Ở độ tuổi gầy dựng sự nghiệp, thời gian càng trôi, áp lực càng lớn. Với những người trẻ ở quê lên thành phố học hành, quyết tâm ở lại lập nghiệp, thông thường sau ra trường đi làm, điều kiện tốt nhất là xác lập được vị trí, nhận mức lương cao, nghề nghiệp “nở mặt nở mày”.
Dù vậy áp lực và đánh đổi từ cuộc sống nơi phố thị khó có điểm dừng. Giới trẻ văn phòng hiện tại, dù đã thực sự ổn định, đạt được vị trí cấp bậc, thỏa mãn với nghề nghiệp cũng vẫn áp lực khi nhìn sang thành công của bạn bè đồng trang lứa.
Anh Trần Thanh Sơn (25 tuổi, quản lý khách sạn tại TPHCM) chia sẻ: “Khi so sánh bản thân với bạn bè ở quê đang thành đạt, dù mình làm việc ở một thành phố lớn vẫn cảm thấy xa vời và kiệt sức”.
Nhiều người trẻ tại thành phố đang áp lực bởi thành công của bạn bè (Nguồn ảnh: Pexels)
Thành đạt ở phố lương 30 triệu, bạn tại quê đã vài ba nhà
Với tình hình thị trường lao động như hiện tại, những người đang có thu nhập ổn định trong khoảng từ 30 triệu đồng/tháng, ở vị trí quản lý trong doanh nghiệp đã là đáng ngưỡng mộ. Trong “bão” khó khăn, sa thải hiện tại, dân công sở tại Hà Nội, TPHCM giữ được mức lương như vậy đều thuộc nhóm nhân sự có năng lực, “cứng cựa”, không thể phủ nhận.
Là một người trẻ thành đạt như vậy, anh Nguyễn Duy Bảo (25 tuổi, làm việc trong lĩnh vực thời trang tại TPHCM) chia sẻ, bản thân đang có mức lương 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhờ vào công việc tay trái, thực tế, thu nhập trung bình sẽ là 30 triệu. Thế nhưng nếu so với bạn bè ở quê, nhiều người đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ nhà hàng khách sạn… anh vẫn cảm thấy ái ngại.
“Có bạn đã lập gia đình, trong tay thêm vài ba bất động sản. Thành thật mà nói lên phố lập nghiệp áp lực lớn, sự sàng lọc, cạnh tranh cao, thường người nổi trội hơn mới “trụ” lại được nhưng cơ hội gây dựng sự nghiệp cũng rộng mở so với ở quê. Những bạn lựa chọn ở lại quê nhà thường không có nhiều bước đường thăng tiến như ở thành phố. Nhưng thực tế, bạn bè tôi thực sự đang thành công hơn” – anh Nguyễn Duy Bảo kể.
Anh Nguyễn Duy Bảo chia sẻ bản thân áp lực trước bạn bè ở quê dù có mức thu nhập tầm 30 triệu/tháng (Ảnh: NVCC).
Trở lại với nhân viên quản lý khách sạn Trần Thanh Sơn, anh cũng tâm sự: “Thu nhập của mình dao động khoảng 20-30 triệu đồng/tháng vẫn không sánh vào đâu so với bạn ở quê. Nói gọn hơn là bây giờ các bạn chỉ cần tìm kiếm một nửa “biết giữ tiền” để kết hôn thôi”.
Anh Sơn chơi với 3 người bạn. Một người đang là quản lý khách sạn ở Bảo Lộc, đồng thời điều hành một chuỗi cửa hàng mắt kính, gặp nhau chẳng bao giờ để “giai phố” rút ví. Một người khác đang sở hữu bất động sản hơn 40 tỷ, đang làm khách sạn và quán cà phê, lần nào gặp bạn từ thành phố về cũng nhờ tìm giúp nhà đất với ngân sách… 20 tỷ. Người bạn thứ ba hiện là Phó giám đốc công ty của gia đình, đồng thời đang nắm trong tay vài ba vựa cây giống, vài ao cá, và một lò gạch ở Đồng Nai.
“Mỗi đêm, khi đi ngủ bản thân tôi luôn cảm thấy áp lực, suy nghĩ rất nhiều, không biết phải cố gắng thế nào, làm gì hơn nữa để đỡ tủi với bạn bè ở quê. Hiện tại tôi không phải đứng sau nữa mà thấy mình đang đứng trên bờ, còn bạn bè đã ra biển lớn”.
Anh Thanh Sơn chia sẻ nhiều bạn bè đã có tích lũy lớn, sở hữu nhiều bất động sản tại quê nhà (Ảnh: NVCC).
