Mắt sen | Báo Pháp luật Việt Nam điện tử

Chao ôi, sen vẫn đẹp dịu dàng trinh nguyên như bao mùa cũ, chẳng bao giờ đổi thay, toan tính. Còn cô đã bị dội vào lòng đủ thứ nhọc mệt của đời sống với những toan tính về cuộc sống giàu sang để rồi chuốc lấy nỗi thất vọng. Cô toan tính từ khi còn ở làng, cạnh sen, làm đau cả những cơn gió ân cần và nhẫn nại.

Lúc bước vào đến sân thì bà Quỳ, mẹ cô đang nhặt rau nấu cơm. Cô chào mẹ, cất đồ vào buồng rồi trở ra, múc nước từ giếng khơi đổ ra chiếc chậu nhôm, rửa mặt. Dù đã ăn nhiều thứ của ngon vật lạ, cũng dùng chẳng kể hết các loại mỹ phẩm, nhưng với Len, được vục trong làn nước giếng khơi vẫn có cảm giác sung sướng, an toàn. Nhìn khuôn mặt đã gợn những nếp nhăn của con gái, bà Quỳ nhắc con: “Mày cũng gần bốn mươi rồi. Như người ta là sắp lên chức bà đấy. Mày muốn chết già hả con?”. Len nghe váng vất, thê lương, đôi mắt lại ngân ngấn.

Nhiều lần, bà Quỳ giục con lấy chồng. Bà hiểu nỗi khổ riêng của con gái. Nhưng cuộc sống mà, không ai hiểu mình bằng mình, có những nỗi nhức tấy trong quá khứ cần phải đào sâu chôn chặt.

Lúc ngồi ăn cơm, Len nhắc đến sự ngào ngạt của mấy đầm sen đầu xã, đầu làng. Bà Quỳ bảo: “Công của cậu Thức đấy. Nhiều người chẳng tha thiết với sen nữa đâu. Thế là cậu Thức này thầu hết, chăm sen, làm sen tươi tốt. Mà này nhá, nghe đâu cậu ấy còn làm nước hoa từ sen. Mấy hôm trước có cả người nước ngoài về, bàn công nghệ hay gì gì đó”. Nhắc đến Thức, mẹ vô tình chạm vào miền quá vãng trong tim Len. Quá vãng cứ cuộn xoáy, giày vò đã nhiều năm rồi. Nhiều năm, Len đau cả trong những giấc mơ…

***

Thức yêu đầm, yêu làng đến cháy bỏng, như thể ở nơi này cất giữ quả tim, linh hồn anh. Xưa ở làng, những cô gái như Len ai cũng làm duyên bên sen, gây dựng mơ ước bên khu đầm rộng lượng và hào phóng sắc hương. Rồi các cô vẫn bỏ lại những mùa sen để ra đi, học hành, làm việc, lấy chồng. Nơi đồng chiêm trũng, chỉ có lúa với sen mộc mạc, giản dị, mấy ai còn muốn ở lại với cái nghèo. Xưa bà Quỳ định đặt con gái tên là Liên để khắc một tình yêu, cũng mong con gái bà nền nã, xinh đẹp như hoa. Nhưng sợ phạm húy với một bà họ hàng xa, đành đặt chệch là Len. Năm Len vào lớp mười, cơ thể thây mẩy, nước da trắng hồng, đôi mắt lúng liếng. Thức học trên Len hai lớp. Vì yêu hoa nên Len thân với Thức, con ông Vũ “đầm”. Cả vùng chỉ ba người thầu đầm thì ông Vũ làm quá hai phần ba. Trai gái làng hò hẹn bên hoa. Có những chiều gió lộng, ân cần, Len và Thức ngồi trên vạt cỏ, ngắm bạt ngàn lá sen to hơn cả tai voi vẫy chào. Thức thi vào nông nghiệp bởi đó là ngành gần gũi với những gì anh trải nghiệm. Anh hỏi Len: “Em sẽ thi ngành nào?”. Len nói: “Em ước là giáo viên”. Thức gật đầu: “Ừ. Sau này anh sẽ biến toàn bộ khu cỏ hoang ngoài đê kia thành đầm sen, còn em về dạy trường làng”. Đôi mắt Len long lanh nhìn Thức, cô ngả đầu vào vai anh. Bờ vai êm đềm. Thiên nhiên khéo vẽ bức tranh ngọt ngào, bình yên đến thế.

