Đó là trải lòng của chị T. H., giáo viên mầm non một trường tư thục ở TPHCM tại hội thảo du học cao đẳng nghề Australia mới được tổ chức vừa qua.
Hội thảo thu hút không chỉ các học sinh, phụ huynh quan tâm đến chương trình học mà nhiều người là cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước như chị H. cũng đến tìm hiểu về việc đi nước ngoài học và kiếm tiền cải thiện cuộc sống.
Nhiều người lớn tuổi đã đi làm bày tỏ quan tâm đến du học nghề Australia (Ảnh: H.N).
Chị H. cho hay, từ khi ra trường đi làm cách đây hơn chục năm, chị sống mòn mỏi với đồng lương eo hẹp. Những năm đầu đi làm lương chưa đến 1 triệu đồng, đến nay, tất tần tật các khoản thu nhập chị nhận khoảng 8 triệu đồng.
Hồi trẻ, chị còn nhận giữ trẻ tại nhà ngoài giờ những khi phụ huynh bận để kiếm thêm. Nhưng sau khi lấy chồng sinh con, căn phòng trọ trở nên chật chội, chị cũng không còn thời gian làm ngoài giờ.
Lương thấp, nhân viên bỏ việc giữa chừng
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo TPHCM mới đây, sinh viên Võ Khánh An, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM trải lòng, nhiều bạn trẻ mới ra trường sẵn sàng làm việc ở môi trường nhà nước dù mức lương chưa cao. Nhưng sau khi đã lập gia đình, có con cái thì thu nhập sẽ trở thành gánh nặng với họ, nhiều người buộc phải bỏ việc giữa chừng để tìm con đường khác có thu nhập đảm bảo hơn.
Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn với đủ các khoản thuê nhà trọ, chi tiêu ăn uống, tiền học hành cho con cái ngày càng đắt đỏ. Chồng chị là nhân viên sửa chữa xe máy nhưng 4 năm trước bị tai nạn mất sức lao động.
Giờ lâu lâu anh chạy thêm cuốc xe ôm, làm mướn việc này việc kia hoặc nhận đồ thủ công về nhà làm kiếm thêm vài đồng bạc lẻ. Tất cả mọi chi tiêu gia đình hầu hết trông chờ vào đồng lương của chị.
Tằn tiện tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, các biện pháp được áp dụng triệt để nhưng chị H. vẫn luôn trong tình cảnh thiếu tiền. Trang trải hàng ngày đã không đủ, mỗi khi cần những khoản lớn như mua xe, đóng tiền học cho con, tiền chữa bệnh, gửi về lo cho ông bà… chị lại phải đi vay nợ.
Có lần, bí quá chị vay tiền trên app, càng thêm nợ chồng nợ, lãi chồng lại. Số tiền nợ đến nay đã lên cả trăm triệu đồng, chị không biết cách nào trả nổi.
“Nợ ngập đầu mà đồng lương giáo viên thì thấp, tôi muốn đi ra nước ngoài, cụ thể là đi Australia để vừa học vừa làm. Nhưng đã gần tuổi 40, tôi có cơ hội không? Bỏ lại cả gia đình, liệu tôi kiếm nổi tiền tỷ sau vài năm?”, cô giáo mầm non băn khoăn.
Là một giáo viên, chị muốn đi theo con đường du học nghề để vừa có cơ hội học lên cao vừa có thu nhập.
Ngồi cạnh chị H., là Nhân (tên nhân vật được thay đổi), kỹ sư điện vừa tốt nghiệp tại một trường đại học ở Đà Nẵng.
Nhân cho hay, cậu xác định từ sớm nếu ở trong nước làm việc với mức lương 8 – 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống sẽ rất khó khăn, chưa nói đến việc trả nợ tiền vay học đại học, lo cho gia đình hay tích lũy. Cậu chứng kiến nhiều người quen làm công ăn lương sống trong cảnh khó khăn, chật vật.
Chàng trai tính toán ra nước ngoài học và làm việc để vừa nâng cao tay nghề vừa có thể đi làm vài năm, kiếm một khoản vốn.
Cán bộ, nhân viên, sinh viên “rời ghế” nhà trường liền ra nước ngoài tu nghiệp là hiện tượng được nhắc đến nhiều năm gần đây. Ở nhiều cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, cảnh người lao động “dứt áo”, ra nước ngoài làm việc khá phổ biến. Với nhiều người, quyết định đó xuất phát từ quay cuồng với cơm áo gạo tiền khi đồng lương quá thấp. Việc chuyển hướng mang theo hy vọng thay đổi cuộc sống.
