Vụ mía ngọt trên đất cằn
Thời điểm này, người dân trồng mía ở các vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tất bật cho vụ thu hoạch mía 2022 – 2023. Năm nay, giá mía tăng cao hơn so với mọi năm.
Gia đình ông Ngô Viết Dũng (xã Thành An, Thị xã An Khê, Gia Lai) vừa thu được 5ha mía. Ông Dũng cho biết ,mía năm nay ngọt, trữ lượng đường cao. Giá mía năm trước 800 nghìn đồng/tấn, năm nay tăng lên đến 1 triệu đồng/tấn. Mỗi hecta mía, lợi nhuận tăng thêm 20-25 triệu đồng so với năm trước.
Nông dân phấn khởi với vụ mía được mùa, được giá (Ảnh: Phạm Hoàng).
Là vùng trọng điểm mía của Gia Lai, huyện Kbang năm nay đã hình thành các vùng chuyên canh mía với sản lượng, năng suất ổn định, tổng diện tích trên 10.000ha
Ông Nguyễn Văn Quy (xã Kông Bờ La, huyện Kbang) chia sẻ: “Các huyện phía Đông Nam nói chung, đa số đều là đất sỏi đá, cằn cỗi. Chính vì vậy, chỉ có cây mía mới hình thành và phát triển được. Năm nay, giá mía tăng cao nên cũng phần nào mang lại lợi nhuận cho người dân”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Kiên – Giám đốc Nhà máy đường An Khê (Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tăng năng suất lên khoảng 20-40%.
Các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai nhiều năm qua đã hình thành vùng chuyên canh mía lớn (Ảnh: Phạm Hoàng).
Bình quân năng suất toàn vùng đạt khoảng 70 tấn/ha, nhiều nơi có thể lên đến 120 tấn/ha. Năm ngoái, giá mía khoảng 750.000-800.000 đồng/tấn; năm nay tăng lên đến 1 triệu đồng/tấn. Hiện nay, nhà máy đã thu mua khoảng 60% mía trong dân. Giá mía tốt như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Nỗi lo mía cháy thường trực
Mía được mùa được giá nhưng nông dân vẫn phấp phỏng lo vì tình trạng mía cháy. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 16/2, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 99 vụ cháy ruộng mía. Tổng diện tích mía bị cháy là hơn 3.00ha, nhiều nhất là huyện Phú Thiện với 180ha.
Vụ mía 2022-2023 có hơn 300ha mía bị cháy (Ảnh: Phạm Hoàng).
Trước tình trạng mía cháy tràn lan, nông dân phải khẩn trương thu hoạch để nhà máy đường hỗ trợ thu mua sớm.
Một trong những nguyên nhân mía cháy được cho là do một số hộ dân thiếu cẩn thận khi đốt vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch, gây cháy lan trên diện rộng.
Mía cháy nếu không kịp thu hoạch, nông dân thiệt hại lớn (Ảnh: Phạm Hoàng).
Những ngày qua, ông Lê Đình Chơn (xã An Phú, huyện Đăk Pơ) cùng mọi người phải lăn mình phát bờ bao để ngăn lửa. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, hanh khô cộng với gió to, ngọn lửa lan nhanh, thiêu rụi hơn 2ha mía của gia đình.
Ông Chơn tâm sự: “Giá mía cao thế nhưng chưa kịp thu hoạch đã cháy. Mía cháy để càng lâu càng mất giá, ít nhất thấp hơn 40.000 đồng/tấn so với mía thường. Mỗi hecta mía cháy, thiệt hại 5-7 triệu đồng”.
Các nhà máy đường cũng phối hợp, khẩn trương thu mua mía cháy cho người dân bớt thiệt hại (Ảnh: Phạm Hoàng).
Trước tình trạng mía cháy tăng mạnh, Sở NN&PTNT đã đề nghị Công an tỉnh điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy mía, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá hoại. Đồng thời, hỗ trợ công tác ứng cứu khi có tình trạng cháy mía xảy ra. Qua đó kịp thời dập tắt, không để lây lan ra diện rộng, bảo vệ ruộng mía cho người dân.