Nhiều nơi cố gắng tổ chức cho công nhân một cái tết đủ đầy. Bé Thanh Hà (16 tháng tuổi) lần đầu theo mẹ về Huế ăn Tết trên chuyến xe miễn phí dành cho công nhân lao động nhiều năm không có điều kiện về quê đón Tết sáng 17-1 – Ảnh: VŨ THỦY
Gác lại một năm khó khăn, nhiều công nhân đã về ăn Tết sớm với gia đình vì công ty thiếu đơn hàng “để rồi qua Tết lên làm sớm” với hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn, công việc sẽ ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở thưởng Tết để người lao động đón một cái Tết tươm tất, Tết đủ đầy.
Gạo ngon đãi người lao động
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, ông Lê Mai Hữu Lâm – giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi – tất bật tặng quà Tết cho nhân viên lẫn người dân tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi. Do nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Cơ khí ô tô TP.HCM ở xã Hòa Phú nên Công ty Cát Vạn Lợi đã tranh thủ trao quà Tết cho người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, ông Lâm trở về công ty, cùng các nhân viên của mình trao tận tay các suất quà Tết cho toàn thể công nhân, người lao động của nhà máy.
Bên cạnh giỏ quà Tết, ông Lâm còn đặt sẵn gạo ST25 với mong muốn bữa cơm đầu năm người lao động của mình được ăn loại gạo ngon đã đoạt giải thưởng quốc tế. “Tôi quan niệm rằng chăm lo cho nhân viên của mình cũng là chăm sóc khách hàng nội bộ, do đó tôi cố gắng làm thật tốt để họ vui vẻ, hạnh phúc, họ sẽ chăm sóc khách hàng bên ngoài cũng sẽ tốt như chính chúng tôi quan tâm, đối đãi với nhân viên vậy thôi”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, năm nay kinh tế khó khăn, các công trình ít hơn nên đơn hàng cả nội địa lẫn xuất khẩu giảm sút, doanh thu cũng giảm mạnh. Tuy vậy, trách nhiệm của ban giám đốc đối với người lao động không vì thế mà sụt giảm, ngược lại cần phải quan tâm đến người lao động nhiều hơn. Công ty phải vun vén cho anh em công nhân chu đáo hơn từ việc đảm bảo lương tháng 13 đến các phần quà không thua kém các năm.
Bên cạnh đó, những nhân viên đã nỗ lực cả năm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ sẽ được cộng thưởng thêm, từ nửa tháng đến hai tháng lương, tức có nhân viên nhận được một lúc ba tháng lương. “Người lao động đã vất vả lao động với mình cả một năm trên con thuyền kinh doanh rồi, cuối năm là lúc người ta đoàn tụ với gia đình nên mình phải chăm sóc chu đáo để họ vui vẻ. Đó cũng là cách tử tế với nhân viên của mình”, ông Lâm nói.
Dù đã quá nửa tháng đầu năm, ông Lâm cho hay tình hình đơn hàng năm mới vẫn chưa khả quan và đối diện nhiều rủi ro. Tuy vậy, công ty sẽ tập trung vào chiến lược xuất khẩu tới các thị trường chủ lực để bù đắp cho thị trường nội địa với sự quyết tâm cao của toàn thể người lao động.
Gia đình nhỏ của chị Lê Thị Loan (35 tuổi, công nhân may) đã lên xevề Quảng Nam ăn Tết sớm ngay từ sáng 23 tháng chạp – Ảnh: VŨ THỦY
Biết khó nhưng phải nghĩ dến đường dài
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt – giám đốc Việt Thắng Jeans (TP Thủ Đức) – cho biết nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp dệt may đã nếm trải “cú sốc” giảm tiêu dùng trên toàn cầu nên ngành dệt may xuất khẩu gặp khó trăm bề. Doanh nghiệp này cũng “ngấm đòn” nhưng ông Việt cho hay công ty phải nỗ lực lo dòng tiền, đảm bảo chi trả tháng lương 13 cho người lao động. Tại Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7), bên cạnh thưởng lương tháng 13, doanh nghiệp còn thưởng thêm và chi thưởng cao cho người lao động dựa trên thâm niên và hiệu quả lao động.
“Tuy vậy, thay vì dồn lại “thưởng một cục” vào dịp Tết, chúng tôi áp dụng thưởng ngay từng tháng cho nhân viên thông qua khảo sát ý kiến người lao động. Như vậy thì người lao động tháng nào cũng có thưởng, đến Tết là thêm một khoản cuối năm để an tâm về quê ăn Tết, năm mới trở lại nhà xưởng vẫn có đủ lương thưởng”, ông Nguyễn Văn Trí, giám đốc công ty, cho biết.
Đối với khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết năm nay doanh nghiệp cũng cố gắng để có mức thưởng Tết cao hơn năm ngoái, phổ biến ở mức thưởng bằng 1,5 lần lương cơ bản, cao hơn khoảng 15% so với Tết năm ngoái.
Bên cạnh đó, vị tổng giám đốc này cho hay phía doanh nghiệp này cam kết cố gắng giữ ổn định nhân sự và chế độ cho toàn bộ người lao động trong năm 2023. “Biết là khó khăn nhưng mình cũng phải đối đãi tốt với nhân viên để các bạn còn gắn bó đường dài với mình, trước mắt khó khăn nhưng về đường dài chúng tôi tin là sẽ ổn thôi”, vị tổng giám đốc này nói.
Công nhân Công ty TNHH may Song Ngọc (quận Bình Tân) ăntất niên sớm – Ảnh: V.T.
Công nhân ăn Tết sớm
Nhiều gia đình công nhân lên chuyến xe về quê ăn Tết ngay từ ngày cúng ông Công ông Táo, sau một năm đã nghỉ hết cả phép năm vì công ty thiếu đơn hàng. Gia đình bốn người nhà chị Giáp Thị Lệ (43 tuổi, công nhân may ở quận 12, TP.HCM) đã khăn gói về quê Quảng Nam từ sáng 23 tháng chạp. Hành trang về quê ăn Tết của cả nhà rất gọn gàng vì “chỉ có quần áo thôi chứ chưa kịp mua sắm gì”.
“Năm nay công ty bị giảm đơn hàng, nhiều tháng liền chẳng có tăng ca nên thu nhập cũng giảm nhiều. Mọi năm không xin về sớm được chứ năm nay không có hàng, càng xin nghỉ nhiều thì có khi công ty càng mừng”, chị Lệ nửa đùa nửa thật.
Chị cho biết vì tình hình khó khăn nên năm nay công ty cũng chỉ thưởng Tết nửa tháng lương được 3,1 triệu đồng. Chồng chị làm thợ hồ, cả năm qua công việc cũng bấp bênh. Nhưng cả nhà chị may mắn nhận được vé xe miễn phí từ chương trình “Chuyến xe yêu thương” của Liên đoàn Lao động TP.HCM nên quyết định về quê sớm.
“Gia đình bốn năm qua không về quê dịp Tết. Năm nào cũng nghĩ đến khoản tiền tốn kém nên đâu về nổi. Năm nay cũng khó nhưng khó thì cũng khó rồi. Năm hết Tết đến, về nhà ăn Tết với cha mẹ rồi ra Tết lại quay vào làm”, chị Lệ nói. Trên những chuyến xe về quê ăn Tết cùng với gia đình chị Lệ có không ít gia đình công nhân cũng “tranh thủ” một năm khó khăn để về nhà sớm.
Chị Lê Thị Loan (35 tuổi, công nhân may) cùng chồng và cô con gái mới 1 tuổi rưỡi lên một chuyến xe về quê từ lúc 8h sáng 23 tháng chạp. “Thôi thì năm nay về sớm rồi ăn Tết xong quay lại sớm. Chỉ mong năm tới công việc sẽ ổn định hơn để bớt khó khăn”, chị Loan chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) về Bến Tre đón Tết trước cả tháng vì công ty không có đơn hàng và phải chấm dứt hợp đồng với toàn bộ công nhân.
Ngày 23 Tết năm nay, thay vì vẫn tất bật tăng ca trong nhà xưởng đến tận 26, 27 Tết như mọi năm thì chị Dung ở nhà bán bông Tết kiếm đồng ra đồng vô. “Trước khi nghỉ Tết, công nhân cũng nhận được tiền trợ cấp mất việc để có một khoản về quê trang trải. Năm nay ăn Tết sớm rồi qua năm đi làm sớm, xin việc ở công ty khác”, chị Dung nói.
Ráng chèo chống để người lao động gắn bó với doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM, cho biết trước sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ở những thị trường chủ lực, các doanh nghiệp dệt may buộc phải giảm giờ làm hoặc cho công nhân nghỉ Tết sớm hơn, tương đối dài ngày để duy trì lao động.
Theo ông Hồng, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực để bên cạnh một tháng lương, người lao động cũng có những phần thưởng thêm, dù ít dù nhiều.
“Những doanh nghiệp FDI lớn mới cho người lao động nghỉ nhiều, còn những doanh nghiệp trong hội là doanh nghiệp nội với quy mô vừa và nhỏ nên cũng cố gắng chèo chống để giữ người lao động, giữ việc làm và có thưởng Tết cho công nhân. Đó cũng là sự kết nối, nghĩa tình và tạo niềm tin để sang năm người lao động trở lại với doanh nghiệp mình, có niềm tin họ sẽ sản xuất tốt hơn”, ông Hồng nói.
Nhận định về đơn hàng năm mới, ông Hồng cho hay trong quý 1 đơn hàng chỉ đạt 60 – 70%, đến quý 2 tình hình có cải thiện hơn và hy vọng ngành dệt may sẽ phục hồi từ quý 3 trở đi.