Nếu không thể nghỉ việc, hãy để việc ở lại hạnh phúc hơn

TTCT – Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa những người duy trì một công việc từ năm cũ sang năm mới và những ai nghỉ việc vào năm ngoái là một bên đã tìm được cách để hạnh phúc với việc mình làm, một bên vẫn đang loay hoay.


Ảnh: Havard Business Review

Ảnh: Havard Business Review

Đầu năm nay, phóng viên tờ The New York Times thăm lại một số độc giả từng chia sẻ với tờ này về quyết định nghỉ việc của họ trong “cuộc bỏ việc quy mô lớn” (The Great Resignation).

Bắt đầu ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới vào khoảng mùa xuân 2021, cuộc bỏ việc quy mô lớn được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu chăm sóc các thành viên trong gia đình, mong muốn sắp xếp công việc linh hoạt hơn, phù hợp hơn với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, cũng như tác động của tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Mỗi người mỗi cảnh

Theo The New York Times, nhìn chung rất khó khái quát được mức độ hạnh phúc hiện tại của những người đã tham gia làn sóng nghỉ việc. Một số cảm thấy nhẹ nhõm sau khi “đường ai nấy đi” với công việc khiến họ không hài lòng, vài người gặp phải rắc rối tài chính, số khác thì hối hận về quyết định của mình và cảm thấy không chắc chắn về tương lai.

Nằm trong số những người có cảm xúc lẫn lộn về quyết định này, Jim Walker, 53 tuổi, đã bỏ lại hàng chục năm gắn bó với công việc mục sư để trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do – một nghề mang lại sự tự do dịch chuyển và thoải mái khám phá những địa điểm mới. Dù cho biết đổi nghề hướng dẫn viên khiến ông “như cá gặp nước” và tiếc rằng đã không làm vậy sớm hơn, Walker cũng đang cân nhắc tìm một vị trí lâu dài ở công ty lớn để được trả nhiều tiền hơn.

Cựu mục sư chia sẻ: “Tôi có tận hưởng năm vừa qua không? Tất nhiên là có. Công việc hiện tại có thật sự phù hợp với tôi không? Rõ ràng công việc này rất tốt. Nhưng có lẽ trong 10 năm tới, tôi không chắc mình còn làm công việc này không. Khó nói lắm”. Walker phải thừa nhận một thực tế rằng lý do mà ông có thể tận hưởng lối sống hiện tại, không phải chi nhiều khoản tiền lớn mỗi tháng là nhờ vào việc sống ở nhà anh trai.

Cũng phải nhờ người thân như Walker, chỉ 10 tháng sau khi bỏ công việc cũ tại một tổ chức phi lợi nhuận, Ana del Rocío quay lại công sở làm chánh văn phòng cho chị gái cô, một dân biểu Đảng Dân chủ ở bang Oregon. 

Bước sang năm 2023, Rocío cũng ra tranh cử cho một ghế hội đồng địa phương. Là một bà mẹ đơn thân 36 tuổi với hai con nhỏ, Rocío chưa bao giờ nghĩ rằng mình phù hợp theo đuổi nghiệp chính trị nếu không có gần 10 tháng gián đoạn công việc để phát triển mối quan hệ lành mạnh hơn với con cái, vượt qua tình trạng kiệt sức và nhận ra những vấn đề mình thật sự quan tâm.

Gần gấp đôi số tuổi của Rocío, Susan Woodland không ngần ngại rời vị trí quản lý bộ sưu tập tại một bảo tàng ở thành phố New York (Mỹ) vào tháng 5-2020, chỉ sống dựa vào hai khoản tiết kiệm và đầu tư. Tình hình tài chính hơi eo hẹp, cộng với lạm phát khiến bà phải rút tiết kiệm nhiều hơn mỗi tháng, nhưng bà vẫn xoay xở tốn ít chi tiêu hơn so với khi làm việc toàn thời gian. 

Woodland cho biết bà đã tìm thấy ý nghĩa khi dành thời gian theo đuổi sở thích của mình, vạch ra một dự án viết trong tương lai và làm tình nguyện cho một phòng khám sản khoa ở địa phương. Bà chia sẻ: “Thay vì tập trung 100% thời gian cho bản thân, tôi muốn thử làm những điều thực sự có giá trị cho mọi người”.

Trong khi đó, Rachel Sobel, 53 tuổi, lại là một trường hợp “cá chép vượt vũ môn”. Sau khi thôi làm giám đốc truyền thông cho một công ty bảo hiểm y tế ở Chicago, bang Illinois (Mỹ), Sobel gặp khó khăn về tài chính vì trần nhà bị hư, cần sửa chữa gấp. 

May mắn thay, công việc viết lách tự do mà lúc đầu cô cho là tạm bợ mang đến cho cô thu nhập gần bằng khoản lương toàn thời gian khi trước, dù giờ đây cô chỉ làm 30 tiếng mỗi tuần. Điều này tương đương với việc có nhiều thời gian hơn để tự chăm sóc bản thân. Sobel cũng chuẩn bị thành lập một nhóm viết sáng tạo do chính cô điều hành.

Ở vài trường hợp khác, bạn đọc chia sẻ với The New York Times rằng họ phải chật vật tính toán để trang trải mọi thứ.

