Hà Nội nắn đường 2,5
Trong quá trình tìm hiểu việc giao đất đối ứng, PV Báo Giao thông được người dân cung cấp kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng – QL1A.
Dự án Vành đai 2,5 đoạn nút giao Cầu Giấy – Nguyễn Văn Huyên
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều tồn tại, thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, từ đó dẫn đến nghi ngờ có sự sửa đổi quy hoạch đường 2,5 gây khiếu kiện phức tạp.
Cụ thể: Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội không lưu trữ hồ sơ màu quy hoạch Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng – QL1A; không cắm mốc giới đúng tiêu chuẩn dẫn đến việc người dân nghi ngờ mốc giới đường Vành đai 2,5 bị thay đổi, nắn chỉnh; chỉ giới đỏ tại vị trí Bệnh viện Y học Hàng không bị cong, không phù hợp quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh đó, Hà Nội cho phép quận Hoàng Mai đấu giá đất tái định cư. Báo cáo thanh tra cho biết, ô đất HH1 – HH3 là đất hỗn hợp chủ yếu quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, kết hợp nhà ở phục vụ di dân giải phóng mặt bằng (QĐ 81).
Tuy nhiên, Hà Nội (2007), giao cho UBND quận Hoàng Mai để xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng công trình hỗn hợp. Tại thời điểm thanh tra (2012), khu tái định cư HH1 – HH3 chưa được điều chỉnh quy hoạch. Do đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản thông báo cụ thể việc bố trí tái định cư vào khu vực trên. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện đúng các trình tự, thủ tục, điều chỉnh quy hoạch theo quy định và công khai cho nhân dân được biết.
Ngoài ra, việc chi trả tiền đền bù còn chậm trễ, giá bồi thường thấp so với giá giao dịch tại thời điểm bồi thường. Trước những tồn tại trên, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị TP Hà Nội làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm, có biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên.
Báo Giao thông đã có văn bản gửi TP Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai, hỏi về việc thực hiện kết luận trên, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Rà soát, dừng triển khai hai đoạn đường Vành đai 2,5
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, tuyến Vành đai 2,5 dài 19,41km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40 – 50m. Tuyến được chia thành 13 đoạn, trong đó 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59km.
5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97km gồm: Khu đô thị Ciputra – Nguyễn Hoàng Tôn – Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư Khu đô thị Ciputra và Tây Hồ Tây đầu tư); Đường 32 – Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng – Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.
4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85km gồm: Đoạn 1 nối Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ; đoạn 2 nối Trung Kính – Trần Duy Hưng, đoạn 3 nối Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng, đoạn 4 nối Hồ Vĩnh Hưng – Lĩnh Nam.
Trong danh sách 91 dự án dự kiến thực hiện theo hình thức BT phải rà soát, dừng triển khai, đường Vành đai 2,5 có 2 đoạn: Gồm đoạn Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng, đoạn này có quỹ đất đối ứng dự kiến 32ha thuộc Khu đô thị Hồ Tây – Hà Nội.
Đoạn thứ hai là đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ. Quỹ đất đối ứng dự kiến của đoạn này là hơn 111ha, thuộc khu đất phân khu N7 và phân khu N9 huyện Đông Anh.
Một số dự án thuộc diện rà soát, dừng triển khai khác như: Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn – Hương Sơn do Liên danh CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (ICID) đề xuất. Quỹ đất dự kiến thanh toán là hơn 310ha, tại khu du lịch Quan Sơn (Mỹ Đức).
Dự án trục Tây Thăng Long qua địa bàn huyện Đan Phượng do Công ty TNHH Đầu tư Louis Land đề xuất với đất dự kiến đối ứng là hơn 156ha tại khu đất vị trí S1, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng…