Trong 2 ngày 14 -15/4, tại TP Đà Nẵng, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm.
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH khu vực miền Trung, lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Hội nghị nhằm thông tin chi tiết về các định hướng của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực việc làm và các nhiệm vụ mà Cục Việc làm đang triển khai thực hiện. Thông qua hội ghị nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu khai mạc hội nghị
Theo ông Bình, hội nghị cũng là dịp để tạo sự gắn kết, hiểu nhau hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan báo chí, từ đó có những trao đổi, chia sẻ thực chất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về chính sách việc làm. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Việc làm cũng thông tin, chia sẻ về một số nhiệm vụ của đơn vị, những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện quản lý lao động trong nước và quản lý lao động nước ngoài, quản trị thị trường lao động, xây dựng chính sách việc làm, BHTN,…Ông Bình mong các cơ quan báo chí, truyền thông hiểu rõ mục tiêu, mục đích của việc xây dựng các chính sách việc làm, BHTN, cấu trúc vận hành, phân tầng của thị trường lao động, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công; đồng thời tìm hiểu, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, hiệu quả của các địa phương khi triển khai thực hiện chính sách việc làm, qua đó truyền thông, phản ánh kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tại hội nghị, đại diện Cục Việc làm đã thông tin một số nội dung liên quan đến Dự án Luật Việc làm sửa đổi; một số vấn đề về chính sách việc làm; việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2022 – 2025; chính sách BHTN và tình hình thực hiện, những định hướng lớn về chính sách BHTN trong thời gian tới; các hoạt động hỗ trợ kết nối và vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Đại biểu tham gia hội nghị
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã có những tham luận, trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn định hướng của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực việc làm, BHTN. Diễn giả Nguyễn Trung Chính, nguyên Quyền Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội cho rằng, việc làm là lĩnh vực rất rộng, có tính đan xen và liên quan đến nhiều lĩnh vực đặc biệt là về pháp luật, thể chế cũng như tổ chức thực hiện.
Trong một xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, làm thế nào để truyền thông lĩnh vực việc làm vừa bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa tạo được sự hấp dẫn và lan toả vẫn là một thách thức đòi hỏi sự sáng tạo trong phương thức thể hiện tác phẩm của người làm báo cùng cơ quan báo chí. Truyền thông về chính sách, thực hiện các chính sách việc làm thường khô khan và thiếu hấp dẫn, trong nhiều trường hợp chưa phản ánh những vấn đề cốt lõi, cập nhật của chính sách việc làm. Điều này làm cho việc truyền thông về lĩnh vực việc làm chưa thực sự hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân là sự trao đổi nội dung giữa cơ quan chủ quản và người làm truyền thông báo chí chưa thường xuyên.
Theo báo cáo của Cục Việc làm, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề, có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực (bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập,…). Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022 với các chính sách, giải pháp đồng bộ của nhà nước, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người (tăng 88,7 triệu người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động dần được cải thiện. Số lao động có việc làm tiếp tục tăng, đến quý I năm 2023, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực. Thu nhập của người lao động được cải thiện. Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Về BHTN, trong năm 2022, các Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 22,7% so với năm 2021, trong đó có 975.333 người có quyết định hưởng TCTN. 3 tháng đầu năm 2023, cả nước có 146.000 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người), trong đó có 128.460 người có quyết định hưởng TCTN.
Năm 2022 trên cả nước có 2.225.758 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN; có 21.825 người được hỗ trợ học nghề, tăng 18,8% so với năm 2021. 3 tháng đầu năm 2023, có 347.089 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; có 4.237 người được hỗ trợ học nghề.