Tại buổi khảo sát tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại huyện Mê Linh chiều 22.2, huyện này đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục bố trí vốn 2.000 tỉ đồng trong năm 2023.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh dài khoảng 11,2km
Trong đó, quý 1, quý 2, bố trí 800 tỉ đồng để đảm bảo nguồn vốn giải ngân đạt trên 70% diện tích đối với đoạn tuyến qua huyện Mê Linh. Đồng thời, đề nghị Thành phố xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Thành phố để huyện di dời, đầu tư xây dựng các trường học phục vụ thực hiện dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện (dự kiến 321 tỉ đồng/3 trường học).
Báo cáo với Đoàn khảo sát về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh dài khoảng 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã (13 thôn) gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha; đất ở 8,2ha; đất trường học 1,8ha; còn lại là các loại đất khác 11,2ha, liên quan đến 2.700 hộ dân; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 3.000 tỉ đồng. Toàn tuyến có 370 mộ phần cần phải di chuyển.
Diện tích đất nông nghiệp phải giải phóng mặt bằng là 120,3ha, huyện sẽ triển khai thành 4 đợt. Đến nay, đã triển khai thực hiện xong 2 đợt, hiện còn 2 đợt, huyện đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch và phấn đấu giải ngân và bàn giao mặt bằng xong trong tháng 6.2023 khoảng 118ha (đạt 83,6%).
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, quá trình triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau thời điểm những năm trước đây nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định quy chủ và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay, không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích; một số chủ sử dụng đất đã chết nhưng các thành viên trong gia đình không thống nhất cử người ủy quyền để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hoặc phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất…
Trước thực tế này, Trưởng đoàn Khảo sát là Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên đề nghị các sở, ngành phối hợp với huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công tác GPMB hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ.