Lợi bất cập hại nếu lập rào cản ngăn lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

Với đề xuất chỉ cho rút 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhiều chuyên gia lo ngại phản tác dụng, lao động có thể gia tăng rút, không chờ được hưởng lương hưu.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến đến cuối tháng 4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án với bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức không hạn chế rút; lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Hai là vẫn giải quyết cho lao động rút, nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để lao động hưởng chế độ khi đủ tuổi hưu.

Ngoài ra, Điều 71 dự thảo quy định lao động nếu hưởng BHXH một lần sau thời điểm luật này có hiệu lực (dự kiến 1/1/2025) thì phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu.

Lao động chờ làm thủ tục rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Lao động chờ làm thủ tục rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, TP HCM, cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Phương án hai là một trong những rào cản ngăn lao động rút BHXH một lần. Ví dụ lao động đóng 10 năm BHXH mà rút một lần thì còn 5 năm bảo lưu trong quỹ. Nếu sau này họ đi làm và quay trở lại hệ thống thì phải tích lũy thêm 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Mục tiêu của phương án là giảm tối đa tình trạng rút một lần, đảm bảo an sinh cho lao động khi về già.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá mục tiêu trên khó thực hiện bởi phần lớn lao động tham gia BHXH là người di cư từ nông thôn ra thành thị, vẫn coi đầu tư cho con cái học hành để sau này nương tựa quan trọng hơn lương hưu. Họ xem tiền đóng BHXH như khoản tiết kiệm, đi làm vài năm rồi rút ra làm ăn, xử lý việc lớn trong nhà.

Một bộ phận lại xem đóng BHXH như dạng thức chơi hụi, đi làm đóng một thời gian rồi rút ra, sau đó đóng tiếp quay vòng thứ hai để rồi có thể lại rút mà không quan tâm lương hưu. Vậy nên khi cơ quan quản lý tìm giải pháp giữ chân lao động ở lại hệ thống thì họ vội vàng rút BHXH vì sợ mất khoản tiết kiệm.

Bà Phạm Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn, nhận định dù chốt phương án nào thì tình trạng rút BHXH một lần vẫn có thể gia tăng. Nếu siết hưởng 50% tổng thời gian đóng, lao động có thể không phản ứng thẳng thừng, mạnh mẽ, nhưng bằng cách khác vào một lúc khác. Thậm chí nếu hạ năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm mới được hưởng lương hưu như dự thảo, tuổi nghề và tuổi hưu ngày càng cách xa, có thể thúc đẩy quá trình rút diễn ra nhanh hơn.

Nhìn từ góc độ khác, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho rằng chính sách bảo lưu nhằm khuyến khích lao động rút BHXH một lần quay lại với hệ thống. Tỷ lệ và mức hưởng lương hưu sau này có thể thấp do thời gian tham gia thấp, song mỗi năm nhà nước điều chỉnh tăng dần còn hơn không có. Người lao động cũng cần chấp nhận vì đã rút một khoản tiền để tiêu trước đó.

Theo ông Mến, nếu không sớm giải quyết bài toán BHXH một lần thì sau này trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sẽ càng nan giải, lâu dài có thể khiến thế hệ tiếp theo thành “bánh mì kẹp” khi phải vừa đi làm vừa lo cho cha mẹ không có lương hưu. Với người con cháu không có khả năng chăm lo, ngân sách nhà nước phải trợ cấp và khoản này khó mà cao hơn lương hưu.

Cách nào giữ chân lao động ở lại hệ thống an sinh?

Từng hai lần tham gia sửa Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và 2014, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, không ủng hộ cho rút BHXH một lần. Song với phương án giữ lại 50% tổng thời gian đóng BHXH, cơ quan soạn thảo chưa nói rõ khoản đó sẽ được giải quyết thế nào trong trường hợp lao động không tích lũy đủ 20 năm để hưởng lương hưu? Nếu chuyển qua trợ cấp hàng tháng hoặc cho rút tiếp thì cần thông tin rõ ngay từ trong dự thảo cho lao động biết, tham gia góp ý và cân nhắc lựa chọn.

Ông Huân phân tích lao động luôn băn khoăn “Tiền để lại trong quỹ liệu có an toàn và sau này có dễ dàng lấy”? Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đầu tư sinh lời, hiệu quả thì người lao động phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết khoản tiền đóng sinh lời, lao động sẽ yên tâm để tiền trong quỹ, không vội vàng rút một lần.

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nói các khảo sát cho thấy việc rút BHXH một lần có mối liên quan đến niềm tin của lao động với quỹ. Cơ quan quản lý nên nhìn nhận người đóng BHXH như là cổ đông của quỹ, cần biết nguồn tiền đang tăng giảm ra sao, dùng vào mục đích gì. Chỉ khi lao động biết tiền trong quỹ được vận hành minh bạch, có những thực hành tốt về an sinh như hỗ trợ họ lúc sa cơ thì mới mong giữ được lao động ở lại với hệ thống.

Muốn lao động hạn chế rút BHXH một lần, bà Phạm Thu Lan cho rằng ngoài sửa luật còn phải thay đổi đồng bộ quy định về lương tối thiểu, là mức đủ sống chứ không phải là món tiền chỉ để tồn tại. Bà đồng ý giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu vẫn quá lâu. Đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng chế độ, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức là tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu.

Tuổi hưởng chế độ có thể dao động 45-50 bởi với ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân hết tuổi nghề rất sớm. Lao động hết tuổi nghề sẽ chuyển tiếp vào tuổi hưởng chế độ. Họ được đỡ bởi một tầng an sinh trong khi chuyển đổi công việc phù hợp hoặc tiếp tục tham gia thị trường. Bà Lan tin rằng lao động sẵn sàng đợi nếu có chế độ hỗ trợ trong thời gian chờ lương hưu. Còn tuổi hưu là đến khi lao động nghỉ việc, có thể kéo dài như quy định để tận dụng nguồn nhân lực.

“Nên đưa ra cho người lao động nhiều cách để lựa chọn, thay vì bắt buộc chọn rút hoặc không”, bà Lan nói.

Việc siết hay nới điều kiện hưởng BHXH một lần gây nhiều tranh cãi mỗi lần sửa luật. Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc.

Quy định được coi là bước tiến khuyến khích lao động ở lại với lưới an sinh đã bị phản ứng, công nhân ngừng việc tập thể. Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi theo hướng để lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.

Hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, chiếm 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người rút một cục tăng nhanh. Thống kê giai đoạn 2016-2021, hơn 4 triệu lao động rút BHXH một lần. Khoảng 10% trong số đó có thời gian đóng từ đủ 10 năm trở lên.

Cả nước có gần 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030. Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.

Hồng Chiêu