Tốt nghiệp đại học, chàng trai này muốn ra nước ngoài vừa học vừa làm vì mức lương trong nước thấp (Ảnh: H.N).
Bên cạnh đi nước ngoài lao động, vì đặc thù nghề nghiệp hoặc khát vọng cá nhân, nhiều người mong muốn có cơ hội vừa kiếm tiền mà vẫn duy trì được việc học. Du học nghề bùng nổ trong những năm gần đây là vì thế.
Đừng đánh đổi vì cái lợi trước mắt
Ông Trần Phước Luân, Giám đốc Việt Nam của trường UniSQ chia sẻ, du học nghề tại Australia nhận học viên từ 18 tuổi và không có giới hạn độ tuổi. Những người đã đi làm, đã lớn tuổi đều có thể theo học.
Khi đang đi học, sinh viên được phép làm tối đa 48 tiếng/2 tuần. Mức lương làm thêm 20 – 22 AUD/ giờ (1 AUD gần 16.000 đồng), một số ngành có mức lương 25 – 30 AUD/ giờ. Nhiều người có thể trang trải chi phí học hành, sinh hoạt nhờ việc đi làm thêm.
Mức lương trung bình của một số ngành đang “hot” ở Úc, như ông Luân thông tin là ngành IT 90.000 – 130.000 AUD/năm (khoảng 1,4 tỷ – 2 tỷ đồng/năm), hướng dẫn viên du lịch 60.000 – 70.000/năm (khoảng 1 – 1,1 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, nhiều ngành nghề như công tác xã hội, y tá, chăm sóc sức khỏe… đều có mức lương cao.
Về chi phí sinh hoạt, ông Luân cung cấp, một sinh viên sống ở khu vực trung tâm chi phí chi tiêu ở mức 20.000 – 22.000 AUD/năm (khoảng 320 – 350 triệu đồng/năm), vùng ven có mức 17.000 – 18.000 AUD/năm (khoảng 270 – 290 triệu đồng). Dựa trên mức thu nhập và mức chi tiêu, người lao động tính toán số tiền có thể để dành hàng năm.
Bên cạnh công việc đi làm chính thức, người lao động cũng có thể đi làm thêm tùy năng lực, nhu cầu, không giới hạn thời gian để có thêm thu nhập.
Ông Luân chia sẻ, sau dịch bệnh, nhu cầu tuyển dụng ở Australia rất cao. Khát nhân lực, nước bạn có nhiều chính sách gia hạn cho người lao động nước ngoài ở lại làm việc. Tùy ngành nghề, sau khi ra trường, người lao động có thể ở lại làm việc 3 – 6 năm.
Ông Trần Phước Luân phân tích với người lao động về khả năng tích lũy khi làm việc tại Australia (Ảnh: H.N).
Cơ hội việc làm, đi làm để kiếm một khoản tiền tích lũy như mong muốn của nhiều người, ông Trần Phước Luân khẳng định “không khó”. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh, người lao động đừng chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà bỏ bê việc học, sẽ mất rất nhiều quyền lợi trong tương lai như cơ hội việc làm hợp pháp, cơ hội được định cư…
“Australia có một nền giáo dục tốt. Đã bỏ tiền đi học, chúng ta nên đầu tư học hành nghiêm túc để đảm bảo việc tốt nghiệp. Có điều kiện hãy cố gắng học nâng cao trình độ, khi ra trường, có bằng cấp, chứng chỉ sẽ có nhiều cơ hội việc làm, mức lương tốt hơn, cơ hội định cư cao”, đại diện này khuyến cáo.
Ông Nguyễn Đức Dũng, chuyên gia giáo dục ở TPHCM chia sẻ, trước đây, giữa việc sớm đi làm kiếm tiền và học đại học, ông luôn khuyến khích các bạn trẻ ráng học hành, kiếm tấm bằng tử tế rồi mọi sự tính sau. Nhưng giờ đây ông “không còn cố chấp như vậy nữa” khi chứng kiến cảnh nhiều cử nhân ra trường đi làm chật vật, đồng lương eo hẹp, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Ông nhìn nhận thẳng thắn, con đường nào mang lại nhiều tiền, thu nhập cao thì người lao động sẽ đi theo, đó là quy luật tự nhiên.
Mục tiêu của không ít người khi chọn con đường du học nghề là kiếm tiền, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong hoàn cảnh nào, dù đi làm kiếm tiền, người lao động cũng nên chú trọng việc học. Người lao động kiếm tiền tỷ vào thời điểm nào đó nhưng nếu không có bằng cấp, tay nghề vững vàng sẽ khó phát triển bền vững, dễ rơi vào cảnh “mèo lại hoàn mèo”.