Với điểm SAT 1600, IELTS 8.0, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa, Vũ Quốc Trung chinh phục đại học khai phóng hàng đầu nước Mỹ với mức hỗ trợ tài chính 6,8 tỷ đồng cho 4 năm học.
Quốc Trung, 18 tuổi, học sinh lớp 12A1, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận tin trúng tuyển Colby College hồi cuối tháng 3.
Nằm ở bang Maine, ngôi trường này thuộc top 25 đại học khai phóng của Mỹ, theo US News & Report. Colby cũng được mệnh danh là “Ivy thu nhỏ”, tỷ lệ chấp nhận cho khóa 2027 (tốt nghiệp năm 2027) khoảng 6% trong tổng số gần 18.000 hồ sơ ứng tuyển. Trên website, trường cho biết đây là tỷ lệ cạnh tranh cao nhất trong lịch sử của mình.
Ngoài ra, nam sinh trúng tuyển và nhận hỗ trợ mức 20.000 – 35.000 USD mỗi năm ở nhiều đại học khác của Mỹ và Australia.
“Em chọn theo học ngành Khoa học máy tính trong lĩnh vực môi trường của Colby và đặt mục tiêu tham gia chương trình liên kết đào tạo kỹ sư của trường và Dartmouth College (đại học thuộc nhóm Ivy League)”, Trung nói.
Sau khi trừ hỗ trợ tài chính, gia đình nam sinh cần đóng thêm khoảng 15.000 USD (350 triệu đồng) mỗi năm.
Vũ Quốc Trung trong khuôn viên THPT chuyên Ngoại ngữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trung nói ước mơ du học nhen nhóm từ những năm cấp hai. Ban đầu, em muốn đi Australia vì thấy môi trường trong lành và cảnh quan đẹp. Vào cấp ba, Trung bắt tay chuẩn bị hồ sơ du học từ cuối lớp 10. Khi có nhiều thông tin hơn, nam sinh quyết định nhắm đến nước Mỹ, cho rằng đây là môi trường để phát triển tốt nhất.
Du học Mỹ cần điểm bài thi chuẩn hóa SAT, IELTS, điểm trung bình học tập (GPA) cao, các hoạt động ngoại khóa và bài luận. Ngoài ra, để tăng cơ hội, Trung theo học hai môn AP (chương trình dự bị đại học Mỹ) là Toán giải tích và Khoa học máy tính. Với khối lượng công việc cần chuẩn bị lớn, Trung ngay từ đầu đã tính toán để sắp xếp mọi thứ thật khoa học.
“Em tập trung hè lớp 10 và đầu năm lớp 11 phải thi xong SAT, sau đó ba tháng thi IELTS, cuối năm lớp 11 tập trung thi hai môn AP. Tóm lại, em không dồn nhiều việc vào một thời điểm”, Trung nói. Theo nam sinh, nếu thi SAT, AP cùng vào tháng 5, trùng lịch thi cuối kỳ thì hiệu quả sẽ không cao.
Là học sinh chuyên tiếng Anh, Trung không gặp nhiều khó khăn với các bài thi chuẩn hóa quốc tế. Nam sinh tập trung nhiều vào phần Reading (Đọc), trau dồi vốn từ và luyện đề. Thời gian đầu ôn thi, Trung làm từng bài, không giới hạn thời gian để luyện tư duy rồi mới chuyển sang làm các bài thi thử như thật. Với điểm SAT 1600/1600, Trung trở thành người hiếm hoi đạt điểm tuyệt đối bài thi này ở Việt Nam.
Song song với đó, Trung không lơ là để duy trì điểm GPA trên lớp. Khi làm hồ sơ, điểm GPA của nam sinh đạt 9,4. Trong hai bài thi AP, Trung đạt điểm tuyệt đối 5/5 ở môn Toán giải tích, bài còn lại đạt 4/5 điểm.
Tuy nhiên, Quốc Trung nhìn nhận để thuyết phục các đại học top đầu Mỹ, yếu tố quan trọng nhất cần tập trung là hoạt động ngoại khóa và bài luận.
Ngày còn nhỏ, Trung thích lắp lego, tìm hiểu các loại xe ô tô và đặc biệt thích thú với các con số. Vì thế, dù học lớp chuyên Anh, nam sinh vẫn muốn theo đuổi ngành khoa học, kỹ thuật khi du học.
Tranh thủ những kỳ nghỉ hè, Quốc Trung tham gia nghiên cứu khoa học với mối quan tâm về môi trường và các vật liệu mới. Em là đồng tác giả của hai bài báo tổng quan về: “Nghiên cứu về pin lượng mặt trời Perovskite” và “Chấm lượng tử và cấu trúc nano chất bán dẫn”, đăng trên tạp chí NeuroQuantology.
