Đến hẹn lại lên, vào dịp mùng 8/3 Âm lịch hằng năm, đông đảo du khách thập phương tìm về đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để chiêm bái, trẩy hội.
Đến với lễ hội đền thờ Lê Hoàn, ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhiều du khách còn thích thú khi được thưởng thức nét ẩm thực truyền thống, mang đậm bản sắc quê hương của vùng đất này.
Bà Lưu cùng nhóm thợ khẩn trương xếp bánh giao cho khách đặt hàng tại lễ hội.
Một trong những sản vật “tiến vua” được du khách yêu thích, mua về làm quà đó chính là đặc sản bánh răng bừa – loại bánh gắn liền với sự kiện vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng trong những ngày đầu năm mới.
Những năm trở lại đây, để quảng bá những nét đẹp truyền thống, chính quyền địa phương thường tổ chức các hoạt động tuần lễ văn hóa – ẩm thực để du khách tham quan, thưởng thức.
Mỗi dịp lễ hội đền thờ vua Lê Hoàn, người dân xã Xuân Lập thường gác lại công việc đồng ruộng để trổ tài làm bánh, kiếm thêm thu nhập.
Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ và nhân thịt, gói bên ngoài là lá chuối tươi.
Bà Đỗ Thị Lưu (71 tuổi, ở xã Xuân Lập) cho biết, năm nào cũng vậy, bà cùng những người phụ nữ trong xã lại ra lễ hội đền thờ Lê Hoàn để gói bánh răng bừa bán cho du khách.
Nhóm của bà Lưu có 5 người, trung bình một ngày bán ra khoảng 4.000 bánh, với giá bán 3.000 đồng/cái, trừ chi phí, mỗi người kiếm về gần 1 triệu đồng.
“Nghề làm bánh răng bừa có từ xa xưa, khi lớn lên chúng tôi đã được bố mẹ dạy cho làm bánh. Hầu hết người dân trong xã ai cũng biết làm bánh. Bánh răng bừa là loại bánh lá có hình giống răng bừa. Có ngày làm hàng nghìn cái, nhờ bán món bánh đặc sản mà mỗi người cũng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng”, bà Lưu chia sẻ.
Bột gạo tẻ là nguyên liệu chính làm nên thương hiệu món bánh đặc sản “tiến vua”.
Cũng như bà Lưu, nhóm thợ làm bánh của bà Mai Thị Tú (51 tuổi, xã Xuân Lập) cũng có mặt tại lễ hội từ rất sớm. Bà cho biết, chỉ trong buổi sáng của ngày khai hội, gian hàng của bà đã bán khoảng 2.000 bánh cho du khách mua về làm quà.
“Đa số khách đến lễ hội mua bánh về làm quà, bánh ở xã Xuân Lập đã có tiếng thơm ngon nên nhiều người rất thích. Hôm nay là ngày khai hội nên rất đông người hỏi mua, chúng tôi mỏi tay gói bánh từ sáng đến giờ vẫn chưa được nghỉ”, bà Tú chia sẻ.
Mỏi tay gói bánh “tiến vua” kiếm cả triệu đồng trong mỗi ngày lễ (Video: Thanh Tùng).
Những người thợ làm bánh cho biết, làm bánh răng bừa không khó, tuy nhiên để tạo ra món bánh ngon nức tiếng này chỉ có người dân trong xã Xuân Lập mới có được. Bánh được làm từ gạo tẻ và nhân thịt, mộc nhĩ, hành.
Nhân bánh được làm từ thịt xay, hành khô, mộc nhĩ.
“Gạo để làm bánh lá răng bừa Xuân Lập phải là gạo từ lúa 13/2 – giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, hạt gạo trắng, dẻo, thơm ngon. Gạo phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2-3 giờ rồi đem xay thành bột.
Sau đó, bột được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh. Nhân bánh gồm hành khô, thịt ba chỉ xay nhỏ, mộc nhĩ, hạt tiêu, muối, hỗn hợp nhân này được rang vàng trước khi gói. Tiếp đó người làm bánh sẽ gói bằng lá chuối tươi hoặc dong rừng”, bà Lưu cho biết.
Những gian hàng làm bánh răng bừa được bố trí tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn.
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, bánh lá răng bừa không chỉ là món ăn ngon, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống.
Theo ông Hải, tháng 10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định chứng nhận OCOP cho sản phẩm “Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Việc duy trì, phát triển nghề làm bánh gắn với hoạt động quảng bá du lịch đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả rõ rệt, qua đó không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động của địa phương mà còn đem theo hương vị, hồn quê, tình người xứ Thanh đến với mọi nhà, mọi người.
Những chiếc bánh răng bừa hoàn thiện, chuẩn bị bán cho du khách.
“Để tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm bánh lá răng bừa phát triển, tới đây, xã sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng lúa và vùng trồng chuối để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu làm bánh”, ông Hải cho biết thêm.
Theo ông Hải, hằng năm, địa phương thường tổ chức các gian hàng giới thiệu và làm bánh để du khách tham quan, thưởng thức khi đến với lễ hội. Năm nay, xã có 4 gian hàng làm bánh răng bừa, đây cũng là dịp giúp người dân địa phương quảng bá món bánh truyền thống, đồng thời có thêm thu nhập.