Ảnh: babbelforbusiness.com

Ảnh: babbelforbusiness.com

Hạnh phúc trong tay

Tuy nhiên, nghỉ việc không phải là cách duy nhất để tìm thấy hạnh phúc trong công việc, chưa kể dù muốn nhưng chưa thể nghỉ vì gánh nặng áo cơm, nghĩa vụ gia đình. Vậy thì ít nhất hãy để việc đi làm mỗi ngày bớt đau khổ, tác giả Rachel Feintzeig viết trong bài “Làm sao để hạnh phúc hơn trong công việc năm 2023” cho tờ Wall Street Journal.

Theo tác giả, những ai đang tìm kiếm sự hài lòng với công việc trong năm nay trước hết cần tập trung vào các giá trị và sở thích của bản thân. Có thể tham khảo câu chuyện của Katie Baxter, người có 14 năm kinh nghiệm làm việc tại Firmidable, một công ty tiếp thị ở New Orleans, bang Louisiana.

Những năm gần đây, Baxter liên tục có cảm giác như đang ở dưới một cái hố sâu 3 mét toàn công việc là công việc trong bối cảnh nhân viên công ty bị thay đổi và cô phải choàng gánh trách nhiệm của người khác. Trong lúc cân nhắc quyết định nghỉ việc, Baxter lập ra một danh sách những gì cô thích, những gì cô ấy giỏi và những gì cô không thích trong công việc, rồi tự tay thay đổi cán cân của các nhiệm vụ.

Cô ưu tiên lấp những khoảng trống trên thời gian biểu hằng tuần với công việc huấn luyện nhân viên mà cô yêu thích, đồng thời đề nghị công ty chia đều các nhiệm vụ phát sinh áp đặt lên vai cô với các nhân viên khác. 

Cô đưa ra yêu cầu ra ngoài 30 phút mỗi ngày và đón con lúc 3h chiều mỗi thứ sáu. Những điều nhỏ nhặt như chuyển bàn làm việc sang đối diện cửa sổ cũng giúp cô thay đổi tâm trạng tích cực hơn. “Có rất nhiều phần tôi thích trong công việc của mình nhưng tôi từng không nhìn thấy chúng. Tất cả tùy thuộc vào tôi” – Baxter đúc kết.

Theo Feintzeig, nhiều người lo ngại việc rạch ròi và đặt ra nhiều yêu cầu với sếp như cách Baxter làm sẽ mang lại nhiều rủi ro, nhưng thật ra mọi thứ không nghiêm trọng đến vậy và nhân viên có nhiều quyền tự chủ hơn họ tưởng. Trong trường hợp của Baxter, cô đã chứng minh qua hiệu quả làm việc ổn định.

Sự rạch ròi sẽ tạo nên cân bằng giữa làm việc và cuộc sống cá nhân, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc trong công việc. Ngoài ra, cần đặt ra những kỳ vọng thực tế cho công việc và không so sánh bản thân với người khác, mà phải tập hài lòng hơn với hiện tại.

Một khía cạnh quan trọng khác là phát triển mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và người quản lý. Mối quan hệ bền chặt với những người khác tại nơi làm việc có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cách cảm nhận về công việc.

Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cũng rất quan trọng, vì công việc có thể trôi chảy hơn khi bản thân thật sự sẵn sàng về mọi mặt. Wall Street Journal đề xuất những hoạt động sau giờ làm tùy theo sở thích như tham gia các câu lạc bộ chạy bộ, chăm sóc vườn – nơi mọi người không quan tâm đến chức danh công việc của nhau.

Tóm lại, cần một quá trình tự suy nghĩ và hành động để điều chỉnh công việc phù hợp với các giá trị và sở thích của bản thân.

Simone Stolzoff, tác giả một quyển sách sắp ra mắt về công việc và cuộc sống, nhận định: “Nếu chúng ta mong đợi công việc của mình luôn hoàn hảo, thì đó chỉ là một điều phi thực tế”.

Tuy nhiên, Wall Street Journal nhắc nhở bạn đọc rằng công việc chỉ là một tấm séc trả lương cho phép ta sống cuộc sống của mình bên ngoài công sở. Nếu sau khi đã dành thời gian điều chỉnh tư duy và cách làm việc nhưng không có hiệu quả, đồng thời cơ hội mới xuất hiện, hãy nghỉ việc.■

Một làn sóng nữa?

Trong khi nhiều người cho rằng làn sóng nghỉ việc đã qua đi, một số đơn vị dự đoán làn sóng thứ hai sẽ đến trong năm nay, bởi cuộc mưu cầu hạnh phúc trong công việc vẫn tiếp tục trên toàn cầu.

Số liệu gần đây nhất từ Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy 4,2 triệu nhân viên tự nguyện rời bỏ vị trí của họ vào tháng 11-2022, gần bằng mức cao kỷ lục 4,53 triệu cùng kỳ năm trước đó.

Kết quả một cuộc khảo sát hơn 2.000 nhân viên ở Mỹ do mạng xã hội công việc LinkedIn thực hiện hồi tháng 12 cũng phản ánh xu hướng tương tự. Bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng sa thải hàng loạt gần đây tại các công ty công nghệ lớn, khoảng 61% người tham gia thể hiện nguyện vọng nghỉ việc trong năm nay.

Bên kia Đại Tây Dương, trang HRnews của Anh cho biết công ty chuyên cung cấp phúc lợi nhân viên Unum UK dự đoán có tới 1/5 lực lượng lao động ở vương quốc này sẽ tìm kiếm một công việc mới trong năm nay với mong muốn đạt được mức lương cao hơn và phúc lợi tốt hơn.