Anh Lê Vũ Minh Dương (27 tuổi, quản lý công ty ngành thủy sản) cũng cảm nhận về áp lực với cuộc đua tới thành công. Lựa chọn học hành, “chinh chiến” nơi thành phố mà giờ nhìn lại, bản thân chưa có gì trong tay, về quê đã ngại, gặp lại bạn cũ càng tủi vì ai cũng đã nhà lầu, xe hơi, gia đình đuề huề, sung túc…
Làm hơn 20 năm không thể mua nổi nhà ở thành phố
Nếu đo sự thành công bằng tài sản tích lũy, những “chiến binh” ở quê lên phố lập nghiệp quả thật áp lực khi làm việc cật lực vẫn khó có thể mua nổi một căn nhà riêng như bạn bè ở quê.
“Thú thật, bạn mình ở quê học hành bằng cấp không bằng nhưng giờ họ đã nhà cửa khang trang, trong khi mình vẫn đóng tiền thuê trọ đều hàng tháng. Thật sự mình khá buồn khi nghe cha mẹ hỏi han, kể cho mình về những người bạn thời phổ thông” – anh Lê Vũ Minh Dương nói.
Mới ra trường vài năm đã đạt mức thu nhập tầm 30 triệu đồng/tháng như Dương thực sự là kết quả không nhiều người có được nhưng tính lại, chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt đã ngốn hơn phân nửa.
Anh Minh Dương chia sẻ vấn đề mua nhà của nhiều người trẻ đặt thêm cho họ áp lực vô hình về sự thành công (Ảnh: NVCC).
“Nếu nỗ lực tiết kiệm, mỗi năm có dành được 120-150 triệu đồng thì chắc 20 năm cũng mới mua nổi căn chung cư xa trung tâm thành phố…” – Minh Dương thở dài.
Lựa chọn ở lại quê nhà, theo đó, thuận lợi, dễ chịu hơn nhiều khi không tốn chi phí nhiều, mức độ cạnh tranh, bươn chải cũng đỡ găng.
Tuy nhiên, rõ ràng mọi sự so sánh đều mang tính tương đối bởi đổi lại những thách thức khắc nghiệt, ở thành phố người lao động có nhiều va chạm, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống cũng như cơ hội đột phá, khả năng đi xa hơn nơi lũy tre làng.
Làm sao để trấn an bản thân?
Thế mới thấy, áp lực thành công là thứ hiện hữu, cũng là phép thử cho sự trưởng thành về nhận thức của mỗi người, để nắm được điểm cân bằng, tự bằng lòng với bản thân và những thứ mình có.
Anh Thanh Sơn chia sẻ, cách tốt để vượt qua áp lực thành công là nên liệt kê tất cả thế mạnh của bản thân, ưu việt của môi trường làm việc ở thành phố. Trong đó, đặt giả thiết nếu quê nhà thì liệu có thể phát triển bản thân và đạt được bước tiến nghề nghiệp như kỳ vọng.
“Gạt chuyện so sánh đi, bản thân mỗi người cần chấp nhận hiện tại mình không thể thành đạt bằng một số bạn bè. Mỗi người mỗi xuất phát điểm, mỗi môi trường, mỗi thế mạnh nên không thể tự ti để bản thân thấy mình tệ hại hơn mà nên xác định nhìn bạn bè để không ngừng cố gắng, phấn đấu” – anh Thanh Sơn tâm niệm.
Việc hoàn thiện bản thân, nhìn người khác để thấy động lực cố gắng là yếu tố quan trọng giúp người trẻ vượt qua áp lực (Nguồn ảnh: Pexels).
Ngoài ra, anh Minh Dương cũng cho rằng mỗi cá nhân nên tập trung vào bản thân mình, sự nghiệp của mình thay vì dành thời gian tập trung vào người khác. Anh luôn cố sắp xếp thời gian đăng kí thêm vài ba khóa học, tìm và tham gia các buổi kết nối doanh nghiệp, giao lưu chuyên môn… để mở rộng mối quan hệ, thêm kỹ năng, trải nghiệm.
Anh Nguyễn Duy Bảo cũng suy nghĩ theo hướng tích cực, áp lực so sánh khó tránh khỏi, đồng thời cũng là động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn. “Mỗi người sẽ có một con đường đi, một loại thành đạt trong sự nghiệp của riêng mình, chắc chắn sẽ có so sánh, sẽ thất vọng về bản thân nhưng suy cho cùng là do mình quá kỳ vọng, nên dẫu sao đó vẫn là điều tốt” – anh Bảo tâm niệm.