Cắt điện, công nhân đến xưởng… ngồi chơi
“Từ 3-5/6 mất điện cả ngày. Ngày 5/6, chúng tôi nhận thông báo cắt điện của chính ngày hôm đó. Ngày 6/6 thậm chí không có thông báo cũng vẫn mất điện nửa ngày. Và dự kiến ngày 8 và 11/6 tới đây cũng vậy”, ông Ngô Minh Hoan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Khoái Châu, Hưng Yên) than thở.
Ông Hoan cho biết chưa bao giờ có đợt cắt điện “kinh khủng” như năm nay. Mất điện quá nhiều, ngành điện không có kế hoạch trước khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch giao hàng xuất khẩu cho đối tác.
“Trong lúc đơn hàng của ngành may vô cùng khó khăn, có được đơn hàng đã là quý giá. Thế mà giờ kiếm được đơn hàng rồi lại không có điện để sản xuất. Quả là một năm có quá nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp”, Giám đốc điều hành công ty may Hưng Long chua chát.
Công nhân công ty may Hưng Long (Ảnh: Công ty cung cấp).
Ngày đầu tiên bị cắt điện, 4.000 công nhân của công ty này đã đến xưởng để… ngồi chơi. Nhân công đến cả rồi mà đợi không có điện nên công ty phải thông báo cho người lao động về nghỉ.
Ông Hoan cho biết: “Việc cắt điện đột xuất khiến công ty trở tay không kịp. Không thể thay đổi kế hoạch sản xuất, buộc cho công nhân về nghỉ giữa chừng. Chúng tôi còn đang lo không có hàng giao, sẽ bị phạt hợp đồng”.
Doanh nghiệp sản xuất ngưng trệ, người lao động không có việc làm. Thu nhập tháng 6 của công nhân có thể thấy trước là sẽ bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, công nhân ngành may đã thiếu việc do đơn hàng, nay lại thêm thách thức từ việc mất điện.
Tiết kiệm điện… chỉ là giải pháp tình thế
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, 2 ngày qua, doanh nghiệp đã bước vào “chiến dịch” tiết kiệm điện, chỉ sản xuất 8 giờ/ngày.
Theo ông Tân, 20 ngày tới trong tháng 6, công ty cũng chỉ được sử dụng 5% điện so với nhu cầu vào ca đêm. Lượng điện “được phân phối” ít ỏi như vậy không đủ để vận hành sản xuất nên công ty dừng hoạt động của ca đêm.
Về tình trạng thiếu điện, Chủ tịch công đoàn cơ sở của công ty cho biết, đơn vị không có giải pháp nào sắp xếp lại sản xuất, chỉ còn cách tạm dừng. Công ty sẽ ưu tiên những đơn hàng nào gấp, tập trung làm trước để đáp ứng thời gian giao.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (Ảnh: NVCC).
Công ty cũng trang bị máy phát điện, song là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, nhiều máy móc, thiết bị tiêu dùng điện rất lớn. Vì vậy, không máy phát điện nào tải nổi. 5% công suất sử dụng điện này chỉ để duy trì hệ thống công nghệ thông tin, tủ chứa nguyên liệu hóa chất cần đảm bảo nhiệt độ bảo quản…
Vì chỉ còn một ca sản xuất ban ngày, năng suất hoạt động của đơn vị đã giảm 50%. “Đơn hàng của tháng 6 dự kiến gấp 1,5 lần so với tháng 5. Song tình trạng mất điện như này thì kết quả sản xuất cố lắm cũng chỉ bằng tháng 5”, ông Tân thông tin.
Trước tình trạng gián đoạn cung cấp điện thời gian qua gây xáo trộn đến sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, UBND tỉnh đã có cuộc họp về vấn đề này.
Theo đó, ban ngày, tỉnh ưu tiên điện cho sản xuất, ban đêm ưu tiên điện cho dân sinh, sinh hoạt. Ban ngày, các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất từ 7h45 – 17h. Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp được cấp điện liên tục tất cả trong ngày.
Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban Quản lý Các khu công nghiệp, ngành điện và chỉ sản xuất từ 0-5h.
Tuy nhiên, theo ông Tân, đây chỉ là giải pháp tạm thời về tiết kiệm điện của địa phương. Nhìn chung, cần có những giải pháp căn cơ hơn của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo điện cho sản xuất trong các khu công nghiệp.
Báo cáo gần đây nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Chính phủ về tình hình cung ứng điện cho hay, nguồn cung ứng điện ở miền Bắc có thể thiếu hụt 8.000MW.
Đây là mức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 5.000MW, và cao hơn cả báo cáo tháng 3/2022, khi công suất thiếu hụt chỉ là 1.300MW.