là nghề đáng ghét nhất cũng có thể đúng hoặc sai (Nguồn ảnh: Pexels).
Chị Nguyễn Hằng chia sẻ việc nói “nghề telephone sale đáng ghét nhất” là hoàn toàn không sai, nhưng nó cũng có 2 mặt.
“Người không cần nói vậy nhưng công ty mình cho vay tiền, lãi suất thấp hơn bên ngoài nên trong hoàn cảnh khó khăn, đây có thể là kênh giúp được người thực sự có nhu cầu. Đồng thời, khi khách hàng chấp nhận công ty mới làm hồ sơ, hoàn toàn có sự thỏa thuận rõ ràng về pháp lý nên không có gì lừa gạt, dối trá. Nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực này, bản thân sẽ thoải mái hơn” – chị Hằng nói.
Chị Võ Thị Nhị cho biết, khách hàng thấy bị làm phiền và bức xúc với telephone sale là điều bình thường. Thế nhưng, chị không làm điều gì sai trái để bị gọi là ghét. Ngay sau đó có nhiều người nhận thấy mình lỡ lời còn đứng ra xin lỗi và thông cảm hơn cho nghề nghiệp của chị.
“Chính tụi mình đã cung cấp thêm thông tin hữu ích đến đúng khách cần và dẫn đến những cú chốt đơn thành công. Bằng chứng là trong gần 6 năm làm tư vấn bất động sản, mình vẫn chọn kênh marketing chính là salephone, và có nhiều cuộc thương thảo nhất” – chị Nhị nói.