Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất. Ảnh: VGP
Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.
Báo cáo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho biết: tính đến ngày 16/5/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo nhấn mạnh: Mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản của hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn khi 3 động lực tăng trưởng suy yếu; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Về lãi suất, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, trong tháng 3, tháng 4, tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành với mức 0,5-1,5%.
lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) bày tỏ đồng thuận, tán thành cao với các phân tích, giải pháp Ngân hàng nhà nước đề xuất. Các ngân hàng cũng báo cáo thêm về vấn đề giải ngân gói hỗ trợ 2%, gói 120.000 tỷ, kết quả tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm;…
Các ngân hàng khẳng định sẽ tiếp tục chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn với tinh thần “doanh nghiệp sống sót, ngân hàng mới sống sót”. Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục “chắt chiu”, tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Các ngân hàng đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện chỉ đạo về giảm lãi suất đầu vào; giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo,… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn rủi ro hệ thống, trục lợi chính sách;… Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ưu tiên cho các dự án trọng điểm; chấn chỉnh các nhà thầu yếu kém;…