Tại sao phải làm 1 lúc 2 việc?
Cuối năm 2020, Lê Ngọc khi đó đang làm nhân viên trong một ngân hàng ở TPHCM. Cô cũng đang làm mẹ bỉm sữa với đứa con gái hơn 2 tuổi. Công việc giờ hành chính ở ngân hàng mỗi tháng cho Ngọc thu nhập khá. Mẹ trẻ không khó khăn về mặt tài chính.
Tuy nhiên, vốn là một sinh viên từng học 1 lúc 2 chuyên ngành ngân hàng và kế toán tại trường đại học Kinh tế, Ngọc luôn muốn được thử sức trong lĩnh vực kinh doanh.
Có dịp một lần được bạn mời món bánh chuối nướng bơ, Ngọc thấy ngon và tìm tòi công thức làm thử cho gia đình thưởng thức.
Chồng tôi khi đó nửa đùa nửa thật: ‘Bánh ngon sao em không thử bán xem thế nào”
Qua giai đoạn khởi nghiệp khó khăn, hiện tại bà mẹ trẻ lui về điều hành 2 cửa hàng bánh chuối của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Giai đoạn đầu Ngọc tự làm và nướng bánh tại nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tự nhận bản thân cần phải học hỏi nhiều ở phần nữ công gia chánh, Ngọc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ khởi nghiệp trong ngành thực phẩm. Sau gần 4 tháng với khoảng 200 chiếc bánh nướng được làm ra đem tặng bạn bè, Ngọc nhận lại phản hồi tốt nên mạnh dạn thử kinh doanh. Khách hàng ban đầu là những người ở chung cư nơi cô sống, bạn bè, người quen.
Với tinh thần “vượt sướng khởi nghiệp”, Ngọc mua lò nướng cũ, vài dụng cụ làm bánh cơ bản và tìm chỗ mua nguyên liệu giá tốt. Ngọc không theo học bất kỳ khóa dạy nấu ăn nào. Giáo viên của cô là những video trên mạng. Cô xem nhiều cách làm, thử nghiệm lần lượt rồi chọn ra công thức riêng cho mình.
Mỗi ngày, sau giờ làm hành chính ở ngân hàng về, Ngọc lo cơm nước cho gia đình xong thì bắt đầu làm bánh đến nửa đêm. Ban đầu, mỗi lần Ngọc làm khoảng 2 -3 cái, trữ lạnh bán trong tuần.
“Có khi vài ngày mới bán được 1 cái”, Ngọc nhớ lại.
Được khoảng vài tháng, Ngọc nhận thấy khách hàng không tăng trong khi mua nguyên liệu ít sẽ không được giá tốt nên tìm cách đẩy nhanh số lượng bán ra. Cô thử đăng ký bán trên các sàn thương mại điện tử. Vào các trang bán sản phẩm tương tự xem cách họ viết bài, chụp ảnh, quảng cáo rồi làm theo.
Ngọc thử khách dùng bánh ở hội chợ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dù có việc làm ổn định, vẫn cống hiến và được ghi nhận ở ngân hàng nhưng Ngọc vẫn mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn nữa. Khi tự tạo ra một cửa hàng là đứa con tinh thần, tự bản thân sẽ tìm cách từ việc mua nguyên liệu, tìm công thức, làm bánh, cách bán hàng… để phát triển mỗi ngày. Bản thân phải tự làm nhiều việc. Khác hẳn với những công việc lặp lại ở ngân hàng, Ngọc chỉ là 1 bộ phận nhỏ trong bức tranh lớn.
Ban đầu, việc khởi nghiệp của cô bị ba mẹ hai bên bàn ra vì thấy con vất vả. Người duy nhất luôn ủng hộ, đồng hành là chồng. Dù bận rộn với công việc kinh doanh riêng nhưng anh vẫn đồng hành cùng vợ định hướng phát triển công việc mỗi ngày.
Bí quyết thành công
Khó khăn nhất với Ngọc trong giai đoạn đầu đó là phải sắp xếp thời gian, đảm bảo làm việc tốt công việc chính vào ban ngày. Có thời gian lo cho gia đình mà vẫn đảm bảo học hỏi, tìm hiểu để phát triển bếp bánh.
“Mình có công việc, có con nhỏ, thời gian thì có hạn, mọi hoạt động đều phải được quản lý một cách nghiệm ngặt. Ban đầu sẽ có chút hỗn loạn trong việc sắp xếp các hoạt động như vừa chuẩn bị làm bánh thì có khách đặt, thời gian đầu mình phải tự đi giao hàng… nên có đôi khi phải thức khuya thêm một chút”, Ngọc chia sẻ.
Từ việc vài ngày mới bán được 1 bánh đến mỗi ngày 3 bánh. Sang tháng thứ 3, Ngọc bán được mỗi ngày 10 bánh. Cứ thế tăng dần cho đến khoảng nửa năm thì đã có đơn sỉ. Dù có sự hỗ trợ của người thân nhưng cô biết mình không thể kham nổi nữa nên nghĩ đến việc tìm nhân viên, chuyển giao quy trình và lùi về sau điều hành.
Khó khăn ban đầu là nhân viên không làm đúng theo ý Ngọc. Chiếc bánh hình tròn sau khi gói lại mang cho khách thành méo xẹo. Nhân viên nướng không đủ nhiệt, chuối tái không có màu đỏ đẹp… Ngọc phải mất thêm một thời gian đồng hành cùng nhân viên để tạo một quy chuẩn làm việc ổn định hơn. Đồng thời phải ghi nhận phản hồi khách hàng liên tục, phát hiện sai sót và nhanh chóng khắc phục.
Ngọc từng ăn thử bánh chuối ở nhiều tiệm, thử hàng chục công thức trước khi có cách làm riêng cho mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hiện tại, Ngọc đã có 1 bếp bánh với 2 cửa hàng bán lẻ tại quận 1 và quận Bình Thạnh. Mỗi tháng bán được 1.000 cái bánh chuối bơ nướng, thu về gần 100 triệu đồng. Nhưng không dừng lại ở đó, Ngọc vẫn nung nấu ước mơ đưa món bánh chuối đặc sản Việt Nam được phục vụ trên những chuyến bay, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bà mẹ trẻ, trong khởi nghiệp nếu có cơ hội thì phải nắm bắt, không nên chần chừ. Nhiều bạn có ý tưởng xuất sắc nhưng không dám bắt đầu thì không có cơ hội thành công. Nếu sợ rủi ro thì phải biết lượng sức mình, chưa biết thì học, sai thì phải sửa chữa thật nhanh. Nếu chưa có ý tưởng đột phá thì bắt chước người đi trước cũng là một cách.
Dù thường đùa vui việc khởi nghiệp là đam mê nhưng với Ngọc, thước đo thành công vẫn doanh thu. Không ai vì đam mê, biết lỗ mà vẫn đâm đầu làm mãi.
Thành phẩm bánh chuối nướng bơ trong giai đoạn mới khởi nghiệp của Ngọc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhiều người thấy Ngọc khởi nghiệp khi đã có công việc chính ổn định nghĩ rằng cô cần tiền nhưng thu nhập chỉ là một phần. Đơn giản, Ngọc muốn tận dụng mọi thời gian rảnh tạo nên giá trị.
Giá trị của Ngọc là món bánh chuối nướng bơ sử dụng nguyên liệu chính là chuối, loại trái cây thuần Việt Nam giá rẻ, bổ dưỡng, thành phẩm làm ra thơm ngon. Mỗi tháng cô dùng khoảng nửa tấn chuối, tự hào vì góp phần tiêu thụ nông sản Việt.
Thứ hai là thay vì để thời gian lãng phí trôi qua, cô tự tạo thêm công việc cho mình và cho 3 nhân viên của cô.
Ngọc là người thích làm từ thiện, tuy nhiên ngày trước chưa có nhiều cơ hội chia sẻ đến hoàn cảnh khó khăn. Từ khi khởi nghiệp thành công, mỗi tháng cô đều trích lợi nhuận đến quỹ Bông sen với bếp ăn 2.000 đồng hỗ trợ người nghèo. “Đó là giá trị thứ 3 mà tôi đạt được”, bà mẹ trẻ nói.