***

Len không thi vào ngành sư phạm như hằng ao ước. Tâm hồn cô bị xáo trộn từ khi có gã đàn ông về làng xây dựng khu du lịch sinh thái. Gã xin địa phương đồng ý chủ trương chuyển đổi khu đầm sát mé đình làm khu du lịch. Đầm sen bị lấp gần hết, nơi này sẽ mọc lên nhà hàng ăn uống và một ngôi nhà bốn tầng, úp mặt vào chân đê. Động đến ao đầm khu đình là động vào mắt làng, phá vỡ cảnh quan khu vực. Ý kiến bô lão trong làng bị bỏ ngoài tai. Ông Vũ buồn nản vì thấy rằng công lao bao năm mình bồi đắp cho không gian làng trở thành công cốc.

Người làng không ngớt bàn tán về gã đàn ông lạ. Mỗi khi gã bước xuống từ chiếc xe hơi bóng láng, bọn trẻ con làng mắt chữ a, mồm chữ o. Đi đến đâu gã cũng vung tiền như rác. Lúc mới đến, gã hỏi thăm đến nhà bà Quỳ. Bà Quỳ trong cảnh mẹ góa con côi, cũng muốn con mình được sướng nên chuyện tìm hiểu, cưới xin đều để tùy con gái quyết định. Len choáng trước một gã đàn ông cứng tuổi, rót vào tai cô những lời từ bé đến giờ chưa từng nghe. Cô không thể không động lòng trước gã đàn ông giàu có. Dù Len nhớ lời thề ước với Thức, thương những mùa sen thơm ngát tuổi thanh xuân, song đã mau chóng bị khuất phục bởi sự săn đón cùng những món quà giá trị của gã. Tay cô không phải vục xuống bùn mùa cấy nữa. Bà Quỳ bỏ ruộng vì Len mang tiền về. Cô thành bông hoa đẹp trang trí cho gã. Khu ăn uống và hát hò nhộn nhạo khánh thành, mục tiêu là phục vụ khách vãn cảnh chùa Vuông phía ngoài đê và người về chụp hoa sen. Không gian bình yên bị khuấy đảo. Các bô lão trong làng thất vọng, buồn mà không làm gì được.

Thức về thăm, biết người yêu mình đã theo kẻ khác, nức nở khóc bên sen. Hôm đó trời mưa, sen khóc, bầu trời hụt hẫng. Anh gọi điện cho Len. Cuộc gặp chớp nhoáng sau cơn mưa. Sen chưa hết buồn, đôi mắt Thức ầng ậc nước. Cô gái nói lời xin lỗi, ngàn lần xin lỗi. Thôi đành. Hoa vẫn còn đây mà người đổi thay rồi. Thức đau đớn về trường. Đàn ông buồn thường tìm đến rượu, dìm mình trong sự buông thả. Nhận bằng tốt nghiệp, không đoái hoài đến lời mời công việc cho một doanh nghiệp mới nổi, Thức về thăm quê cũng là khi gã trai làm dự án “treo đầu dê, bán thịt chó” đã vỡ nợ. Khu nhà hàng ở làng bị niêm phong, cửa đóng im ỉm, nhuộm màu kệch cỡm. Nghe đâu gã làm ăn thua lỗ trên thành phố và dính vào cờ bạc. Len theo gã ra thành phố, chẳng có chuyện cưới xin, cũng chẳng ở được cùng nhau nữa. Cô ân hận, xấu hổ tột cùng nên phải tìm việc làm thuê, không dám về làng. Thức đăm đắm trong mùa sen cùng vết thương chưa thể lành, giấu mình cùng khu ao đầm. Anh khổ tâm khi thấy bố mình lặng lẽ, phiền muộn. Một hôm, ông Vũ bảo: “Bố định trả lại khu ao đầm, nếu con gánh vác được thì bố để lại con làm”. Yêu sen, anh nhận lời không đắn đo. Anh thưa: “Bố yên tâm. Con đi học cũng là chỉ mong có thể làm gì đó cho quê mình. Con sẽ làm giàu từ sen”.

Thật ra Thức chưa có động lực để thực hiện những dự định. Tin về Len chịu khổ nơi thành phố dội lại trong anh. Nhưng những dự định cũng thôi thúc, anh nhủ, mình phải sống khác, không thể giữ mãi khổ đau để lại làm tổn thương hoa. Mỗi năm vào cữ cuối xuân trở đi là trỗi dậy từ bùn, từ nước. Những tán lá nõn xanh xuất hiện, nhô dần lên từ mặt nước và kiệt cùng hiến dâng hương sắc.

