Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, cứ 10 thanh niên có một người thất nghiệp và nguy cơ mất việc của lao động trẻ cao gấp ba người lớn tuổi hơn.
Tại diễn đàn Chính sách việc làm cho thanh niên ngày 5/5, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết thống kê quý I/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,6%, gấp 3,4 lần tỷ lệ chung cả nước (2,25%).
Toàn quốc hiện có 10,8 triệu lao động thanh niên, chiếm 21,4% lực lượng lao động, là “nguồn cung dồi dào và đầy tiềm năng”. Cơ cấu chuyển dịch tích cực khi 69% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp, dịch vụ và 2/3 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tập trung tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cũng thừa nhận lao động thanh niên gặp rất nhiều thách thức khi số đã qua đào tạo không đáng kể (dù cao hơn tỷ lệ chung của cả nước 3%); sinh viên ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm. Các chính sách việc làm cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn nhiều khoảng trống.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin tình trạng việc làm của lao động thanh niên tại diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về thanh niên tổ chức ngày 5/5. Ảnh: Phong Linh
Theo ông Thanh, nếu so với khu vực và thế giới thì con số trên chưa phải là nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên lại phản ánh kết nối cung cầu lao động chưa hiệu quả. “Cần xác định rõ nguyên nhân do chất lượng lao động thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay chưa có giải pháp phù hợp hỗ trợ cho họ”, ông nói.
Ông Đinh Ngọc Quý, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng hết năm 2022 mà lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới trên 27%, số đã qua đào tạo đạt 67%, tăng chậm, “là vấn đề đáng báo động”. Bên cạnh đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài đa phần là thanh niên nông thôn, trình độ học vấn chủ yếu trung học phổ thông (khoảng 47%) và trung học cơ sở (23%).
Lao động đi tìm việc tại KCN Thăng Long (Hà Nội), tháng 2/2023. Ảnh: Hồng Chiêu
Do đó, ông Quý cho rằng Luật Việc làm sửa đổi cần có chính sách cụ thể về giải quyết việc làm, hỗ trợ an sinh cho lao động trẻ. “Đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu của mọi thị trường lao động chủ động nên cần có những giải pháp cải thiện kỹ năng, công nghệ, trình độ tay nghề cho thanh niên”, ông Quý nói.
Hồng Chiêu