Ngành hiếm và độc đáo
Tuy bảo tàng học không phải sự lựa chọn đầu tiên nhưng Huỳnh Gia Doanh (sinh viên năm 2, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) quyết định theo đuổi vì nhận thấy sự thú vị, độc đáo và mới lạ của ngành học này.
“Tôi thích học phần sưu tầm và kiểm kê vì có thể tìm hiểu lịch sử di vật, cổ vật cũng như nơi khai quật chúng, từ đó có thể nhìn thấy sức sáng tạo, đời sống của người xưa”, nữ sinh chia sẻ.
Thích đi đây đó và tìm hiểu về lịch sử, Nguyễn Ngọc Minh Thư (sinh viên năm 2 ngành bảo tàng học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) đã tò mò và chọn ngành học hiếm này. Nữ sinh viên cho biết: “Hiện chỉ có 2 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đào tạo ngành này. Sinh viên được tạo nhiều cơ hội để trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại các bảo tàng, di tích, điểm di sản. Tôi mong số tiết chuyên ngành nhiều hơn để đi thực tế tích lũy kinh nghiệm, định hướng công việc tương lai”.
Dù vậy, nữ sinh viên cũng rất băn khoăn trước những định kiến về nghề. Thư cho rằng các quy trình như lập hồ sơ lý lịch hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể… là rất phức tạp vì thế mức lương cho vị trí di sản viên cũng cần cải thiện để xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
Sinh viên năm 2 ngành bảo tàng học đi thực tế tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Kiến thiết văn hóa cho cộng đồng
Gia đình đều làm trong ngành văn hóa và có cơ hội tiếp xúc với nhiều phương tiện về lịch sử, Hứa Bảo Nhi (sinh viên ngành bảo tàng học bậc ĐH) quyết định học lên cao học ngành quản lý văn hóa.
Bảo Nhi cho hay: “Một số học phần trong chương trình giúp chúng tôi có cơ hội làm việc trực tiếp tại đình chùa, di tích và sưu tầm trực tiếp hiện vật cho bảo tàng. Chúng tôi được trải nghiệm nghiên cứu, phân loại, quản lý, bảo quản hiện vật, di vật, cổ vật và tổ chức trưng bày cũng như nhiều hoạt động, sự kiện tại bảo tàng, di tích và các điểm di sản”.
Về những định kiến và cách hiểu sai về ngành học, cô chia sẻ: “Khai thác các giá trị từ di sản văn hóa mang lại nguồn thu không ít cho ngân sách quốc gia. Ngành bảo tàng học không nhàm chán, khô khan hay chỉ làm việc trong viện nghiên cứu mà còn góp phần truyền bá văn hóa dân tộc. Tôi mong mọi người có cái nhìn khách quan hơn vì đây là ngành góp phần mang lại những lợi ích văn hóa, xã hội, giáo dục và kinh tế cho cộng đồng”.
Sinh viên năm 2 ngành bảo tàng học đi thực tế tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Đang làm việc đúng chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng đã học, anh Phạm Minh Trung (nhân viên phòng Bảo quản-Kiểm kê tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) nhận định những người làm công tác bảo tàng đang mang lại những giá trị thầm lặng cho xã hội. “Chúng ta không nên so sánh giá trị phẩm chất nghề nghiệp bằng giá trị kinh tế chỉ vì nghe tên ngành ‘không sang’. Người học phải có đạo đức nghề nghiệp trung thực, cẩn thận, không tư lợi vì mỗi một hiện vật là minh chứng của quá khứ, nếu để mất đi sẽ là điều vô cùng đáng tiếc”, anh Trung nhấn mạnh.
Ngành bảo tàng học khó tuyển sinh
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, thầy Nguyễn Đình Thịnh, Phó trưởng khoa Di sản văn hóa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết, tại khu vực phía nam chỉ có Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đào tạo ngành bảo tàng học với 2 chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng và bảo quản hiện vật bảo tàng.