***

Thấm thoắt hơn mười năm trôi qua kể từ ngày Thức về ăn cùng sen, ngủ cùng sen. Anh xin ủy ban xã cho cải tạo khu đầm nước bỏ hoang ngoài đê để trồng thêm. Anh cùng bố ủ chè sen bán cho nhiều đại lý trên thành phố, gần đây còn tự làm nước hoa từ sen và một số đại lý đã về đặt hàng. Tiếng tăm của Thức đến tai một nhà sản xuất đang thăm Việt Nam. Ông ta hứa sẽ về thuê đất sát thị trấn, làm nhà xưởng, đưa công nghệ hiện đại chế biến nước hoa. Một cơ hội lớn cho bao khát khao, dự định của một người ngủ cũng mơ thấy hoa.

Biết Len về làng, Thức bỗng xốn xang. Song, anh tự bảo với lòng mình, người ta đã đổi thay, mình sao còn hoài nhớ. Song cố gắng làm sao anh cũng không xua được những ý nghĩ về Len đang quẩn quanh bên mình. Nhiều năm qua, những mùa nhan sắc với bao nữ sinh trường làng vẫn vẽ nên bức tranh nơi mênh mông sen quê nhà. Cũng đâu thiếu những cuộc mai mối, trong đó có cả những cô giáo dạy văn nhan sắc, dịu hiền, vậy mà Thức vẫn lắc đầu. Hay quá vãng còn ứ đầy trong lòng, làm Thức không thể nghĩ đến ai khác?

***

Thi thoảng Thức vẫn dành cho mình phút giây thư giãn ở sát bên sen. Anh ngồi trên thuyền nhỏ, rẽ lá để ngắm từng bông. Chẳng ít lần sau khi hái đủ số hoa khách đặt, anh ngả mình xuống thuyền để lắng nghe âm thanh từ sâu dưới mặt nước, từ những động cựa của ong bướm. Và kìa, anh đã thấy Len, lặng lẽ ngồi ở phía vạt cỏ mềm, nơi xưa kia anh và cô thường ngồi ngắm hoa. Dù hơi buồn, nhưng chẳng làm giảm nét đẹp trên khuôn mặt, đôi mắt vẫn long lanh. Nín thở, lặng lẽ. Thức không dám phá vỡ không gian của Len. Len còn nhớ anh nên đã đi tìm hình dáng người yêu ở nơi này? Hay đó chỉ là phút giây cô chùng xuống muốn lật giở một trang trong quá vãng?

Tiếng bố gọi làm Thức giật mình trở lại thực tại. Con thuyền nhỏ tròng trành trong mềm mại vạt lá xanh. Anh đưa thuyền vào bờ. Ông Vũ bảo con: “Này. Bố bảo chuyện này, bà Quỳ, mẹ cái Len bị cảm, rồi ngã ra đấy. Bà ấy ở trên bệnh viện thị trấn rồi. Con về chở bố lên thăm”.

Trong khi đi đường, ông Vũ kể lại cho con trai chuyện của đời trước. Thì ra, ông Thức và bà Quỳ mến nhau thời xuân sắc, nhưng do trở ngại nên đành hứa rằng, sau này có duyên, cho con cái đôi bên lấy nhau. Cả hai biết Thức và Len quấn quýt bên nhau nên chỉ nghĩ đến chuyện tác thành, không nói ra lời hứa năm xưa. Thế rồi chuyện giữa con gái bà Quỳ với gã giàu xổi xảy ra. Bà buồn lắm nhưng chỉ biết xin lỗi. Thời gian con gái bà giấu mình ở thành phố, có lần gặp nhau, bà Quỳ ân hận: “Nếu tôi không nhẹ dạ, lóa mắt thì đã không xảy ra chuyện buồn thảm đó. Càng nghĩ, tôi càng tiếc cậu Thức…”. Ông Vũ bảo: “Thôi mà bà, có những thứ ta chẳng thể nào đoán định. Đành tuân theo sự thu xếp của cuộc đời”.

Khi bố con Thức vào đến nơi thì Len đã chăm mẹ trong phòng bệnh. Thấy anh, mắt Len cụp xuống. Len gượng gạo một thì bà Quỳ gượng gạo mười. “Ôi để phiền hai bố con ông, tôi không biết giấu mặt vào đâu”. Trò chuyện cùng ông Vũ một hồi, bà Quỳ quay sang Thức, giọng nghèn nghẹn: “Thức này, cô tộc tệch, nhưng cũng xin nói luôn, con Len nhà cô… Hai đứa cũng cứng tuổi rồi. Cô mong… có những sai lầm được bỏ qua. Cháu hiểu ý cô chứ?”.

Bà Quỳ vừa chạm vào vết thương cũ, nhưng Thức không bị tấy đau như trước. Anh thấy Len nhìn mình, đầy nỗi niềm. Mắt anh chợt nhòe đi. Anh thấy gương mặt Len thành đóa sen lớn. Xung quanh là ngàn vạn nụ hoa như những con mắt chờ đợi một câu trả lời.