Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm

Gà ăn “báu vật” tiến vua

Những ngày cuối tháng 5, chị Nguyễn Thị Kim Dung (ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) liên tục nhận những cuộc điện thoại hỏi mua gà cũng như nhờ chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà.

Ở xã, vợ chồng chị Dung là hộ tiên phong trong việc cho gà ăn sâm. Những lứa gà của vợ chồng chị bán ra thị trường luôn được giá cao nhờ chất lượng thịt thơm ngon.

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 1

Nhiều hộ dân tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) thành công với mô hình nuôi gà thảo dược.

Chia sẻ về mô hình chăn nuôi độc đáo này, chị Dung cho biết, kỹ thuật chăn nuôi gà bằng thảo dược không mấy khác biệt, đặc trưng duy nhất là nguồn nước uống cho gà từ cây sâm nam, loại cây người dân địa phương hay gọi là “báu vật” trời ban.

Đầu năm 2021, gia đình chị Dung bắt đầu nghiên cứu và nuôi thử nghiệm cho đàn gà uống nước từ thân, lá, rễ của cây sâm thay vì sử dụng thuốc kháng sinh. Ngay lứa đầu tiên, đàn gà của gia đình chị Dung đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

“Ban đầu, gia đình tôi nuôi thử nghiệm với khoảng 1.000 con, quá trình chăn nuôi, ngoài những loại thức ăn thông thường, chúng tôi xay nhỏ thân và lá cây sâm trộn lẫn vào thức ăn và pha nước uống cho gà.

So với bình thường, gà ăn sâm kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá thành cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg”, chị Dung chia sẻ. 

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 2

Gà ăn sâm có sức đề kháng tốt, mã đẹp, thịt thơm ngon.

Sau khi thử nghiệm thành công trên đàn gà của gia đình, chị Dung giới thiệu mô hình chăn nuôi này tới một số hộ dân ở các xã lân cận. Đến nay, sau 2 năm, nhiều gia đình đã học tập và áp dụng thành công, mỗi lứa gà thảo dược xuất chuồng, nông dân có thể bỏ túi từ 100 – 200 triệu đồng.

Năm 2022, công ty của gia đình chị Dung mở rộng quy mô chăn nuôi lên hơn 9.000 con tại 3 hộ ở xã Hợp Đức và Phúc Hòa. Chị Dung phụ trách kỹ thuật, lo thức ăn cho gà đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 3

So với đàn gà bình thường, gà ăn sâm giá thành cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.

“Chất lượng của cây sâm nam núi Dành tương đương với sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh. Do vậy, gà ăn sâm nam phát triển khỏe mạnh, thịt thơm, ngon được ưa chuộng.

Từ khi thử nghiệm tới nay, mô hình nuôi gà thảo dược đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện kinh tế cho bà con nông dân tại địa phương cũng như tạo nên thương hiệu gà của riêng huyện Tân Yên”, chị Dung cho biết.

Chưa kịp đến chợ đã… hết hàng

Là một trong số nhiều hộ áp dụng thành công mô hình nuôi gà thảo dược, 3 năm qua, gia đình ông Vi Văn Tốt (51 tuổi, ở xã Phúc Hòa, Tân Yên) liên tục có thu nhập khá.

Trang trại của gia đình ông Tốt có hàng nghìn con gà thịt, cả trống và mái, con nào cũng khỏe, đẹp mã. Hiện nay, trang trại rộng hơn 5.000 m2 đang trồng vải thiều, cây sâm nam núi Dành kết hợp chăn nuôi gà thả vườn.

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 4

Gia đình ông Tốt tận dụng thân và lá cây sâm nam ở vườn làm thức ăn cho gà.

“Gia đình tôi chăn nuôi từ năm 2013 đến nay nhưng khoảng 2020 mới biết đến mô hình nuôi gà thảo dược. Mới đầu nghe thông tin nuôi gà cho ăn sâm, vợ chồng tôi rất ngỡ ngàng, mãi đến khi thấy hàng xóm nuôi gà theo mô hình này cho hiệu quả, gia đình tôi mới mạnh dạn tham gia với quy mô hơn 4.000 con”, ông Tốt cho hay.

Theo lời ông Tốt, 3 năm kể từ khi vợ chồng ông cho gà ăn thêm sâm, việc chăn nuôi “nhàn” hơn rất nhiều. Gà từ khi bắt về nuôi tới khi xuất chuồng ít bị hao hụt, không những thế phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật.

“Riêng khoản không phải thuốc men cho 4.000 con gà, gia đình tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Những năm trước dù chăm sóc cẩn thận đến mấy đàn gà vẫn có những đợt nhiễm bệnh, còi cọc, nhìn xấu mã, rất kén khách. Giá gà khi đó cao nhất bán được 50.000 đồng/kg, gần như nuôi không có lãi”, ông Tốt chia sẻ.

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 5

Từ khi cho gà uống nước sâm, việc chăn nuôi của gia đình bà Hiến không còn vất vả.

Bà Vi Thị Hiến (49 tuổi, vợ ông Tốt) cho biết, từ khi cho gà ăn, uống nước sâm, việc chăn nuôi đỡ vất vả phần nào. Mỗi sáng, bà Hiến dậy sớm đặt nồi nước 60 lít lên bếp, sau khi đun sôi bà cho phần thân và lá sâm xay nhỏ vào nồi, nước sâm sau khi để nguội bà chia ra từng máng cho gà uống.

“Một ngày tôi cho gà uống 2 lần nước sâm, sau đó cho uống thêm nước sạch. Thức ăn ngoài lúa, ngô, gia đình tôi trộn thêm với cây sâm xay nhỏ. Gà khi xuất chuồng thịt rất chắc, giá trị dinh dưỡng cao.

Thương lái sau khi tiêu thụ lứa đầu tiên, giờ luôn vào tận trại gom hàng chứ không phải mang ra chợ như mấy giống gà nuôi công nghiệp khác”, bà Hiến nói.

Mách nhau cho gà ăn siêu sang, nông dân kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm - 6

Mỗi lứa gà xuất chuồng, gia đình bà Hiến thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng.

Hiện tại trang trại của gia đình bà Hiến có hơn 4.000 con gà thịt đang vào thời gian xuất bán. Mỗi năm, trang trại có thể nuôi 2 lứa, mỗi lứa xuất bán hơn 10 tấn gà thịt, với giá từ 80.000-90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí vợ chồng ông có thu nhập từ 400- 450 triệu đồng/năm.

“Một năm có thể nuôi 3 lứa nhưng vợ chồng tôi không làm vậy vì nuôi liên tục gà bị thúc lớn, dễ bệnh, rủi ro cao. Cho nên, một năm tôi nuôi 2 lứa, nhàn mà gà khỏe, ít bệnh tật hơn”, bà Hiến nói.