Theo thầy Thịnh, sinh viên khi theo học sẽ được cung cấp các kiến thức, kỹ năng và thái độ về quy trình vận hành, quản lý các bảo tàng, nhìn nhận vai trò của bảo tàng đối với xã hội và cộng đồng; nhấn mạnh đến nghiên cứu liên ngành về bảo tàng và di sản, cũng như hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích và các di sản văn hóa phi vật thể.
Trong chương trình học, sinh viên sẽ được thực tập tại các bảo tàng, di tích, điểm di sản, được luân chuyển thực tập tại các phòng ban chuyên môn (sưu tầm, kiểm kê, quản lý và bảo quản hiện vật, trưng bày, giáo dục) để có trải nghiệm đầy đủ nhất.
Sau tốt nghiệp, người học có thể phát triển sự nghiệp tại các bảo tàng tổng hợp hoặc chuyên ngành, các cơ quan, tổ chức nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa như sở VH-TT-DL, phòng văn hóa, trung tâm nghiên cứu, trường học…
Tuy nhiên, thầy Thịnh cũng nhìn nhận thực trạng tuyển sinh khó khăn của ngành. “Nhiều thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nộp hồ sơ nhập học nhưng sau đó xin rút vì gia đình không ủng hộ. Lý do có thể vì cơ hội việc làm cho người học sau tốt nghiệp có phần hạn hẹp, thu nhập không cao… Năm học 2019, chúng tôi chỉ tuyển được 2 sinh viên và không thể mở lớp”, thầy Thịnh kể.
Anh Phạm Minh Trung thực hiện công tác bảo quản hiện vật Linga tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Nhận thấy khâu bảo quản trong nghiệp vụ bảo tàng ở Việt Nam thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, năm 2010, khoa Di sản văn hóa (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) phối hợp với cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng Wallonie-Bruxelles xây dựng chương trình và đào tạo chuyên ngành bảo quản hiện vật bảo tàng. Chuyên ngành này đào tạo được 5 khóa nhưng từ khóa học 2017, do không đủ số lượng sinh viên đăng ký nên không mở lớp.
Đề xuất phát triển ngành bảo tàng học
Hiện nay, ngành bảo tàng học đang nhận được nhiều sự hỗ trợ của các bảo tàng, di tích, điểm di sản trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành khác trong quá trình đào tạo nhưng để cải thiện chất lượng và số lượng sinh viên thì cần sự phối hợp của các bên liên quan.
Anh Nguyễn Sự thuyết minh thông tin tại phòng trưng bày biển đảo thuộc Bảo tàng Lịch sử-Văn hóa
“Tôi đề xuất thay đổi tên ngành đào tạo cho phù hợp với tên gọi của các cơ quan quản lý ngành và chức danh nghề nghiệp di sản viên. Nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về bảo tàng và di sản văn hóa thông qua các chương trình giáo dục ở các bậc học. Có những chính sách hỗ trợ cao hơn cho việc đào tạo ngành bảo tàng học, bảo tàng-di tích và người làm trong lĩnh vực này”, thầy Thịnh kiến nghị.
Những năm trở lại đây, nhiều bảo tàng tại TP.HCM đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, các bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Tình báo Biệt động Sài Gòn, Bảo tàng Áo dài… ra đời và hoạt động hiệu quả. Một số bảo tàng tỉnh cũng có những sự đầu tư nhất định trong việc đổi mới nhằm mục đích đưa bảo tàng trở thành điểm đến của địa phương nên nhu cầu bổ sung nhân sự mới khá nhiều.
“Các bạn trẻ ngại theo học ngành này là do chế độ lương và phụ cấp thấp, không đủ đáp ứng cuộc sống chứ không phải thiếu việc. Các bảo tàng rất cần người để thực hiện các công việc chuyên môn như nghiên cứu khoa học, sưu tầm hiện vật, kiểm kê-bảo quản, trưng bày. Vì vậy, sinh viên không cần quá lo lắng về cơ hội việc làm mà nên tập trung học thêm các kỹ năng mềm như thuyết trình, chụp và xử lý ảnh… để làm truyền thông cho bảo tàng cũng như nâng cao nghiệp vụ”, anh Nguyễn Sự, chuyên viên tại Bảo tàng Lịch sử-Văn hóa, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thông tin.