“Khó khăn lớn nhất đối với em khi viết bài báo quốc tế là thuật ngữ chuyên ngành và các kiến thức khoa học mới mẻ. Em đã đọc rất nhiều bài báo để hiểu thêm về vấn đề mà mình nghiên cứu, tích lũy vốn từ cũng như tìm hiểu phương pháp trình bày”, Quốc Trung kể.
Trung còn tham gia cùng nhóm nghiên cứu trường Đại học Điện lực, chế tạo một số sản phẩm như: Mũ bảo hiểm thông minh cảnh báo an toàn khi giao thông và đo mức độ ô nhiễm; cặp an toàn trang bị những công cụ hỗ trợ như phao, dây an toàn, còi báo động giúp học sinh phát tín hiệu khi gặp tình huống nguy hiểm.
Ngoài ra, nam sinh sáng lập câu lạc bộ Science4Life để tạo không gian cho học sinh yêu thích khoa học chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; sáng lập câu lạc bộ tái chế đồ dùng cũ, cùng bạn bè thực hiện dự án “Mang nắng ấm về lõi rừng Xuân Sơn (Phú Thọ)”, trao tặng các thiết bị điện tử, balo, đồ dùng học tập… cho học sinh khó khăn. Trung cũng tham gia giảng dạy lập trình cơ bản cho Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai.
Nam sinh nói qua các chuyến đi thực tế để hỗ trợ người nghèo, em thấm thía rằng cái gốc của vấn đề nằm ở tác động của biến đổi khí hậu và môi trường.
Trong bài luận, Quốc Trung chia sẻ quá trình em tìm hiểu thông tin, nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng mới, công nghệ nano để tìm kiếm giải pháp cải thiện các sản phẩm kỹ thuật. Chẳng hạn, khi làm Teckpack (cặp thông minh), em biết cách vận dụng kiến thức học được để thiết kế ra một sản phẩm vừa dùng đựng sách vở vừa có thêm các tính năng an toàn, tiện lợi cho học sinh; trong khi với Savepack (balô thông minh), nam sinh học được cách đưa sự đơn giản vào tính năng để sản phẩm nhẹ hơn.
“Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng các sản phẩm này mới giúp các trẻ em an toàn hơn nhưng không thể giúp ngăn ngừa lũ lụt… Chừng nào Trái Đất còn ấm lên, các mối đe dọa đến con người còn chưa được giải quyết. Giờ đây tôi đã thấy gốc vấn đề, nên đang và sẽ chung tay tìm lời giải cho biến đổi khí hậu”, Trung viết.
Theo nam sinh, để bài luận hay, câu chuyện phải mạch lạc, không sử dụng những từ quá khó hiểu, trừu tượng, cách viết rõ ràng, có minh chứng cụ thể. Em cũng trao đổi với thầy cô để được nhận xét, góp ý khách quan khi chỉnh sửa.
Quốc Trung cũng nhìn nhận do sắp xếp hợp lý, khi học lớp 12 em có điều kiện tập trung vào bài luận, có thêm thời gian đánh giá, trau chuốt, hoàn thiện hơn.
Trung trong chuyến trao quà cho học sinh khó khăn ở Phú Thọ, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Vũ Quốc Đạt, bố của Trung, nói gia đình nhận định cạnh tranh học bổng Mỹ ngay sau hai năm đại dịch Covid-19 rất khó khăn. Vì thế, dù luôn động viên con nhưng anh không khiến Trung áp lực. Theo anh, Trung thành công bước đầu vì biết mình muốn theo đuổi điều gì.
“Khi con bắt đầu hành trình du học, tôi mới thấy mình chưa thực sự giúp con phát triển được năng lực bản thân, tìm ra được IKIGAI – điểm giao thoa của việc mình yêu thích, đam mê với việc cộng đồng, thế giới cần. Thế nên, tôi ưu tiên hàng đầu cho việc này và đến cuối hành trình, đây là cái được lớn nhất”, anh Đạt chia sẻ.
Cô Lê Thị Thanh Hà, giáo viên chủ nhiệm, và là người dạy môn Ngữ văn cho Trung suốt ba năm ở trường chuyên Ngoại ngữ, nói cậu học trò bản tính tích cực, ham hoạt động và hiểu biết, sớm trưởng thành hơn nhiều bạn trong lớp. Khi Trung làm hồ sơ, cô Hà cũng là người viết thư giới thiệu cho em.
“Trung không mấy khi thể hiện suy nghĩ của mình trên lớp, nhưng em có khát vọng lớn và âm thầm nỗ lực để theo đuổi mục tiêu của mình”, cô Hà nhận xét.
Trung sẽ bay sang Mỹ vào tháng 8. Nam sinh nói hành trình làm hồ sơ du học đã đưa bản thân em ra khỏi vùng an toàn và học được nhiều kiến thức, kỹ năng mới.
“Em ước mơ trở thành nhà công nghệ và sáng tạo trong lĩnh vực môi trường và năng lượng, tiếp tục các nghiên cứu, dự án của mình như phát triển pin năng lượng mặt trời thế hệ mới”, Trung cho biết.
Ngọc Linh